về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Một là, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các chính sách giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Chiến lược phát triển ngành du lịch phù hợp với chiến lược phát triển nền kinh tế đất nước, phát triển du lịch đồng bộ, kiện toàn mối quan hệ giữa ngành du lịch với các ngành khác có liên quan.
Chiến lược tiếp thị, quảng cáo năng động đáp ứng được thị hiếu của khách du lịch. Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch đồng thời tích cực tuyên truyền giáo dục mọi người dân hiểu rõ tầm quan trọng của du lịch. Đã đem lại kết quả đáng kể mang lại nguồn thu ngoại tệ hàng năm khoảng 3-4 tỷ USD.
Chiến lược sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đến với mọi tầng lớp nhân dân, có môi trường du lịch an toàn thân thiện.
Có nền kinh tế và chế độ chính trị ổn định.
Hai là, mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất nhằm phát triển du lịch.
Để phát triển kinh tế, trước hết phải xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là công nghệ thông tin, ở nhiều nước công nghiệp phát triển công nghệ thông tin du lịch đang được ứng dụng phổ biến như ở nước Mỹ là 37%, ở Pháp là 35,1%... Đây là tiền đề cho ngành du lịch phát triển.
Ngoài cơ sở hạ tầng chung như mọi ngành kinh tế khác, ngành du lịch còn có cơ sở vật chất kỹ thuật đặc thù như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí… Du lịch càng phát triển thì cơ sở vật chất - kỹ thuật càng được nâng cao và tính đồng bộ của nó ngày càng tăng.
Ba là, tạo ra những sản phẩm đa dạng, độc đáo, hấp dẫn lôi cuốn sự chú ý của khách.
Tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng cao, hấp dẫn mạnh tới khách trong và ngoài nước phải được coi là công việc quan trọng bậc nhất cho hoạt động kinh doanh du lịch của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Sự hấp dẫn của những sản phẩm du lịch phụ thuộc
vào chính những thứ mà quốc gia và địa phương mình đã và đang có, đồng thời không tách khỏi sự cố gắng sáng tạo của mỗi nhân viên trong ngành và sự phối hợp của các đơn vị có liên quan. Sản phẩm của ngành du lịch chủ yếu là những dịch vụ, nhưng không phải là những dịch vụ độc lập, riêng biệt mà là một "chuỗi dịch vụ", vừa kết hợp với nhau vừa đan xen với nhau, vừa lặp đi lặp lại nhiều lần. Chất lượng của chuỗi dịch vụ này sẽ quyết định thỏa mãn nhu cầu của khách cả về vật chất và tinh thần. Hơn nữa, nhiều dịch vụ lại được thực hiện bởi nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau. Vì thế sản phẩm du lịch, chất lượng, uy tín của toàn ngành là sự phấn đấu trong từng công đoạn, từng doanh nghiệp và của sự phối hợp liên ngành, cuối cùng phải được du khách chấp nhận. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sẽ trở thành một vấn đề chiến lược trong hoạt động kinh doanh du lịch. Kinh nghiệm ở một số nước sử dụng rất nhiều hình thức phục vụ khách, với nhiều hình thức độc đáo, nên đã thu hút được nhiều khách trong nước và quốc tế đến ngày càng đông.
Xã hội càng văn minh, kinh tế càng phát triển thì nhu cầu của du khách càng phong phú đa dạng. Do vậy việc tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch là một tất yếu khách quan, nhằm phát triển du lịch ở nhiều quốc gia hiện nay.
Bốn là, tăng cường tuyên truyền, quảng bá về du lịch.
Mục đích của tuyên truyền quảng bá trong kinh doanh du lịch là nhằm cung cấp thông tin cho khách du lịch, làm cho họ nhận thức đúng và đầy đủ hơn các sản phẩm du lịch, đồng thời thuyết phục họ mua sản phẩm.
Tuyên truyền, quảng bá phải nhằm vào thị trường khách cụ thể để đạt được mục đích ở thị trường đó. Như vậy, dựa vào thị trường mục tiêu để xác lập mục tiêu cổ động. Cần lựa chọn biện pháp xúc tiến là một trong năm hình thức sau: tuyên truyền, quảng cáo, khuyến mại, chào hàng và xúc tiến bán hàng trực tiếp. Trên cơ sở đó xác định được thời gian tiến hành.
Tuyên truyền, quảng bá đòi hỏi một chi phí lớn, nhưng rất cần thiết trong hoạt động kinh doanh du lịch, hiệu quả của nó rất lớn, khó lượng hóa hết. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (WTO), ngân sách về tuyên truyền quảng bá của các nước hàng năm đều tăng. Có nhiều nước đã dành một khoản ngân sách rất lớn chi cho hoạt động này như Canada 27
triệu USD, Hồng Kông 15 triệu USD, Sinhgapore 13 triệu USD… Theo các nhà kinh tế, nếu bỏ ra 1 USD cho việc tuyên truyền, quảng cáo du lịch thì sẽ thu về khoảng 500 USD. ở vùng châu á - Thái Bình Dương, nếu bỏ ra 1 USD cho tuyên truyền, quảng bá du lịch thì chỉ thu được 150 USD, nhưng ở châu Âu lại lên đến 635 USD.
Năm là, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho du lịch.
Do đối tượng phục vụ của du lịch là con người, bao gồm cả người trong nước và khách du lịch nên đòi hỏi trình độ của cán bộ, nhân viên du lịch phải cao. Do vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cho đội ngũ nhân viên có ý nghĩa quan trọng nên nhiều nước phát triển du lịch đều rất chú ý vấn đề này. Ví dụ: ở Inđônêsia có 60 viện đào tạo nhân viên chuyên ngành du lịch. Năm 1993, tại khu du lịch nổi tiếng Bali (Inđônêsia), Hiệp hội Du lịch châu á - Thái Bình Dương (PATA) và WTO đã mở hội nghị về chiến lược giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho du lịch, hoàn thiện kỹ năng phục vụ các dịch vụ trong ngành công nghiệp không khói này.
Cũng tại hội nghị này, đã nhấn mạnh cần nhận thức đúng đắn và tiến hành tốt việc giáo dục, đào tạo cho đội ngũ nhân viên có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm đương tốt mọi khâu công việc của ngành, vừa kết hợp được truyền thống khu vực, vừa thực hiện việc hiện đại hóa du lịch, đồng thời với việc giáo dục toàn dân.
Tóm lại, mọi người làm việc trong ngành du lịch phải được đào tạo, huấn luyện một cách chính quy, ngày càng được nâng cao trình độ bằng nhiều phương thức như: vừa học vừa làm, tập huấn nâng cao mời giáo viên của các trường đại học chuyên ngành hoặc các trường nghiệp vụ du lịch hay đào tạo từ xa… Việc nâng cao hiểu biết du lịch cho toàn dân là vô cùng quan trọng.
Sáu là, phát triển du lịch đi đôi với việc bảo vệ tài nguyên môi trường.
Việc phát triển du lịch hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề không thể xem nhẹ: gây tổn hại môi trường, tài nguyên sinh thái ở nhiều vùng, các công trình văn hóa lịch sử, các tệ nạn xã hội. Tình trạng rác thải, tắc nghẽn giao thông, cũng là một hiện tượng phổ biến. Phân tích theo cặp phạm trù "nhân quả" giữa du lịch và môi trường, thì du lịch là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và đến lượt du lịch phải chịu hậu quả của môi trường ô
nhiễm tác động, hạn chế đến khả năng phát triển của ngành Du lịch. Môi trường du lịch có thể hiểu cả môi trường sinh thái và môi trường xã hội như: Chương trình xanh, sạch, đẹp, văn minh, giữ gìn an ninh trật tự trong hoạt động du lịch (cướp giật, ăn xin, ép khách mua hàng, tệ nạn xã hội) để điểm đến được an toàn, hấp dẫn, thân thiện đối với khách du lịch.
Chương 2
Thực trạng ngành du lịch Hà Nội thời gian qua và những vấn đề đặt ra