Hà Nội là quê hương của nhiều hội làng, hội vùng, hội của cả nước, là cái nôi của lễ hội nông nghiệp và lễ hội lịch sử truyền thống. Điều đó có nghĩa là những lễ hội dân gian ở Hà Nội cũng bao quát những nét cơ bản của lễ hội cả nước. Tuy vậy, Hà Nội cũng có những lễ hội mang tính đặc trưng riêng như lễ hội An Dương Vương ở Cổ Loa - Đông Anh (mồng 6 tháng Giêng âm lịch), Hội Gióng ở Phù Đổng - Gia Lâm (mồng 9 tháng 4 âm lịch), Hội Đền Hai Bà Trưng ở Quận Hai Bà Trưng (mồng 6 tháng 2 âm lịch). Các lễ hội trên địa bàn Hà Nội thường diễn ra quanh năm, nhưng tập trung nhất vào mùa xuân, đặc điểm này được coi là một lợi thế.
Hà Nội có nhiều nghề thủ công truyền thống với nghệ thuật tinh xảo, của những người thợ tài ba, gắn với câu ca dân gian "khéo tay hay nghề, đất lề kẻ chợ", với 36 phố phường, mỗi phố gắn với một nghề nổi tiếng từ xa xưa như phố Hàng Trống gắn với tranh dân gian; nghề gốm sứ Bát Tràng; nghề làm giấy gió ở làng Bưởi; nghề thêu ở làng Yên Thái có nguồn gốc từ Hướng Dương, Quất Động; nghề đúc đồng ở phố Ngũ Xã; khảm trai có nguồn gốc từ làng Chuốn; sơn quang, sơn mài có nguồn gốc từ làng Bằng; phố Hàng Bạc với nghề kim hoàn có nguồn gốc từ Định Công, Đồng Sâm. Dân gian có câu: "Lĩnh hoa Yên Thái, gốm sứ Bát Tràng, thợ vàng Định Công, đúc đồng Ngũ Xã". Hà Nội và những vùng phụ cận còn là nơi bảo tồn được nhiều nghề thủ công truyền thống khác như: cấy lúa nước, trồng rau màu, trồng hoa, chăn nuôi gia súc, gia cầm và các nghề thủ công mỹ nghệ. Có thể nói các huyện ngoại thành không những là nơi cung cấp lương thực thực phẩm cho nhu cầu của nhân dân trong thành phố mà còn có thể đáp ứng nhu cầu của khách du lịch về những hàng hoá có chất lượng, thẩm mỹ cao.