HÀNH ĐỘNG BÁC BỎ TRONG TIẾNG VIỆT VÀ VẤN ĐỀ LỊCH SỰ, VẤN ĐỀ LẬP LUẬN
2.1.3.3. Vai giao tiếp
Rõ ràng vai giao tiếp không chỉ ảnh hưởng tới hành động bác bỏ nói chung mà còn ảnh hưởng trực quan đến tính lịch sự trong bác bỏ nói riêng. Thông thường, quan hệ liên nhân càng bình đẳng, thân mật, mức độ lịch sự càng hướng dần về sự suồng sã, chân thực với việc giản lược tối đa các ngữ khí từ chỉ sự tôn kính. Đôi khi những yếu tố được cho là dư thừa trong việc truyền đạt cũng có thể bị lược bỏ mà không làm ảnh hưởng tới chất lượng của cuộc hội thoại.
Ví dụ 59
- Thế nào, không hợp khẩu vịư? Tôi hỏi.
- À, không, từ nhỏ tôi không ăn xào chay. Nàng nhìn tôi, vẻ bất lực, khiến tôi vô cùng bối rối.
(19-tr.23)
Ở ví dụ này, nhân vật nam đã đưa ra câu hỏi không có chủ ngữ thể hiện (tuy nhiên trong ngữ cảnh, tự nó đã xác định rõ đối tượng sở chỉ của câu) và hầu như tất cả mọi người đều chấp nhận coi câu đó là bình thường, đầy đủ thông tin. Ngược lại, nếu đó là một câu hỏi dành cho người lớn tuổi hoặc có địa vị lớn hơn, thì nó lại mang một nội dung sắc thái tiêu cực.
Thông thường vai giao tiếp càng lạ lẫm với nhau, kinh nghiệm giao tiếp với nhau chưa nhiều, người ta càng có xu hướng giữ kẽ trong giao tiếp, đồng thời cũng giữ kẽ trong cách bác bỏ. Ví dụ 60
Cùng một nội dung giao tiếp Giữa hai người bạn.
X: Ăn cơm với tao đi.
Y: Nhìn thịt cá nữa thấy ớn quá, không ăn đâu.
Giữa chủ và khách đến nhà.
X: Mời anh ăn cơm cùng nhà chúng tôi. Y: Cảm ơn anh, tôi ăn ở nhà rồi.
Có thể cả hai đối tượng Y như trên cùng một suy nghĩ từ chối trong đầu, nhưng do tính chất mối quan hệ, mà họ có những cách thể hiện khác nhau. Cuộc nói chuyện suồng sã giữa hai người bạn không làm vi phạm phương châm lịch sự vì họ đã ngầm hiểu và quen với cách nói chuyện này, do đó không bị chi phối bởi những biểu hiện về mặt câu, từ. Ngược lại, giữa hai người chưa quen
biết nhiều, họ buộc phải dò đoán ý nhau về mặt ngôn từ và cẩn trọng trong việc thể hiện lời nói. Hai ví dụ này cũng chỉ ra mối quan hệ có tính hệ thống giữa hành động bác bỏ và hành động từ chối. Nếu nhận định được đưa ra dưới dạng một đề nghị, thì hành động từ chối chính là hành động bác bỏ nhận định đó.
Đối với những đối tượng lớn tuổi, có vị thế cao trong xã hội, họ thường khai thác hành động bác bỏ như một cách thức để thể hiện quyền uy của mình. Do đó, họ có thể thực hiện những hành động bác bỏ gay gắt, lối xưng hô ngắn gọn và có phần không coi trong đối tượng tiếp nhận phát ngôn, nhưng vẫn có thể được xã hội cho rằng đó là cách ứng xử bình thường. Ngược lại, những đối tượng có phần lép vế hơn, lại phải bỏ công sức đầu tư, để lời nói của mình phải phản ánh được sự kính trọng, nhún mình, nếu không, sẽ bị cho là hỗn xược, vô lễ, không biết phép tắc.
Vai giao tiếp không chỉ là sự quy định mặc nhiên được công nhận từ bên ngoài, mà có khi còn được quyết định bởi chính cách nghĩ, quan niệm về vị trí của chính bản thân người tham gia cuộc đối thoại.