Nâng cao phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên lực lượng chủ yếu thực hiện hoạt động áp dụng pháp luật trong

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân ở nước ta hiện nay ppt (Trang 83 - 86)

việc xét xử các tranh chấp quyền sử dụng đất

Nghị quyết số 49-NQTƯ ngày 2-6-2005 về "chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" đã chỉ rõ: "Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp còn thiếu trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ còn yếu, thậm chí một số cán bộ sa sút về phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp" [6].

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, tại buổi tọa đàm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao ngày 6-9-2006 đã nhấn mạnh:

Ngành Tòa án cần tập trung nâng cao chất lượng xét xử, phải bảo đảm khách quan, nghiêm minh. Cán bộ thẩm phán phải tận tụy, vững vàng. Tổ chức tranh tụng tại tòa phải bảo đảm dân chủ, lắng nghe ý kiến để từ đó có phán quyết nghiêm minh, đúng pháp luật. Ngành Tòa án phải tập trung giải quyết các vụ án nội cộm được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng [30].

Số lượng, chất lượng đội ngũ Thẩm phán luôn là vấn đề mà Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm. Cùng với việc tăng cường về tổ chức, đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội

ngũ Thẩm phán của ngành Tòa án nhân dân luôn được bổ sung và lớn mạnh. Từ chỗ còn ít về số lượng và bất cập về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đến nay ngành Tòa án nhân dân đã được ủy ban Thường vụ quốc hội phê duyệt tổng biên chế là 12.339 cán bộ, trong đó có 5.069 Thẩm phán. Trong đó trình độ đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án ngày được nâng cao. Hiện nay Tòa án nhân dân có hơn 200 người có trình độ trên đại học,những cán bộ làm công tác chuyên môn nghiệp vụ phần lớn đều có trình độ đại học Luật. Cùng với việc chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ trong toàn ngành, ngành Tòa án nhân dân chú trọng đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống cho cán bộ Tòa án. Toàn ngành Tòa án hiện nay có khoảng 1.000 người có trình độ cử nhân, lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị [39]. Trong 6 tháng năm 2006 các Tòa án đã tuyển dụng được 216 cán bộ và bổ nhiệm được 151 Thẩm phán (trong đó có 43 Thẩm phán cấp tỉnh, 102 Thẩm phán cấp huyện, 6 Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và khu vực). Đội ngũ cán bộ lãnh đạo Tòa án nhân dân các cấp cũng được tiếp tục củng cố, kiện toàn… Đã bổ nhiệm mới 25 chánh án và 42 phó chánh án Tòa án nhân dân địa phương. Các Tòa án nhân dân đã thực hiện đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, Hội đồng nhân dân các địa phương trong việc lựa chọn nhân sự, bổ nhiệm Thẩm phán và lãnh đạo Tòa án nhân dân các địa phương. Tòa án nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp chiêu sinh đào tạo nghiệp vụ xét xử cho 400 học viên để tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp [42].

Trình độ nhận thức chính trị, ý thức giác ngộ chính trị của Thẩm phán có vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách của người Thẩm phán. Việc thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giúp người Thẩm phán có một thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản. Lập trường tư tưởng vững vàng, bản lĩnh chính trị sâu sắc là tiền đề vững chắc đảm bảo cho hoạt động áp dụng pháp luật của người Thẩm phán khi xét xử đúng với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình giải quyết vụ án, bản lĩnh chính trị giúp cho người Thẩm phán cân nhắc, lựa chọn các văn bản pháp luật phù hợp, giúp người Thẩm phán can đảm gạt bỏ mọi cám dỗ về tinh thần, vật chất để "chỉ tuân theo pháp luật". ý thức chính trị ở trình độ cao của người Thẩm phán không chỉ là nhân tố để đảm bảo các quy phạm pháp luật được áp dụng đúng, chính xác mà còn giúp người Thẩm phán có được bản lĩnh để xử lý tình huống một cách linh hoạt, thông

minh. Do vậy, một trong những tiêu chuẩn của người Thẩm phán, hội thẩm là "trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Đạo đức cách mạng là cơ sở quan trọng tạo nên nhân cách người Thẩm phán, xác lập chỗ đứng của người Thẩm phán trong xã hội. Đạo đức, phẩm chất của người Thẩm phán bao gồm đức tính trung thực, thẳng thắn, lòng nhân ái, sự dũng cảm, tính công bằng, tinh thần trách nhiệm, sự tự tin, dám nghĩ, dám làm. Theo Bác Hồ dạy thì đạo đức cách mạng bao gồm năm đức tính tốt là: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Người Thẩm phán học tập và làm theo năm đức tính nêu trên như lời Bác Hồ dạy sẽ có đủ tư cách, đạo đức và bản lĩnh chính trị cần thiết để phục vụ xét xử, phụng sự Tổ quốc và nhân dân ngày càng tốt hơn.

áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất là việc xem xét tính có hợp pháp hay không hợp pháp của các chứng cứ mà đương sự xuất trình; tính có căn cứ hay không có căn cứ trong bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới. Các bản án, quyết định do áp dụng pháp luật đúng luôn gắn liền với việc bảo vệ quyền con người, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, lợi ích của Nhà nước. Vì vậy, người Thẩm phán phải là người có đạo đức, biết bảo vệ lẽ phải, bình tĩnh, khôn khéo đấu tranh để xác định sự thật khách quan của vụ án, đấu tranh làm rõ mọi sự lừa lọc dối trá, mọi thủ đoạn tinh vi để có những phán quyết hợp tình, hợp lý, dúng pháp luật. Bản án, quyết định phải có lý, có tình để mọi người "tâm phục, khẩu phục".

Người Thẩm phán phải không ngừng rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng "cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư" để có cái tâm trong sáng, bản lĩnh vững vàng khi xét xử, đánh giá các chứng cứ và các tình tiết của vụ án một cách khách quan, toàn diện, chính xác.

Trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ, Thẩm phán ngành Tòa án đã quán triệt sâu sắc ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức, quan điểm lập trường, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít cán bộ, Thẩm phán chưa thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chưa thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ. Từ đó, dẫn đến sa ngã, thoái hóa, biến chất, vi phạm phẩm chất, đạo đức kỷ luật công vụ và thậm chí vi phạm pháp luật.

Để công tác áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án đạt chất lượng, hiệu quả thì đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, Thẩm tra viên ngành Tòa án phải có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, nhất là đạo đức nghề nghiệp. Trong giai đoạn đang tiến hành công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, để thực hiện tốt những nội dung của nghị quyết 08/NQ-TƯ của Bộ Chính trị, nhất là công tác áp dụng pháp luật trong xét xử phải tổ chức cho cán bộ, Thẩm phán học tập, nghiên cứu các chuyên đề về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt nghiêm túc và sâu rộng mọi đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lấy kết quả học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ. Thời gian tới, ngành Tòa án nhân dân cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công chức trong ngành, đặc biệt là việc triển khai, quán triệt nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và các nghị quyết của Bộ chính trị về cải cách tư pháp nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và Thẩm phán. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, Thẩm phán của Tòa án các cấp.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân ở nước ta hiện nay ppt (Trang 83 - 86)