Khơi dậy tính chủ động tích cực của quần chúng nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường ở Phú Thọ hiện nay.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: NÂNG CAO VAI TRÒ NHÂN TỐ CHỦ QUAN TRONG VIỆC GIỮ GÌN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC MƯỜNG TỈNH PHÚ THỌ HIỆN NAY ppt (Trang 60 - 63)

gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường ở Phú Thọ hiện nay.

Mặt thuận lợi trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá Mường ở Phú Thọ là người Mường cư trú khá tập trung ở hai huyện Thanh Sơn và Yên Lập, trong mỗi huyện tỷ lệ người Mường chiếm tới trên 70% dân số, xã nào cũng có những người già thông thạo địa hình địa vật, tập tục lễ nghi, say sưa với những câu hát đối, nhiều gia đình còn lưu giữ những cổ vật quý như Cồng, Chiêng, Ninh bằng đồng; Đuống gỗ, mũ áo tế lễ… Nhưng một trong những hạn chế của vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá Mường đó là người Mường không có chữ viết, mọi giá trị sáng tạo trong văn hoá được lưu truyền trong dân gian là qua thể thức truyền miệng, yếu tố chính xác và cả sự phong phú phụ thuộc rất nhiều vào trí nhớ và khẩu khiếu của người kể. Hơn nữa, ý thức lưu giữ và bảo vệ các cổ vật quý trong của các thế hệ người trong các gia đình không giống nhau do vậy sự thất thoát những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể là khá nhiều.

Vấn đề quan trọng đối với những người chủ di sản trong thời kỳ hiện tại là phải thường xuyên học tập nâng cao nhận thức, ý thức tự giác bảo vệ các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình, nâng cao khả năng cảm thụ thẩm mỹ, tìm hiểu những thành tựu khoa học kỹ thuật mới, đưa các yếu tố văn hoá thâm nhập vào mọi mặt của đời sống và hoạt động xã hội, thúc đẩy nhu cầu tự bảo vệ từ chính sức mạnh nội tại của nó chứ không phải sự gò ép, áp đặt từ bên ngoài. Việc kế thừa những di sản văn hoá quý báu của dân tộc cũng phải được các chủ thể thực hiện một cách hết sức sáng tạo, trong ý thức phải có cả niềm tự hào, nếu không sẽ rất dễ rơi vào thủ cựu, phục cổ nguyên si cái cổ truyền không phù hợp với điều kiện mới, hoặc sẽ là phủ nhận những giá trị văn hoá đích thực, phủ nhận vai trò nền tảng của các di sản văn hoá dân tộc. Sự tác động của các ĐKKQ, sự giáo dục, tuyên truyền, vận động của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân chỉ phát huy tác dụng khi người dân - chủ thể của các giá trị văn hoá có ý thức tự giác, biết gắn bó giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng.

Thực trạng tâm lý, tình cảm, ý thức chủ động giữ gìn, sáng tạo văn hoá của các thế hệ người Mường ở Phú Thọ không giống nhau, nên vai trò của họ trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cũng không giống nhau.

Thứ nhất, những nhà khoa học, tầng lớp trí thức người dân tộc Mường đã, đang

sống trên địa bàn, họ là những người có tri thức, am hiểu về con người, điều kiện sống và thực trạng văn hoá của người Mường hiện nay; thế mạnh của họ là sự chủ động tham mưu, đề xuất với các ngành chức năng các phương pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hoá một cách khoa học, hiệu quả nhất. Do vậy, khơi dậy tính chủ động tích cực của những nhà khoa học, tầng lớp trí thức đã và đang sống trên địa bàn tỉnh chính là khơi dậy trong họ tâm huyết và nhiệt tình, phát huy tính chủ động sáng tạo của họ trong mặt trận văn hoá ở cả hai mặt lưu giữ và phát triển. Hơn nữa, tầng lớp trí thức (nhất là thanh niên trí thức), là lực lượng thu hút, tập hợp giới trẻ trong các hoạt động văn hoá xã hội, góp phần điều chỉnh những lệch lạc trong nhận thức và hành vi đạo đức của tầng lớp thanh niên nói chung, thanh niên Mường trong tỉnh Phú Thọ nói riêng.

Thứ hai, nguồn tư liệu “sống” trong dân gian là những người già có tâm huyết và

hiểu biết về vốn cổ văn hoá Mường trong tỉnh, nhưng đội ngũ này không nhiều và cũng không tồn tại mãi mãi. Do vậy, phương hướng khai thác, khơi dậy lòng nhiệt tình của các

chủ thể này không thể chậm trễ; ngoài việc cung cấp những thông tin và tư liệu quý cho các nhà khoa học, thì lớp các nghệ nhân già là lực lượng quan trọng trong các hoạt động khôi phục văn hoá dân gian, đặc biệt là các lễ hội cổ truyền. Uy tín và vị trí của người già trong các gia đình Mường rất được coi trọng, nên vai trò của họ trong việc điều chỉnh thái độ, hành vi của con cháu là rất to lớn. Vấn đề quan trọng là tạo điều kiện để họ tiếp cận và hiểu được các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển văn hoá, tuyên truyền để họ hiểu được tính chất hai mặt của văn hoá truyền thống, khuyến khích sự chủ động loại trừ hủ tục trong các hoạt động văn hoá tín ngưỡng ở gia đình và địa phương, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo tồn tại chỗ các di sản văn hoá như: Nhà sàn, Cồng, Chiêng…bảo tồn vốn cổ văn hoá truyền thống và đáp ứng những yêu cầu phát triển chung.

Thứ ba, lực lượng đông đảo nhất và chủ lực nhất trong tất cả các hoạt động kinh tế -

xã hội của vùng Mường hiện nay là tầng lớp thanh niên. Đây là lực lượng có mặt trong tất cả các ngành nghề, có tri thức, có sức khoẻ, nhạy bén, dễ thích ứng với mọi tình huống nảy sinh trong xã hội đương đại; phần lớn trong số họ thích cuộc sống công nghiệp, tiếp thu khoa học kỹ thuật nhanh, biết thực hành, ứng dụng những kiến thức, hiểu biết của mình vào cuộc sống để nâng cao thu nhập, đảm bảo ổn định kinh tế gia đình. Xu thế của thanh niên Mường trong tỉnh là không còn bó hẹp cuộc sống của mình trong phạm vi làng bản nữa, họ chủ động giao lưu với những vùng kinh tế khác, tự tiếp thu những gì mà chủ quan họ cho là tốt, thực hiện cách tân một cách triệt để…Nhưng chính những mặt mạnh ấy của họ lại là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng đứt đoạn trong kế thừa và mai một vốn văn hoá truyền thống của dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mường nói riêng.

Khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của tầng lớp thanh niên này trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc đòi hỏi phải có sự phối kết hợp của các tổ chức, ban ngành đoàn thể, đặc biệt là liên kết giữa hai ngành: Văn hoá và Đoàn thanh niên trong việc tập hợp lực lượng trong độ tuổi và tổ chức các hoạt động chính trị, văn hoá xã hội. Đối với lớp trẻ, không gì thuyết phục họ nhanh hơn các hoạt động bề nổi thiết thực và hữu ích, từ những lợi ích trong hoạt động thực tiễn, dần dần tư duy và quan niệm của họ sẽ thay đổi. Do vậy, ngoài việc tuyên truyền để họ hiểu giá trị vốn văn hoá truyền thống của người Mường trong kho tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam, thì việc tăng

cường các hoạt động như: Viết bài dự thi tìm hiểu vốn văn hoá truyền thống; Tổ chức lễ hội cồng chiêng toàn tỉnh; Tổ chức giao lưu văn hoá các dân tộc trong tỉnh, Chương trình “tiếp lửa truyền thống mãi mãi tuổi 20” v.v…những hoạt động chung của tổ chức, của cộng đồng như vậy rất cần thiết. Bằng các hoạt động thực tiễn, bằng sự nhiệt tình của cán bộ hội viên, sự nhiệt tình của các già làng, trưởng bản, bằng thế mạnh của mình, bằng ý thức trách nhiệm, họ sẽ góp phần quan trọng trong việc cải tạo những hủ tục trong văn hoá cổ truyền như: việc cưới, việc tang, lễ tết…, góp phần duy trì, phát triển những nét đẹp trong văn hoá văn nghệ dân gian, và bảo tồn những di sản vật thể và phi vật thể đang tồn tại trong gia đình và cộng đồng như: cồng chiêng, nhà sàn, tiếng nói, các vật dụng sinh hoạt khác.

3.2. Giải pháp

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: NÂNG CAO VAI TRÒ NHÂN TỐ CHỦ QUAN TRONG VIỆC GIỮ GÌN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC MƯỜNG TỈNH PHÚ THỌ HIỆN NAY ppt (Trang 60 - 63)