Mối quan hệ giữa hành động bác bỏ và vấn đề lịch sự

Một phần của tài liệu 297495 (Trang 39 - 40)

HÀNH ĐỘNG BÁC BỎ TRONG TIẾNG VIỆT VÀ VẤN ĐỀ LỊCH SỰ, VẤN ĐỀ LẬP LUẬN

2.1.1.Mối quan hệ giữa hành động bác bỏ và vấn đề lịch sự

Mối tương quan giữa bác bỏ và lịch sự là một lĩnh vực còn ít được tập trung nghiên cứu mà mới chỉ được đề cập rải rác trong một số công trình nghiên cứu dưới dạng các bài báo, trong các tạp chí chuyên ngành.

Theo P. Brown và S.Levinson, lịch sự chỉ bất cứ phương thức nào được dùng để tỏ ra lưu ý

đến tình cảm hay là thể diện của nhau trong hội thoại, bất kể khoảng cách xã hội giữa người nói và người nghe như thế nào. Cũng theo hai ông, thể diện với lịch sự được thông qua hai mặt: thể hiện âm tính và thể hiện dương tính. Thể hiện dương tính là nhu cầu, là mong muốn hình ảnh cái tôi của mình được người khác xác nhận, bênh vực và ủng hộ. Thể hiện âm tính hay còn gọi là “lãnh địa của cái tôi” là mong muốn được người khác tôn trọng sự riêng tư cá nhân, quyền tự chủ, quyền tự do hành động và từ chối. Phần lớn các hành động bác bỏ tiềm ẩn nguy cơ cao trong việc làm tổn thương thể diện của người khác.

Theo Lakoff, lịch sự là phương tiện để giảm thiểu sự xung đột trong diễn ngôn. Ông đề xuất hai quy tắc sử dụng ngôn ngữ: quy tắc diễn đạt rõ ràng và quy tắc lịch sự. Ông chi tiết hóa quy tắc lịch sự ra làm ba quy tắc cụ thể: (i) Không áp đặt; (ii) Để ngỏ sự lựa chọn; (iii) Hãy thể hiện tình bằng hữu.

Quan điểm về lịch sự của Leech lại dựa trên khái niệm “thiệt” (cost) và “lợi” (benefit) giữa người nói và người nghe do ngôn từ gây nên. Nội dung khái quát của nguyên tắc này là giảm tới mức tối thiểu những cách nói không lịch sự và tăng tới mức tối đa những cách nói lịch sự. Trong công trình Những nguyên lý dụng học của mình, ông cho rằng lịch sự là sự bù đắp những hao tổn thiệt thòi do hành động nói năng của người nói gây ra cho người đối thoại. Leech cụ thể hóa nguyên tắc lịch sự trong sáu phương châm:

- Phương châm khéo léo: giảm tới mức tối thiểu những điều thiệt và tăng tối đa những điều lợi cho người.

- Phương châm hào hiệp: giảm đến mức tối thiểu những điều lợi và tăng tối đa những điều thiệt cho ta.

- Phương châm tán thưởng: giảm đến mức tối thiểu những lời chê và tăng tối đa những lời khen đối với người.

- Phương châm khiêm tốn: giảm tối thiểu việc khen ta, tăng tối đa việc khen người.

- Phương châm tán đồng: giảm tối thiếu sự bất đồng, tăng tối đa sự đồng ý giữa ta và người. - Phương châm cảm thông: giảm tối thiếu ác cảm, tăng tối đa thiện cảm.

Dựa trên những nhận định nghiên cứu trên, chúng tôi rút ra quy luật về quan hệ giữa mức độ lịch sự và mức độ bác bỏ như sau: Tính lịch sự càng gia tăng khi người đối thoại dành nhiều mức thiệt hại về phía mình và đưa cho người tiếp nhận càng nhiều mối lợi, ngược lại, tính lịch sự sẽ giảm khi người đối thoại chỉ chăm chăm giành càng nhiều điều lợi về mình và đẩy nhiều thiệt hại cho người khác.

Trong giao tiếp, con người với tư cách là chủ thể xã hội có quyền lựa chọn các hành động ngôn ngữ để biểu đạt các nội dung cần thể hiện gắn với từng ngữ cảnh và từng cá nhân cụ thể. Với ý nghĩa này, khi có sự bất đồng chính kiến thì về nguyên tắc phải có hành động phủ nhận, bác bỏ. Bác bỏ gắn trực tiếp với không khí diễn ngôn và các vai giao tiếp. Vì thế, nó cũng gắn rất chặt chẽ với yếu tố lịch sự.

Nhân tố văn hóa và vai giao tiếp là các nhân tố ngoại ngôn phổ biến chi phối các chiến lược giao tiếp nói chung cũng như hành động bác bỏ nói chung. Do đó, hành động bác bỏ phụ thuộc rất nhiều vào cách sử dụng các từ xưng hô, cũng như sắc thái, giọng điệu của câu nói.

Trong hội thoại, để thực hiện sự bác bỏ ý kiến của người đối thoại, người bác bỏ có khi không cần nói ra những từ ngữ chỉ sự bác bỏ, mà thể hiện nó bằng một cách thức nào đó. Chẳng hạn người ta có thể sử dụng cách thức viện cớ, hay “đánh trống lảng”… theo đó, người ta có thể hiểu “hàm ý bác bỏ” của người nói.

Một phần của tài liệu 297495 (Trang 39 - 40)