Đánh giá của nhóm về các giải pháp của chính phủ:

Một phần của tài liệu Thực trạng lạm phát Việt Nam – Nguyên nhân và giải pháp (Trang 97 - 99)

Về các nhóm giải pháp được chính phủ đưa ra trong nghị quyết 11, nhóm nhận thấy như sau:

Trước hết, các nhóm giải pháp được đưa ra khá toàn diện bao gồm cả các giải pháp về tiền tệ và tài khóa. Trong bối cạnh lạm phát tăng cao như hiện nay, việc thắt chặt tiền tệ và tài khóa chặt chẽ, cắt giảm đầu tư công là vấn đề hoàn toàn hợp lí. Các giải pháp đưa ra sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng có tác dụng kiềm chế lạm phát, giữ ổn định tình hình kinh tế vĩ mô. Nghị quyết 11 đã quan tâm một cách đầy đủ đến các nguyên nhân gây ra lạm phát hiện nay ở Việt Nam đó là lạm phát do cầu kéo từ việc đầu tư dàn trải thiếu hiệu quả với mục tiêu tăng tạo trưởng cao qua nhiều năm, do chi phí đẩy từ việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như nguyên liệu, điện, … Các giải pháp nói trên nếu được thực hiện tốt sẽ giúp nền kinh tế cân đối, phát triển bền vững hơn.

Tuy vậy, nhóm nhận thấy trong nghị quyết 11 còn nhiều vấn đề chưa được xác định một cách rõ ràng, dẫn đến rủi ro trong quá trình thực hiện và có thể gây ra những tác dụng ngược không mong muốn lên nền kinh tế:

Thứ nhất, đối với chính sách thắt chặt tiền tệ, chính phủ chủ trương cắt giảm tín dụng đối với các nhóm ngành phi sản xuất nhưng chưa có văn bản xác định rõ đâu là nhóm ngành phi sản xuất và đặc điểm, ảnh hưởng của nhóm ngành đó lên nền sản xuất như thế nào. Việc không xác định không rõ ràng dẫn đến rủi ro là hàng loạt các nhóm ngành phi sản xuất như dịch vụ, thương mại, vận tải, các nhóm ngành tuy không tạo ra hàng hóa nhưng lại là một khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng phục vụ cho quá trình sản xuất bị đình trệ. Điều này sẽ gây đình trệ hoạt động sản xuất.

Các dịch vụ hỗ trợ sản xuất gặp khó khăn, thiếu vốn hoặc phải vay vốn với chi phí đắt đỏ sẽ khiến giá gia tăng, từ đó có thể khiến giá đầu vào, chi phí sản xuất của một số ngành tiếp tục tăng, gây tác dụng ngược đối với quá trình chống lạm phát. Mặt khác, chính phủ chưa có những giải pháp cụ thể để kiếm soát tình trạng lãi suất khá cao hiện nay. Lãi suất huy động và cho vay thực tế của các ngân hàng liên tục tăng cao, và vượt xa mức lãi suất cơ bản hiện tại đã khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí vốn cao, có thể phải thu hẹp sản xuất hoặc tăng giá bán các hàng hóa. Điều này gây ra rủi ro tài chính cho hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, nếu kéo dài có thể gây nên sự đình trệ sản xuất, dẫn đến suy thoái.

Thứ hai, quá trình thực hiện việc cấm kinh doanh vàng và đôla trên thị trường tự do nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Việc cấm kinh doanh vàng, đôla tự do, tập trung lại tại các đầu mối chính để kiểm soát là một quyết định đúng. Tuy vậy, khi thực hiện còn quá cứng nhắc, mặt khác chưa tạo được lòng tin trong người dân. Điều này khiến việc huy động vàng và đôla tích trữ trong dân diễn ra chậm và không được như mong đợi. Nhà nước chưa tạo được kênh mua bán thông thoáng, đảm bảo nhu cầu vàng và đôla của người dân.

Thứ ba, chính sách cắt giảm đầu tư công được thực hiện chậm. Vấn đề nằm ở việc lựa chọn dự án để cắt hoặc giảm vốn. Trong nghị quyết 11, Chính phủ đưa ra việc cắt giảm một số dự án không hiệu quả nhưng chưa đưa ra được tiêu chí đánh giá hoặc lĩnh vực cắt giảm cụ thể. Điều này khiến các bộ ngành, địa phương hết sức lúng túng khi phải rà soát và lập danh sách các dự án cần giảm vốn hoặc ngưng thực hiện. Việc thiếu tiêu chí đánh giá cũng như chưa có những động thái rõ ràng khiến cho chính sách này của chính phủ chưa đủ mạnh, không tạo được hiệu quả nhanh, mặt khác còn gây rủi ro về tham nhủng và thất thoát, lãng phí chi phí trong công tác đánh giá.

Thứ tư, việc tăng giá xăng dầu và điện liên tục khiến do tâm lí của người dân không ổn định, hoang mang. Đây là cơ hội cho các tin đồn thất thiệt, đầu cơ, gây ảnh hưởng xấu tới thị trườngm góp phần tạo lạm phát do tâm lí. Chính phủ chưa có những động thái thực sự hiệu quả để trấn an nhân dân, chưa tạo được niềm tin trong nhân dân về

chính sách kinh tế hiện tại. Chính phủ chưa có biện pháp đủ mạnh để chặn đà tăng giá của các mặt hàng nhu yếu phẩm, dẫn đến các loại hàng hóa liên tục biến động do dự báo xấu về lạm phát. Việc tăng lương không bù đắp được sự tăng giá, mặt khác còn gây ra sự tăng giá ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân.

Như vậy, xét về mặt chủ trương, Nghị quyết 11 đã xác định được những bước đi đúng hướng. Tuy vậy trong quá trình cụ thể hóa, còn nhiều vấn đề phải điều chỉnh, làm rõ để nâng hiệu quả khi áp dụng vào thực tế.

Một phần của tài liệu Thực trạng lạm phát Việt Nam – Nguyên nhân và giải pháp (Trang 97 - 99)