cầu nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất
Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về "một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới" đã chỉ rõ "nghiên cứu hoàn thiện cơ chế lựa chọn, bầu cử, bồi dưỡng, quản lý Hội thẩm nhân dân nhằm đề cao trách nhiệm và vai trò của Hội thẩm nhân dân trong xét xử" [7]. Thực tế công tác ngành Tòa án trong những năm qua cho thấy bên cạnh việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán ngành Tòa án nhân dân, đội ngũ Hội thẩm nhân dân cũng không ngừng được củng cố. Các Tòa án đã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan để lựa chọn những vị Hội thẩm nhân dân có trình độ pháp lý và phẩm chất đạo đức, chính trị để tham gia hoạt động xét xử. Theo báo cáo tổng kết ngành Tòa án năm 2005 số lượng hội thẩm nhân dân trong toàn ngành đã là 13610 người. Ngành Tòa án nhân dân cũng rất quan tâm thực hiện tốt các chế độ đối với Hội thẩm như trang phục, chế độ, chính sách, tài liệu và đặc biệt chú trọng tới công tác tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ. Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã bồi dưỡng kiến thức pháp luật và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho các Hội thẩm nhân dân thực hiện
nhiệm vụ xét xử được giao. Nhìn chung, đội ngũ Hội thẩm Tòa án nhân dân đang có những đóng góp tích cực vào công tác xét xử của các Tòa án địa phương [37].
Để tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội thẩm Tòa án nhân dân trong tình hình mới thì việc nghiên cứu và xây dựng một tổ chức để Hội thẩm nhân dân tập hợp thành một tổ chức nhất định để họ thường xuyên học tập, trao đổi kinh nghiệm xét xử, học tập nâng cao trình độ kỹ năng xét xử các vụ án. Tổ chức này thường xuyên được những người có kinh nghiệm xét xử ở các tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất; bồi dưỡng kiến thức pháp luật về việc áp dụng các văn bản pháp luật vào việc giải quyết các tranh chấp đó. Trong tình hình hiện nay, các văn bản pháp luật về đất đai tương đối nhiều, chồng chéo và có những văn bản mâu thuẫn nhau nếu người hội thẩm không am hiểu pháp luật, không được cập nhật các văn bản thì rất khó khăn cho việc lựa chọn và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật vào giải quyết vụ án. Mặt khác, các hội thẩm nhân dân cần phải được tranh bị kiến thức pháp lý về trình tự tố tụng dân sự, kỹ năng thẩm vấn các đương sự tại phiên tòa. Vì vậy, để thực hiện việc nâng cao không ngừng chất lượng áp dụng pháp luật vào việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất cho hội thẩm nhân dân cần có một tổ chức thích hợp để các hội thẩm nhân dân được sinh hoạt, học tập.
Mặt khác, cần quan tâm đến trình độ nhận thức pháp luật của Hội thẩm Tòa án nhân dân bên cạnh việc coi trọng các tiêu chuẩn khác giống như yêu cầu đối với Thẩm phán. Chỉ khi nào người Hội thẩm Tòa án nhân dân có trình độ nhận thức pháp lý cần thiết để chủ động trong việc xét hỏi, nghị án để cùng lựa chọn, áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật vào giải quyết các vụ án liên quan đến quyền sử dụng đất, cùng với Thẩm phán ban hành các bản án, quyết định thấu tình đạt lý, đúng pháp luật thì người Hội thẩm nhân dân mới thực sự "ngang quyền với Thẩm phán". Với tư cách là một thành viên trong Hội đồng xét xử, người Hội thẩm nhân dân có đầy đủ kiến thức pháp luật cần thiết sẽ không lúng túng, bị động theo ý kiến Thẩm phán. Trong tình hình hiện nay, vấn đề áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử nói chung và trong việc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất nói riêng đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm. Thẩm phán, Hội thẩm Tòa án nhân dân là hai chức danh giữ vai trò chủ thể tiến hành các quy trình áp dụng pháp luật lại càng được Nhà nước và xã
hội quan tâm. Do đó, việc nâng cao và coi trọng trình độ pháp lý của Hội thẩm nhân dân là việc làm hết sức cần thiết và không thể thiếu được trong quá trình nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật.