Suy giảm lòng tin vào triển vọng kinh doanh, nhiều doanh nghiệp cho rằng lạm phát ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của họ.
Cuộc khảo sát do Công ty Dịch vụ thông tin tài chính WVB Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn tài chính Dầu khí (PVFC Invest) tiến hành từ ngày 15/12/2010 đến đầu tháng 1/2011 tại 233 doanh nghiệp thuộc 11 lĩnh vực ngành nghề chủ chốt của Việt Nam (hơn 75% trong số đó là các doanh nghiệp đại diện cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ) đã rút ra kết luận kể trên.
Theo kết quả điều tra, chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý 4/2010 chỉ đạt 126 điểm, giảm 11 điểm so với quý 3/2010, mức giảm lớn nhất kể từ khi chỉ số này được tiến hành khảo sát vào quý 3/2008. Đây cũng là điểm số thấp nhất của chỉ số này kể từ quý 2/2009 đến nay.
Mặc dù GDP năm 2010 ghi dấu ấn khả quan với tăng trưởng liên tục tăng sau các quý của năm và đến quý 4/2010 ước đạt 7,34%, tuy nhiên lạm phát tăng 11,75%, lãi suất tăng cao trở lại sau điều chỉnh lãi suất cơ bản, và thị trường ngoại hối, vàng, chứng khoán chưa ổn định đã ảnh hưởng đến góc nhìn của doanh nhân về triển vọng kinh doanh trong 12 tháng tới.
Đánh giá tình hình kinh tế chung của Việt Nam hiện nay, chỉ có 48,93% số doanh nghiệp tham gia khảo sát tin rằng nền kinh tế đã tốt hơn so với 12 tháng trước; 37,35% doanh nghiệp cho rằng hiện trạng nền kinh tế không có sự thay đổi; và 13,72% doanh nghiệp cảm nhận nền kinh tế đã kém đi. So với kết quả BCI quý 3/2010, số các doanh nghiệp có quan điểm lạc quan giảm mạnh 21,3%, trong khi các doanh nghiệp có quan điểm bi quan tăng đáng kể 9,53%.
Quan điểm bi quan chung cũng ảnh hưởng đến những dự đoán về tình hình kinh tế Việt Nam 12 tháng tiếp theo của doanh nghiệp. Chỉ còn 75,97% số doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn, giảm 8,38% so với quý 3/2010; 20,6% số doanh nghiệp giữ quan điểm nền kinh tế trong nước sẽ không thay đổi; 3,43% số doanh nghiệp dự cảm kinh tế trong nước sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.
Kết quả là kế hoạch về tuyển dụng lao động, cũng như đầu tư mở rộng đối với tài sản cố định cũng cùng theo xu thế chung, sụt giảm đáng kể ở quan điểm lạc quan nhưng tăng ở nhóm bi quan.
Niềm tin tăng trưởng doanh thu trong tương lai cũng suy giảm trong điều tra lần này. Kết quả cho thấy, chỉ còn 68,24% doanh nghiệp được hỏi tin rằng doanh thu của doanh nghiệp mình sẽ tăng trong vòng 12 tháng tới; 27,90% các doanh nghiệp cho rằng doanh thu của doanh nghiệp sẽ giữ nguyên; 3,86% các doanh nghiệp còn lại lo ngại doanh thu sẽ giảm.
Số các doanh nghiệp có quan điểm lạc quan về triển vọng doanh thu cũng đã giảm 5,81% và số các doanh nghiệp bi quan tăng 1,95% so với kết quả BCI quý 3/2010. Xu thế kém lạc quan cũng kéo dài ảnh hưởng đến niềm tin vào tăng trưởng lợi nhuận thời gian tới. Có 65,67% các doanh nghiệp được hỏi hy vọng lợi nhuận của doanh nghiệp mình sẽ tăng trong 12 tháng tới; 30,47% số doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận sẽ giữ nguyên; 3,68% lo ngại lợi nhuận của doanh nghiệp mình sẽ giảm trong vòng 12 tháng tới.
Ghi nhận những dự cảm của doanh nghiệp đối với tác động từ tăng lãi suất cơ bản, chỉ số giá tiêu dùng năm 2010, dòng tiền trên thị trường, các yếu tố có thể giới hạn khả năng sản xuất của doanh nghiệp trong năm tiếp theo.
Kết quả cho thấy có 94,85% doanh nghiệp cho rằng việc tăng lãi suất cơ bản lên 9% sẽ có tác động tích cực trong ngắn hạn và trung hạn đối với việc kiềm chế lạm phát. Có trên 41% doanh nghiệp tin rằng dòng tiền trên thị trường có thể bị ảnh hưởng bởi sự cộng hưởng của các yếu tố như thị trường vàng, chứng khoán, chính sách tiền tệ
thắt chặt và lạm phát năm 2010 vượt trên hai con số, gần 20% khẳng định biến động thị trường vàng là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất.
Đặc biệt, gần 60% doanh nghiệp cho rằng tỷ lệ lạm phát năm 2010 của Việt Nam ở ngưỡng hai con số ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định chiến lược kinh doanh của họ trong năm 2011. Bên cạnh đó, các yếu tố như đơn đặt hàng, tài chính, chi phí đầu vào cũng như nguồn nhân lực vẫn là các vấn đề mà doanh nghiệp lo lắng.
Nguồn: http://vneconomy.vn/20110111012920300p0c5/lam-phat-anh-huong- chien-luoc-kinh-doanh-2011.htm
ANH QUÂN 11/01/2011 11:58 (GMT+7)
Bên cạnh đó, với việc chỉ số giá liên tục tăng như giai đoạn vừa qua đặc biệt là vật liệu xây dựng, điện nước, giá cho thuê nhà đất sẽ khiến cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp bị đẩy lên cao, gây khó khăn cho đầu ra cũng như làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nghị quyết 11 ban hành, mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực trong việc kiềm chế lạm phát nhưng lại đẩy những doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ vào tình thế khó khăn. Với lãi suất tăng cao, cũng như kênh phát hành trái phiếu bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ khiến cho khâu tìm kiếm vốn của doanh nghiệp khó khăn. Lãi suất cao đông nghĩa lợi nhuận của doanh nghiệp phải cao hơn chi phí sử dụng vốn, và có rất ít các doanh nghiệp có thể đạt mức lợi nhuận 20% trở lên. Việc này đồng nghĩa với các doanh nghiệp hoặc sẽ thu hẹp sản xuất hoặc sẽ đi đến bờ vực phá sản.