Những yếu tố chi phối lập luận trong hành động bác bỏ tiếng Việt

Một phần của tài liệu 297495 (Trang 60 - 61)

HÀNH ĐỘNG BÁC BỎ TRONG TIẾNG VIỆT VÀ VẤN ĐỀ LỊCH SỰ, VẤN ĐỀ LẬP LUẬN

2.2.2.Những yếu tố chi phối lập luận trong hành động bác bỏ tiếng Việt

Thực tế cho thấy, vai trò của lập luận trong hành động bác bỏ rất phong phú, đa dạng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trực tiếp và gián tiếp của cuộc hội thoại. Chúng tôi đã nghiên cứu và tìm ra những yếu tố sau đây.

(1) Tùy vào từng đối tượng cụ thể, mà lập luận cũng có vai trò khác nhau. Có những người, do đặc trưng công việc hằng ngày, buộc phải sử dụng và đối mặt với hành động lập luận một cách thường xuyên. Hành động lập luận đóng vai trò sống còn trong việc duy trì và phát triển nghề nghiệp của họ. Chẳng hạn những người làm trong các ngành tòa án, công an, các nhà tâm lý, các nhà ngoại giao hoặc các nhà diễn thuyết v.v… Một số người khác, do tính chất công việc không cần nhiều tới sự lập luận trong giao tiếp mà chủ yếu tập trung vào các kỹ năng chuyên môn, chẳng hạn như bác sỹ đang thăm khám cho bệnh nhân, những người bán hàng, nhân viên giao dịch tại ngân hàng… Năng lực cá nhân cũng là một yếu tố quan trọng để làm gia tăng hoặc giảm sút hiệu quả của lập luận bác bỏ. Có những người dường như “sinh ra để hùng biện”, nhưng cũng có người “ngậm hột thị trong miệng”. Tuy nhiên, đã là con người với khả năng tư duy bình thường, ai cũng có thể sử dụng lập luận bác bỏ ở mức độ thấp cao khác nhau.

(2) Tùy vào từng vấn đềđòi hỏi cần có sự lập luận hay không. Tuy nhiên vấn đề lập luận trong bác bỏ nổi cộm rõ nét nhất trong các nội dung liên quan tới quyền lợi của một nước, một dân tộc thông qua các con đường văn bản ngoại giao như công hàm, tuyên bố chung… Các lập luận thường có độ dài về nội dung, sự sắc sảo của các lý lẽ, và sự tinh vi, phức tạp của việc tổ chức các luận cứ. Còn những lập luận khác ở mức độ nhỏ hơn, việc sắp xếp thường do chủ ý của người thực hiện lập luận. Đối với những vấn đề đơn giản trong cuộc sống hằng ngày, người ta có thể sử dụng hành động bác bỏ không đi kèm với lập luận nhưng người bác bỏ và người bị bác bỏ đều thỏa mãn với thông tin nhận được hoặc lập luận nếu xuất hiện, chỉ mang tính chất rất ngắn gọn và đơn giản.

Ví dụ 64

- Không phải, nó đang ngắm cây cảnh!

- Tụi mày không biết gì hết, nó đang làm thơ tả cây đó!

(7-tr.199)

(3) Tùy thuộc vào mục đích giao tiếp. Thông thường, nếu người thực hiện hành động bác bỏ có mong muốn mãnh liệt để bác bỏ nhận định của đối phương càng ở mức độ cao, thì những phương thức và cách thức lập luận đưa ra càng nhiều. Mục đích cuối cùng là củng cố sự vững chắc và gia tăng tính thuyết phục trong lời nói của họ.

Ví dụ 65

Một đôi trai gái yêu nhau

Cô gái hỏi: Anh hết yêu em rồi phải không? Chàng trai 1: Vớ vẩn. Anh vẫn yêu em mà.

Chàng trai 2: Anh vẫn yêu em mà. Nếu không yêu thì anh đâu có lặn lội từ xa xôi đến thăm em. Anh đâu có bỏ cảđám cưới thằng bạn mà đến đây. Em đâu có mua chiếc nhẫn cầu hôn. Anh cũng đâu đưa em đi giới thiệu với bố mẹ như thế.

Ngoại trừ những yếu tố khách quan, tính kiệm lời, không muốn thể hiện tình cảm nhiều… thì chàng trai 1 chỉ có mục đích bác bỏ một cách yếu ớt câu hỏi của cô gái, còn chàng trai thứ 2, muốn khẳng định, muốn cô gái tin tưởng tuyệt đối. Do đó, anh ta dùng phương thức lập luận bằng cách đưa ra hàng loạt những chứng cứ xác thực để chứng mình cho lý lẽ bác bỏ của mình là đúng. Trong trường hợp này, chính sự lập luận chặt chẽ, xác đáng sẽ mang lại hiệu quả bác bỏ cao hơn.

(4) Các yếu tố ngữ cảnh bên ngoài như không gian, thời gian… Chúng tôi không đề cập quá chi tiết vì vai trò của không gian, thời gian đến lập luận vì sự ảnh hưởng này phần nào thống nhất với ảnh hưởng của không gian thời gian lên hành động bác bỏ nói chung mà chúng tôi đã có dịp đề cập trong phần 2.1.3.1 và 2.1.3.2. Nhìn chung, một lập luận bác bỏ hoàn chỉnh và kín kẽ chỉ đạt được nếu không bị sức ép về mặt thời gian, không gian cũng như người tham gia đối thoại.

Một phần của tài liệu 297495 (Trang 60 - 61)