Môi trường luật pháp là chính giới hạn cho hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp, Hoạt động huy động vốn được giới hạn trong khuôn khổ pháp lý cho phép bắt buộc các chủ thể là doanh nghiệp hay các cá nhân trong xã hội chỉ được phép hoạt động theo pháp luật quy định. Cơ chế huy động vốn được Nhà nước mở ra nhưng cũng là do chính Nhà nước khép lại nhằm phục vụ cho những định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Nhà nước điều tiết các hoạt động kinh tế trong đó có hoạt động huy động vốn cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong giai đoạn hiện nay, với chiến lược phát triển tăng tốc, định hướng phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước là nền tảng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế, chống nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới, phát triển nền kinh tế theo hướng thị trường có sự
định hướng xã hội chủ nghĩa. Do xuất phát từ một nền kinh tế lạc hậu yếu kém chỉ có một con đường duy nhất là mở cửa ra thế giới bên ngoài, cơ chế tài chính, trong đó cơ chế huy động vốn của Nhà nước đã tạo mọi điều kiện cần thiết cho các doanh nghiệp. Môi trường luật pháp kinh doanh của Nhà nước đã thông thoáng hơn đây chính là tiền đề tạo cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động tạo đà phát triển. Tuy nhiên tính ổn định của hệ thống pháp luật ở nước ta chưa thực sự gắn với sự phát triển dài hạn của nền kinh tế, hay thay đổi, làm cản trở rất lớn cho việc hoạch định chiến lược huy động vốn cho đầu tư phát triển dài hạn của các doanh nghiệp. Mặt khác chính sách quản lý vĩ mô của Nhà nước chưa thực sự nhất quán, sự thay đổi đó nhằm điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của nền kinh tế, một mặt có tác dụng điều chỉnh nền kinh tế theo hướng tích cực, nhưng một mặt tác động không tốt đến chính sách phát triển của các doanh nghiệp. Sự tách rời giữa môi trường pháp luật với quản lý điều hành của Nhà nước đang là một trở ngại rất lớn đối với các Tổng công ty Nhà nước. Điều này thể hiện rõ nét trong điều hành nền kinh tế. Nhà nước một mặt nhất quán tự do hoá các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng thực tế các cơ quan điều hành quản lý đôi khi can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hệ thống văn bản pháp luật quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các Tổng công ty Nhà nước trong việc tổ chức điều hành hoạt động huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế không như vậy, nhiều trường hợp Nhà nước đẩy Tổng công ty vào thế bị động, tình trạng không thống nhất trong việc chỉ đạo điều hành của cơ quan Nhà nước cũng rất phổ biến. Hệ thống các văn bản thiếu nhất quán, chồng chéo, hiệu lực pháp lý của các văn bản không cao, nội dung văn bản thiếu rõ ràng gây tâm lý hoài nghi cho các doanh nghiệp.