Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân ở nước ta hiện nay ppt (Trang 30 - 36)

giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất

Đất đai là một tài nguyên đặc biệt của mỗi quốc gia. Đất đai có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội sâu sắc đồng thời gắn liền với mỗi gia đình, cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế xã hội và Nhà nước. Vì vậy, mọi sự điều chỉnh quan hệ đất đai của Nhà nước đều tác động đến mọi người. Dưới góc độ kinh tế, quyền sử dụng đất đai trở thành một quyền tài sản rất quan trọng, có giá trị rất lớn đối với các bên đương sự. Trong quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất, việc thắng hay thua trong vụ kiện ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của họ. Do đó, giữa các bên tranh chấp với nhau rất quyết liệt và việc khiếu kiện cũng rất

gay gắt. Thực tế cho thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng áp dụng pháp luật

trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất.

Thứ nhất, chính sách, pháp luật về đất đai, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai chưa thống nhất. Chính sách, pháp luật đất đai ở Việt Nam có sự khác nhau qua từng thời kỳ lịch sử như trước năm 1980, pháp luật không cấm việc mua bán đất đai, sau năm 1980 đến trước ngày 15/10/1993 pháp luật nghiêm cấm việc mua bán, chuyển nhượng đất đai dưới mọi hình thức. Từ ngày 15/10/1993 trở đi, pháp luật lại cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Mặt khác, pháp luật đất đai nói chung, pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai nói riêng còn quy định rất chung chung, chưa có quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp đất đai của vợ chồng khi ly hôn, về xử lý các tranh chấp đòi lại đất của họ tộc, đất hương hỏa, đất tôn giáo.

Thứ hai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất chậm, trong khi bộ luật dân sự và Luật đất đai năm 1993 đòi hỏi khi chuyển nhượng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên đã tạo ra giao dịch ngầm trong nhân dân, như việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không qua chính quyền địa phương xác nhận, Nhà nước không kiểm soát được dẫn đến khi có tranh chấp Tòa án nhân dân gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. Nay Luật đất đai năm 2003 đã mở rộng phạm vi giải quyết. Theo đó, người sử dụng đất không bắt buộc khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đất đó phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tòa án nhân dân giải quyết cả các trường hợp tuy người sử dụng đất chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1,

2 và 5 Điều 50. Đây là một quy định hợp lòng dân, phù hợp tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm. Tuy nhiên, đối với các trường hợp trước đây có vi phạm các quy định về hình thức của hợp đồng, vi phạm về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên xử lý thế nào? Có coi là vô hiệu hay chấp nhận thực tế đang là một vấn đề cần phải cân nhắc. Nghị quyết 02 Hội đồng thẩm phán ngày 08/10/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có những tháo gỡ quan trọng, nhưng vẫn còn chưa bao quát hết các tình huống diễn ra trong thực tế.

Thứ ba, Việc quản lý về đất đai còn rất lỏng lẻo dẫn đến khi có yêu cầu của Tòa án cung cấp chứng cứ, tài liệu để làm cơ sở xem xét giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất nhiều khi cơ quan có thẩm quyền không cung cấp hoặc cung cấp thiếu chính xác, không xác định được tài liệu nào là xác thực làm cho việc phân tích, đánh giá, xem xét sự việc thiếu tính khách quan.

Các chính sách về đất đai ban hành, sửa đổi nhiều, văn bản quy phạm pháp luật còn có nhiều mâu thuẫn, thiếu thống nhất hoặc quy định không cụ thể, có trường hợp mâu thuẫn giữa Luật đất đai và luật dân sự dẫn đến việc lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp để áp dụng rất khó khăn.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, đôi khi còn tồn tại những quan điểm khác nhau do trong một thời gian dài, nhiều quy định pháp luật về đất đai không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nếu giải quyết việc tranh chấp phù hợp với cuộc sống thì lại trái với quy định của pháp luật ở thời điểm giao dịch. Ví dụ: thời điểm cấm mua bán đất, nhưng vì nhu cầu cuộc sống, người dân vẫn tiến hành mua bán đất chui, đến thời gian chục năm sau khi giá đất lên cao mới tranh chấp…

Tính ổn định của pháp luật về đất đai rất thấp, trong khi đất đai gắn liền với người dân, mỗi gia đình, mỗi tổ chức kinh tế, xã hội. Vì vậy, các quan hệ đất đai được hình thành ở những thời điểm khác nhau, nhưng khi pháp luật đất đai thay đổi, Nhà nước không kịp ban hành các văn bản để ổn định quan hệ hình thành trước đó, dẫn đến cách hiểu, vận dụng pháp luật khác nhau khi luật mới ra đời. ví dụ: giải quyết tranh chấp nhà có Nghị quyết 58, nhưng để giải quyết tranh chấp đất không có nghị quyết nào tương tự,

nên Tòa án gặp nhiều khó khăn khi vận dụng pháp luật trong bối cảnh pháp luật đất đai thay đổi liên tiếp và có những thay đổi căn bản.

Thứ tư, trình độ, năng lực của đội ngũ Thẩm phán chưa ngang tầm với sự đòi hỏi của đời sống xã hội. Như trên đã phân tích, do chính sách pháp luật về đất đai thay đổi qua từng thời kỳ nên hệ thống các văn bản pháp luật đất đai thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chính sách đất đai của Nhà nước. Các văn bản pháp luật phải thay đổi, bổ sung từ nhiều cơ quan khác nhau, từ trung ương đến địa phương nên đội ngũ Thẩm phán rất khó cập nhật kịp thời sự thay đổi này. Mặt khác năng lực, trình độ đội ngũ Thẩm phán còn thiếu và yếu, không đồng đều. Có nhiều Thẩm phán chưa được đào tạo, tập huấn thường xuyên nên chưa nắm bát kịp những thay đổi liên tục của các quy phạm pháp luật về đất đai.

Thứ năm, tính phức tạp của việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất. Thực tế giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất trong những năm qua cho thấy tính phức tạp của loại tranh chấp này được thể hiện ở nhiều phương diện như: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp, điều kiện để công nhận hợp đồng, cách xử lý đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi hợp đồng này bị vô hiệu.... Khi đã xác định được hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là vô hiệu thì việc xác định lỗi để buộc đương sự phải bồi thường cũng là vấn đề khó khăn phức tạp. Đặc biệt, khi các đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì việc xác định giá cũng là vấn đề khó khăn, phức tạp của người Thẩm phán khi quyết định một mức giá làm căn cứ để giải quyết vụ án. Mặt khác, khi giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất các Tòa án gặp không ít khó khăn đối với trường hợp đất đã được cá nhân, tổ chức đưa vào tập đoàn sản xuất, hợp tác xã sau đó tập đoàn sản xuất, hợp tác xã giải thể hoặc tập đoàn sản xuất đã giao đất cho một số người sử dụng. Ngoài ra, Tòa án nhân dân còn thụ lý nhiều vụ tranh chấp quyền sử dụng đất mà nguồn gốc đất tranh chấp là của chủ đất cũ (do cha ông để lại, do mua bán, được tặng cho, được thừa kế...) nhưng do chiến tranh hoặc hoàn cảnh khó khăn, chủ đất cũ bỏ đi nơi khác sinh sống nên có người đã tự vào dựng nhà ở, sử dụng canh tác đến nay, chủ đất mới khởi kiện đòi lại quyền sử dụng đất. Ngoài ra, Tòa án nhân dân phải giải quyết nhiều trường hợp do lấn chiếm đất, người đang sử dụng đất này từ trước sau một thời gian dài, chủ đất không có ý kiến gì, nay mới

khởi kiện đòi quyền sử dụng đất. Việc giải quyết các tranh chấp này hết sức khó khăn, phức tạp vì nó vừa có tính chất của giao dịch dân sự, vừa bị chi phối bởi chính sách pháp luật đất đai. Trong khi các chính sách, pháp luật đất đai mỗi thời kỳ lại có những thay đổi rất khác nhau, Nhà nước không quy định hướng xử lý các loại quan hệ nói trên nên khi giải quyết, Tòa án nhân dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh, thẩm tra và đánh giá chứng cứ.

Kết luận chương 1

áp dụng pháp luật là hoạt động thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước và đồng thời là cách thức Nhà nước tổ chức cho các chủ thể thực hiện pháp luật. áp dụng pháp luật mang tính thực tiễn, cụ thể và sinh động và được tiến hành theo một trình tự nhất định do pháp luật quy định. áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, là thủ tục bắt buộc để các cơ quan nhà nước thực hiện các biện pháp cưỡng chế khi có hành vi vi phạm pháp luật. Khi phải giải quyết các tranh chấp về quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý giữa các chủ thể hoặc khi Nhà nước cần phải can thiệp để thực thi các quyền của chủ thể theo quy định của pháp luật thì áp dụng pháp luật có vai trò rất to lớn và rất quan trọng trong việc thực hiện quyền lực nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng v.v...

áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân là hoạt động mang tính tổ chức, tính quyền lực của Nhà nước được thực hiện thông qua hội đồng xét xử, do người Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xác định sự thật khách quan, phân xử đúng, sai, xác định tính có căn cứ hay không có căn cứ, tính hợp pháp hay không hợp pháp nhằm cụ thể hóa những quy phạm pháp luật về đất đai vào các tranh chấp quyền sử dụng đất cụ thể bằng các bản án, các quyết định nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự góp phần làm ổn định trật tự xã hội và củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân mang đặc điểm chung của hoạt động áp dụng pháp luật. Bên cạnh đó, nó còn có những đặc điểm riêng và là những biểu hiện cụ thể của những đặc điểm chung. Quy trình áp dụng pháp luật trong giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân được thực hiện theo quy trình chung, đồng thời thể hiện những nét riêng, phù hợp với những đặc điểm hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân.

Chất lượng áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân được đánh giá bằng các tiêu chí, trong đó tiêu chí cơ bản và rất quan trọng là chất lượng các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân thông qua hoạt động xét xử. Bên cạnh đó, tính dân chủ của phiên tòa, uy tín của người Thẩm phán trong đời

sống xã hội, sự tín nhiệm của nhân dân đối với Tòa án nhân dân là những tiêu chí cũng không kém phần quan trọng.

Chương 2

Tình hình tranh chấp quyền sử dụng đất và

chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân ở nước ta hiện nay ppt (Trang 30 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)