Thực trạng về công tác Hợp đồng xây dựng của Công ty

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vận dụng Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 15 Hợp đồng xây dựng vào việc hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí tại Công ty cổ phần Xây dựng số 2 - Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội ppt (Trang 44 - 49)

d. Các xí nghiệp, các chi nhánh văn phòng, các đội sản xuất: Các chi nhánh và văn phòng đại diện.

2.2.1.Thực trạng về công tác Hợp đồng xây dựng của Công ty

Hiện nay HĐXD của Công ty cổ phần Xây dựng số 2 thường được phân loại theo phương thức để có được hợp đồng, đó là Hợp đồng có được thông qua hình thức đấu thầu và HĐXD có được do hình thức chỉ định thầu.

Đấu thầu là hình thức các nhà thầu đưa ra Hồ sơ dự thầu trên cơ sở Hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư, trong Hồ sơ dự thầu phải có đầy đủ các nội dung như:

Năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật, kinh nghiệm, dự toán chi phí. Chủ đầu tư sẽ tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo tiêu chuẩn lựa chọn. Nhà thầu lựa chọn là nhà thầu tham gia đấu thầu và thắng thầu.

Chỉ định thầu là hình thức mà chủ đầu tư đưa ra hồ sơ yêu cầu và căn cứ vào quá trình xem xét, đánh giá khả năng của nhà thầu, chỉ định nhà thầu nào đạt tiêu chuẩn lựa chọn. Nhà thầu lập Hồ sơ đề xuất kỹ thuật và Hồ sơ đề xuất tài chính gửi chủ đầu tư xem xét và ra Quyết định chỉ định thầu.

Khi chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu theo một trong hai hình thức đấu thầu hay chỉ định thầu, HĐXD sẽ được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên về việc thực hiện sản xuất sản phẩm xây lắp. Giá trị hợp đồng ban đầu là giá dự toán do nhà thầu lập (trong trường hợp đấu thầu), hoặc là dự toán gói thầu được duyệt (đối với trường hợp chỉ định thầu). Cụ thể là:

+ Đối với HĐXD có được do đấu thầu, dự toán trong hồ sơ thầu được chủ đầu tư duyệt do Công ty lập trên cơ sở định mức thiết kế kỹ thuật và đơn giá trong xây dựng cơ bản do Nhà nước quy định cho từng khu vực.

+ Đối với HĐXD có được do chỉ định thầu, giá dự toán gói thầu được duyệt được chủ đầu tư xác định trước trên cơ sở thiết kế kỹ thuật và đơn giá trong XDCB do Nhà nước quy định cho từng khu vực. Sau đó chủ đầu tư sẽ tiến hành thỏa thuận với nhà thầu được chỉ định mức giá ghi trong hợp đồng và không vượt quá dự toán gói thầu.

Hiện nay tại Công ty cổ phần Xây dựng số 2, nội dung cơ bản của HĐXD bao gồm các điều khoản sau:

- Các căn cứ để ký kết hợp đồng; - Các chủ thể của hợp đồng;

- Nội dung công việc và sản phẩm của hợp đồng; - Chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật;

- Thời gian và tiến độ hợp đồng;

- Điều kiện nghiệm thu và bàn giao công trình; - Bảo hành công trình;

- Giá trị hợp đồng; - Thanh toán hợp đồng;

- Các biện pháp đảm bảo hợp đồng; - Bảo hiểm;

- Tranh chấp, giải quyết tranh chấp; - Bất khả kháng;

- Tạm dựng, hủy bỏ hợp đồng; - Thưởng phạt hợp đồng; - Quyền và nghĩa vụ các bên; - Ngôn ngữ sử dụng;

- Điều khoản chung.

(Xem phụ lục 1: Hợp đồng số 09/HĐ.NHNTHD.XDCB về việc giao nhận thầu thi công công trình "Xây dựng tòa nhà 10 tầng" gói thầu số 8 xây dựng Trụ sở làm việc Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Hải Dương, tại Km số 1 - Đường Nguyễn Lương Bằng - Thành phố Hải Dương).

Các tài liệu sau được coi là không thể tách rời của HĐXD như: - Hồ sơ dự thầu, Hồ sơ đề xuất kỹ thuật, Hồ sơ đề xuất tài chính; - Các văn bản phê duyệt kết quả đấu thầu;

- Thông báo trúng thầu; Quyết định chỉ định thầu; - Bản vẽ thiết kế;

Nhìn chung, hầu hết các HĐXD của công ty hiện nay là HĐXD với giá cố định, tuy nhiên mức giá cố định tùy theo từng hợp đồng có thể được điều chỉnh theo những điều khoản cụ thể ghi trong hợp đồng. Chẳng hạn như, khi Nhà nước thay đổi chính sách về tiền lương, thay đổi các chính sách chế độ mới làm thay đổi mặt bằng giá đầu tư xây dựng công trình, hoặc khi khối lượng phát sinh >20% khối lượng công việc tương ứng mà nhà thầu phải thực hiện thì xem xét đến việc điều chỉnh đơn giá của khối lượng phát sinh đó...

Mức giá cố định được xác định trong hợp đồng theo các phương thức khác nhau phụ thuộc vào từng loại HĐXD, cụ thể:

+ Đối với công trình đấu thầu: Mức giá cố định ghi trong hợp đồng là giá trị trúng thầu đã được phê duyệt trên cơ sở hồ sơ đấu thầu do nhà thầu lập.

+ Đối với công trình chỉ định thầu: Mức giá cố định ghi trong hợp đồng là giá thỏa thuận cụ thể giữa bên A và bên B trên cơ sở giá dự toán mà bên A (chủ đầu tư) xác định dựa trên thiết kế kỹ thuật của công trình.

Hiện ở công ty vẫn chưa có HĐXD nào với chi phí phụ thêm. Trên thực tế hiện nay ở Việt Nam loại hợp đồng này chỉ được áp dụng với những công trình có quy mô rất lớn, thời gian thi công kéo dài và trong quá trình thi công có nhiều sự thay đổi, ví dụ: Xây dựng các nhà máy thủy điện, các công trình, giao thông, thủy lợi lớn...

- Về phương thức thanh toán của hợp đồng:

+ Hầu hết đối với công trình đấu thầu: Bên A (chủ đầu tư) sẽ tiến hành tạm ứng vốn ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực (mức tạm ứng thông thường là 20% giá hợp đồng), sau đó Hợp đồng sẽ được thanh toán theo kế hoạch bố trí vốn của cấp có thẩm quyền và theo tiến độ thực hiện thi công công trình của bên B. Sau khi bàn giao sản phẩm hoàn thành hai bên sẽ tiến hành nghiệm thu quyết toán và thanh lý hợp đồng. Giá trị thanh toán được giữ lại 5% - 10% để bảo hành công trình theo Luật Xây dựng.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

+ Đối với công trình chỉ định thầu: Sau khi ký hợp đồng bên A tạm ứng cho bên B tối đa 20% giá trị hợp đồng. Bên A chỉ tạm ứng cho bên B khi chủ đầu tư tạm ứng cho bên A. Thu hồi tạm ứng được tiến hành bắt đầu khi công trình đạt 40% giá trị khối lượng thanh toán và thu hồi hết tạm ứng khi thanh toán 80% giá trị hợp đồng. Bên A thanh toán cho bên B khi được chủ đầu tư thanh toán cho bên A các khối lượng do bên B thực hiện. Bên A thanh toán cho bên B trên cơ sở đơn giá hợp đồng, khối lượng được tư vấn nghiệm thu và chủ đầu tư chấp nhận được thanh toán sau khi nhận được Hồ sơ yêu cầu thanh toán của bên B. Giá trị thanh toán bằng giá trị thực hiện được chấp thuận nghiệm thu, thanh toán sau khi khấu trừ các khoản tiền ứng trước, bảo hành… Bên B nhận được tiền thanh toán trong vòng 7 ngày kể từ ngày ngân hàng thông báo tiền thanh toán của chủ đầu tư đã về đến tài khoản của bên A với điều kiện bên B đã có yêu cầu thanh toán đầy đủ gửi cho Bên A.

Nhìn chung, các hợp đồng của công ty hiện nay đều quy định khá cụ thể và chặt chẽ về điều kiện nghiệm thu và bàn giao công trình xây dựng, thời hạn và khoản tiền bên A giữ lại để đảm bảo cho việc bảo hành công trình, tuy nhiên hầu hết các hợp đồng trong công ty đều không quy định rõ thời gian cụ thể của từng lần thanh toán (thời điểm nghiệm thu từng hạng mục công trình hoàn thành bàn giao), điều này giúp cho công ty chủ động, bố trí sắp xếp tiến độ thực hiện hợp đồng ở từng giai đoạn thực hiện phù hợp với điều kiện của Công ty trong từng thời điểm nhất định, tuy nhiên điều đó không tạo cho công ty áp lực để thực hiện đúng tiến độ hợp đồng.

Hầu hết các thỏa thuận thanh toán giữa chủ đầu tư với Công ty trong quá trình tổ chức thi công hiện nay là thanh toán theo khối lượng thực hiện, hình thức thanh toán theo tiến độ kế hoạch hầu như Công ty không áp dụng, cụ thể như sau:

+ Khi có hạng mục công trình hoàn thành, Công ty sẽ gửi công văn yêu cầu bên chủ đầu tư nghiệm thu khối lượng các hạng mục công việc hoàn thành. Khi có sự chấp thuận của bên chủ đầu tư, hai bên sẽ lập hội đồng nghiệm thu bao gồm: Đại diện của bên A và bên B và đại diện đơn vị tư vấn giám sát thi công (của bên A).

+ Sau khi các bên đã thống nhất về khối lượng các hạng mục công trình đã hoàn thành sẽ lập biên bản nghiệm thu. Căn cứ vào biên bản nghiệm thu khối lượng các hạng mục công trình đã hoàn thành nhà thầu sẽ áp giá trúng thầu để lập phiếu giá cho đơn vị tư vấn giám sát của bên A ký xác nhận. Căn cứ vào phiếu giá bên chủ đầu tư sẽ tiến hành thanh toán cho nhà thầu.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vận dụng Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 15 Hợp đồng xây dựng vào việc hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí tại Công ty cổ phần Xây dựng số 2 - Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội ppt (Trang 44 - 49)