Kinh nghiệm kiềm chế lạm phát của thế giới: Giải pháp phải đồng bộ

Một phần của tài liệu Thực trạng lạm phát Việt Nam – Nguyên nhân và giải pháp (Trang 79 - 85)

Lạm phát là sự tăng giá liên tục của hàng hoá, vật tư, dịch vụ hoặc là việc đồng tiền nội tệ bị giảm giá. Lạm phát ở mức dưới 5% có tác dụng động viên các nguồn lực trong xã hội, giúp tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu tỷ lệ này vượt quá 5% sẽ làm giảm

tăng trưởng kinh tế, tác động xấu đến đời sống dân cư. Mức tăng giá tiêu dùng của Việt Nam hiện nay đang ở mức cao, nhiều giải pháp đã được đưa ra và đã phần nào phát huy tác dụng. Tuy nhiên, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong cuộc chiến với lạm phát trong thời điểm hiện nay cũng không phải là việc không nên.

Cải cách Ngân hàng trung ương

Những năm 90 của thế kỷ trước, lạm phát ở các nước Mỹ La tinh lên tới 500%, Achentina, Brazil và Peru là những nền kinh tế lớn nhất khu vực, lạm phát còn tăng lên đến 4 con số. Trước tình hình đó, Chính phủ các quốc gia này đã có nhiều cải cách sâu rộng, đặc biệt là việc cải cách Ngân hàng Trung ương (NHTW).

Năm 1989, Chi lê là nước đầu tiên và tiếp đến các nước Châu Mỹ La tinh khác đã thông qua luật tăng cường quyền tự chủ cho NHTW để nâng cao trách nhiệm của tổ chức này. Cuộc cải cách nhằm thực hiện 4 mục tiêu theo mức độ ưu tiên khác nhau tuỳ từng quốc gia: (1) Sự uỷ nhiệm rõ ràng trong việc theo đuổi ổn định giá cả hơn là tăng trưởng kinh tế (trước đó ưu tiên mục tiêu tăng trưởng); (2) độc lập về mặt chính trị trong việc xây dựng chính sách tiền tệ, tách rời hoạch định chính sách với quá trình bầu cử cơ quan lập pháp hoặc hành pháp; (3) độc lập trong hoạt động quản lý và điều hành chính sách tiền tệ từ việc thiết lập lãi suất đến việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ khác mà không có sự can thiệp của Chính phủ; (4) tính trách nhiệm trong việc đạt đến mức lạm phát mục tiêu.

Hầu hết các quốc gia trên đều thực hiện thêm chính sách thay đổi chế độ tỷ giá. Với việc neo chặt tỷ giá hối đoái trong hơn 10 năm, tình hình lạm phát của họ đã được cải thiện rõ rệt, tăng trưởng kinh tế được khôi phục.

Thực thi chính sách lạm phát mục tiêu

Theo các nhà kinh tế học Thomas Laubach, Rick Mickin và Adam Poxen, chính sách lạm phát mục tiêu (CSLPMT) được hiểu là một nền tảng cơ sở cho chính sách tiền tệ, được đặc trưng bởi việc NHTW công bố với công chúng một mục tiêu định lượng chính thức (thường là một khung phạm vi hơn là một giá trị cụ thể) cho tỷ lệ lạm phát

trong một hoặc vài thời kỳ, dựa trên quan điểm ổn định giá cả là mục tiêu duy nhất của chính sách tiền tệ trong dài hạn. Một trong những đặc trưng về quan điểm có tác động mạnh là công khai với công chúng về những kế hoạch, mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách và trong nhiều trường hợp là cả về cơ chế truyền tải trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của NHTW trong việc theo đuổi mục tiêu”.

Lạm phát mục tiêu thực chất là một kiểu chính sách tiền tệ được cụ thể và lượng hoá; để thực thi chính sách này đòi hỏi NHTW phải được quyền định đoạt các công cụ chính sách tiền tệ trước các tình huống kinh tế và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị.

Thực thi CSLPMT là một chiến lược quan trọng để các chính sách của NHTW trở nên công khai, minh bạch, dễ dự đoán hơn, giúp cho lạm phát giảm xuống, giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ tính ưu việt này nên nhiều nước đã áp dụng khá thành công CSLPMT để kiềm chế lạm phát.

New Zealand áp dụng CSLPMT từ tháng 4/1990, sau khi hoàn thành thời gian cam kết, NHTW được hoạt động độc lập tương đối, chỉ số lạm phát chỉ còn 0-3%. Canada áp dụng CSLPMT bắt đầu từ ngày 26/2/1991, Bộ Tài chính và NHTW công bố chỉ tiêu lạm phát, sử dụng công cụ đo lường lạm phát là CPI, trong đó loại trừ lương thực và năng lượng.

Còn đối với Thuỵ Điển, chính sách kinh tế quá mở rộng, giá cả, tiền lương xung đột với tỷ giá cố định làm cho nền kinh tế Thuỵ Điển lâm vào cuộc khủng khoảng trầm trọng, tăng trưởng kinh tế thấp, năng suất lao động kém, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tình trạng tài chính suy giảm, lãi suất dài hạn và chênh lệch lãi suất gia tăng... Trước khó khăn đó, ngoài việc thắt chặt chính sách tài khoá, thả nổi đồng Krona để theo đuổi mục tiêu lạm phát thấp và ổn định nền kinh tế, từ 1/3/1993 NHTW Thuỵ Điển đưa ra mục tiêu lạm phát ở mức 2%/năm và mức dao động +/- 0,01%. Lạm phát mục tiêu được khẳng định rõ ràng bằng con số cụ thể khiến cho công chúng có thể dễ dàng đánh giá được hoạt động có thêm lòng tin vào NHTW. Kể từ đó, lạm phát ở Thuỵ Điển đã ở mức thấp và ổn định hơn.

Tại Brazil, tháng 1/1999 đồng Rial mất giá 37%, NHTW nâng lãi suất lên 37%, Chính phủ phải quyết định phá giá đồng Real. Từ tháng 2/1999, NHTW Brazil công bố áp dụng CSLPMT, đồng thời tăng lãi suất cơ bản lên 45%/năm. Tháng 6/1999, Brazil công bố Nghị định nhằm thể chế hoá lạm phát mục tiêu với các nội dung chủ yếu: Thông báo về các mục tiêu lạm phát cho 12 tháng của các năm 1999, 2000, 2001 và cam kết thông báo mục tiêu cho năm 2002 và 2 năm tiếp theo; giao Uỷ ban tiền tệ quốc gia nhiệm vụ đặt ra các mục tiêu về lạm phát và biên độ dao động trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính; giao NHTW thực hành các chính sách cần thiết để đạt được các mục tiêu lạm phát đề ra; thiết lập các quy trình trách nhiệm của NHTW, nếu vượt biên độ cho phép thì Thống đốc NHTW phải có văn bản giải trình gửi cho Bộ Tài chính về nguyên nhân, giải pháp khắc phục, thời gian đưa lạm phát trở lại biên độ cho phép; cải thiện tính công khai, minh bạch của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và giải pháp chiến lược trọng yếu của Chính phủ hàng năm.

Trên thực tế, tính độc lập của NHTW Brazil và cam kết ổn định giá cả vẫn chưa rõ ràng vì chỉ dựa vào một văn bản là Nghị định mà chưa có Luật. Tuy vậy, CSLPMT đã được vận hành tốt ở Brazil, đồng Real từ chỗ mất giá 45% khi khủng hoảng xẩy ra đã ổn định ở mức giá thấp hơn là 30%; tăng trưởng kinh tế quốc dân được hồi phục tăng 1% trong năm 1999; đã không có các vụ hoảng loạn trong lĩnh vực ngân hàng. NHTW các nước Argentina, Peru, Mehico, Colombia cũng áp dụng CSLPMT vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Các NHTW đã nắm lấy quyền tự chủ để hiện đại hoá phương thức hoạt động trong môi trường tỷ giá hối đoái mềm dẻo và chuyển từ kiểm soát tiền tệ theo phương thức truyền thống sang việc sử dụng lãi suất ngắn hạn làm đòn bấy chính trong chính sách tiền tệ.

Những cải cách thể chế chính sách tiền tệ, sự thay đổi kinh tế vĩ mô và các chính sách khác đã giúp các nước Mỹ La tinh giảm tỷ lệ lạm phát một cách ấn tượng xuống còn 1 con số. Nếu như những năm 90 thế kỷ trước Chính phủ các nước Mỹ La tinh theo đuổi mục tiêu chống lạm phát thì ngày nay các nước này đang theo đuổi mục tiêu tăng trưởng.

Đô la hoá đã làm phức tạp nhiệm vụ quản lý chính sách tiền tệ của các nước Mỹ La tinh. Tình trạng này làm cho hệ thống tài chính dễ bị tổn thương, NHTW chần chừ trong việc thả nổi đồng nội tệ vì các tác động có hại của việc phá giá có thể gây tổn thất cho những người tham gia thị trường không có bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Để đối phó tình trạng đô la hoá, các NHTW đã phải nâng cao hơn độ tin cậy, trách nhiệm của họ bằng cách cố gắng đạt được mục tiêu lạm phát đã đề ra, đồng thời tạo ra các công cụ để nâng cao khả năng cạnh tranh của đồng nội tệ với USD, tăng cường sự kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động ngoại hối và rủi ro tỷ giá của các trung gian tài chính.

Đối phó với dòng vốn chảy vào

Ngoài cuộc chiến với lạm phát và đô la hóa, NHTW các nước Mỹ La tinh còn phải đối mặt với những thách thức từ sự tăng lên của dòng vốn chảy vào. Đồng nội tệ có khuynh hướng lên giá làm cho NHTW bối rối trong chính sách đáp trả. Nếu tăng lãi suất thì càng hấp dẫn thêm luồng vốn nước ngoài và nếu để đồng nội tệ lên giá lại có tác hại đến việc giảm thâm thụt cán cân mậu dịch và càng làm cho lạm phát gia tăng. Để đối phó với tình trạng này, NHTW các nước Mỹ La tinh đã chọn mục tiêu ổn định giá cả, chỉ can thiệp vào thị trường ngoại hối khi thị trường có biến động quá mức. Các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực canh tranh về chất lượng hàng hoá và giá cả, Chính phủ đẩy mạnh cải cách cơ cấu giúp cho nền kịnh tế linh hoạt hơn, có khả năng chống đỡ với cú sốc từ bên ngoài.

Ngăn ngừa khủng hoảng ngân hàng

Cái giá phải trả cho khủng hoảng ngân hàng là vô cùng to lớn do sự đổ vỡ có tính hệ thống ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và lòng tin của công chúng đối với ngân hàng. Do vậy, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho việc ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng là cực kỳ cần thiết, cần trao quyền cho các nhà quản lý ngân hàng để giải quyết những vấn đề đảm bảo tính thanh khoản và khả năng trả nợ từ khi mới chớm nở; thiết lập hệ thống cảnh bảo sớm cho hệ thống ngân hàng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tái cấu trúc ngân hàng và các giải pháp cần được cải tiến để giải quyết các vấn đề khủng hoảng ngân hàng nhằm ít gây tổn thất và có hiệu quả nhất.

Những năm 90 của thế kỷ trước, các nước Mỹ La tinh đã xẩy ra các cuộc khủng hoảng ngân hàng làm cho lạm phát tăng, suy giảm tăng trưởng kinh tế, đe dọa xảy ra khủng hoảng tiền tệ. Chính phủ Mỹ La tinh đã giữ được mức thâm thụt ngân sách ở mức có thể kiểm soát được, điều này rất quan trọng bởi vì tài trợ cho chi tiêu công với nguồn lực từ NHTW sẽ dẫn tới việc tăng tỷ lệ nợ/GDP. Từ đó có thể dẫn tới sự tăng lãi suất thực và chỉ số “ rủi ro quốc gia”; những nhân tố này làm giảm khả năng điều hành chính sách tiền tệ và tăng tổn thất cho nền kinh tế trong khi đang theo đuổi chính sách giảm lạm phát. Nếu chính sách tài khoá bất ổn có thể dẫn đến khủng hoảng tiền tệ như ở Brazil năm 1999 hoặc khủng hoảng ngân hàng và nợ quốc gia của Argentina năm 2002.

Tổng kết quá trình chống lạm phát của các nước Mỹ La tinh, các chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế – IMF đã nhận định rằng các nước này đã thành công trên cả 4 mặt: Cải cách NHTW bằng cách tăng quyền tự chủ, tính trách nhiệm cao và tính độc lập; thực thi CSLFMT đảm bảo tính công khai, minh bạch và cam kết trước công chúng; đối phó có hiệu quả với tình trạng đô la hoá, áp dụng tỷ giá linh hoạt; hạn chế tác hại của dòng vốn chảy vào vượt quá khả năng hấp thụ của nền kinh tế; ngăn ngừa có hiệu quả nguy cơ khủng hoảng ngân hàng.

Tạp chí “Kinh tế và Dự báo” số 14 tháng 7/2008

Nguồn: http://www.mpi.gov.vn/portal/page/portal/tckt/903605? m_action=2&m_itemid=15126&m_magaid=1412&m_category=269

CHƯƠNG 4: TỔNG HỢP Ý KIẾN CHUYÊN GIA VÀ KIẾN NGHỊ CỦA NHÓM VỀ GIẢI PHÁP KIỀM CHẾ LẠM PHÁT HIỆN NAY.

Một phần của tài liệu Thực trạng lạm phát Việt Nam – Nguyên nhân và giải pháp (Trang 79 - 85)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w