11. Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên
2.4. Nhân vật Nhị Khanh trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu
Nàng là con quan nhưng là con một ông quan liêm khiết, tiết kiệm và giữ lễ. Tư cách của người cha ấy đã ảnh hưởng tới nàng cho nên “ Nhị Khanh tuy hãy còn nhỏ, nhưng sau khi về nhà họ Phùng, khéo biết cư xử, với họ hàng rất hoà mục, thờ chồng rất cung thuận, người ta đều khen là người nội trợ hiền”. ở nhà họ Phùng, vai trò của Nhị Khanh rất lớn. Nàng là người con dâu, người vợ lí tưởng.
Là người làm dâu, nàng đã hết sức coi trọng đạo làm con. Khi Phùng Lập Ngôn – cha Trọng Quỳ - được bổ vào cai trị vùng Nghệ An đang có giặc, nàng đã khuyên chồng:
“ Nay nghiêm đường vì tính hay nói thẳng mà bị người ta ghen ghét, không để lại nơi khu yếu, bề ngoài vờ tiến cử đến chốn hùng phiên, bề trong thực dồn đuổi vào nơi tử địa. Chả lẽ đành để cha ba đào muôn dặm, lam chướng ngàn trùng, hiểm nghèo giữa đám kình nghê, cách trở trong vòng lèo mán, sớm hôm chăm sóc không kẻ đỡ thay? Vậy chàng nên chịu khó đi theo. Thiếp đâu dám đem mối khuê tình để lỗi bề hiếu đạo. Mặc dầu cho
phấn nhạt hương phai, hồng rơi tía rụng, xin chàng đừng thắc mắc bận lòng đến chốn hương khuê.”
Một lời khuyên như thế thì Trọng Quỳ, mà đâu chỉ có Trọng Quỳ, làm sao mà không kính trọng. Chỉ một lời ấy thôi cũng đủ cho thấy nàng là một người vừa thông minh vừa hiếu thảo. Nàng xót xa cho cha chồng phải đi vào nơi nguy hiểm. Nàng tạm gạt bỏ mối khuê tình để giữ tròn đạo hiếu.
Những người phụ nữ đi lấy chồng chẳng có ao ước nào hơn là được ở gần chồng. Thuý Tiêu, Dương thị, Vũ nương và biết bao nhiêu người phụ nữ khác đều cầu mong như thế. Từ người phụ nữ thân phận như quả mít, con ốc trong thơ Hồ Xuân Hương đến người chinh phụ trong khúc Chinh
phụ ngâm nổi tiếng của Đoàn Thị Điểm cũng đều có chung một ước mong
ấy. Nhị Khanh thì hơn thế. Nàng vượt lên trên “thói nữ nhi thường tình” và chấp nhận sự hi sinh những hạnh phúc riêng tư cho người mà nàng kính trọng.
Đạo đức lễ giáo phong kiến ngày xưa đòi hỏi người phụ nữ từ khi đi lấy chồng phải coi nhà chồng làm chính. Đến cái tên riêng cha mẹ đặt cho cũng không còn nữa. Tên của họ từ lúc ấy đã được gọi bằng tên chồng và trách nhiệm của họ chủ yếu là trách nhiệm với nhà chồng. Để trói buộc họ thật chặt với gia đình nhà chồng nên với cha mẹ đẻ, với gia đình mình trước khi xuất giá, họ đã bị coi là “nữ nhi ngoại tộc”. Nàng Nhị Khanh đã thực hiện đầy đủ những yêu cầu ấy. Nàng quả là đã thực hiện phận sự làm dâu của mình đến mức xuất sắc.
Với tư cách người vợ, ngoài sự cung thuận thờ chồng, nàng thường can gián Trọng Quỳ, một anh chồng “lớn lên dần sinh ra chơi bời lêu lổng” và “chàng tuy không nghe nhưng cũng rất kính trọng”.
Sau khi Trọng Quỳ theo cha vào Nghệ An, tai họa đổ xuống đầu nàng. Cái tai hoạ đầu tiên với nàng là cha mẹ Nhị Khanh nối nhau tạ thế. Nàng đưa tang về Khoái Châu chôn cất rồi đến ở chung với bà cô Lưu thị.
Sáu năm trời đằng đẵng xa chồng đã là một thiệt thòi to lớn đối với Nhị Khanh. Tứ cố vô thân người trông mong duy nhất của nàng là bà cô Lưu thị. Chết đuối vớ phải bọt, bà cô lại ham tiền mà khuyên nàng về ở với kẻ hiếu sắc là tướng quân họ Bạch. Nghe lời khuyên của Lưu thị mà Nhị Khanh “sợ hãi, mất ngủ quên ăn đến hàng tháng”. Lại thêm “Lưu thị biết chí nàng không chuyển động nhưng vẫn cố lấy lễ nghi để cưỡng ép, hôn kỳ đã sắp sẵn sàng”. Tình thế của nàng Nhị Khanh thật là nguy khốn. Trong cơn nguy khốn ấy, trái tim trong trắng, phẩm chất đoan chính của nàng càng thêm ngời sáng. Lời nói của nàng với người bõ già: “ Ta sở dĩ nhịn nhục mà sống là vì nghĩ Phùng lang hãy còn; nếu chàng không còn thì ta đã liều mình chứ quyết không mặc áo xiêm của chồng để đi làm đẹp với người khác. Chú có thể vì ta lặn lội vào xứ Nghệ hỏi thăm tin tức chồng ta cho ta không?” có thể coi là những lời sắt đá mà không phải người phụ nữ nào cũng có thể nói được. Nó vừa thể hiện tấm lòng chung thuỷ đến quyết liệt của Nhị Khanh, vừa thể hiện ý thức tự trọng đã đạt đến đỉnh cao của nàng. May nhờ người bõ già vào tận Nghệ An tìm được Trọng Quỳ, vợ chồng nàng mới được đoàn tụ.
Trọng Quỳ trở về, tưởng như hạnh phúc của Nhị Khanh cũng trở lại. Nhưng rồi Trọng Quỳ “thuộc tính chơi bời” “bê tha lêu lổng” “nết cũ lại đâu đóng đấy”. Tệ hại nhất là việc Quỳ giao thiệp với Đỗ Tam. Cuộc giao thiệp “mạt cưa mướp đắng” “sinh thì thích Đỗ có nhiều tiền, Đỗ thì ham sinh có vợ đẹp” là mầm mống tai họa, là căn nguyên phá hoại hạnh phúc gia đình của Nhị Khanh. Trước anh chồng vô tích sự ấy, một lần nữa Nhị Khanh lại rất tỉnh táo khuyên bảo chồng: “ Những người lái buôn phần nhiều giảo quyệt, đừng nên chơi thân với họ; ban đầu tuy họ thả cho mình được, nhưng rồi họ sẽ vét hết của mình cho mà xem”.
Nhưng Trọng Quỳ vẫn không nghe và cái tai họa khủng khiếp đã đổ ập xuống gia đình nàng. Sau một canh bạc tứ sắc mà gã lái buôn Đỗ Tam giảo quyệt “đòi sinh đánh bằng nàng Nhị Khanh”, Trọng Quỳ phải giao
nàng cho hắn.
Nhị Khanh tự tử. Cái chết oan khốc của nàng là một bản cáo trạng đanh thép về những tội lỗi của Trọng Quỳ nhưng cũng là một bản cáo trạng với xã hội.
Với tư cách người mẹ, Nhị Khanh thực sự là một người từ mẫu. Tình thương con của người mẹ ấy không được Nguyễn Dữ tả rõ, thế nhưng, lần gặp lại Trọng Quỳ, khi nàng đã thành tiên mà tình thương con, thương chồng của nàng vẫn thật là sâu sắc. Gặp lại Trọng Quỳ là vì nàng còn vương vấn chữ tình nhưng gặp lại Trọng Quỳ để dặn chồng: “Thiếp thường theo chầu tả hữu Đức Bà ở đây, được trộm nghe chư tiên nói chuyện với nhau, bảo Hồ triều sẽ hết vào năm Bính Tuất, binh cách nổi lớn, số người bị giết tróc lên đến chừng hơn 20 vạn, ấy là chưa kể số bị bắt cướp đi. Nếu không phải người giồng cây đức đã sâu chỉ e ngọc đá đều bị cháy cả. Bấy giờ có một vị chân nhân họ Lê, từ miền Tây Nam xuất hiện; chàng nên khuyên hai con bền chí đi theo vị ấy, thiếp dù chết cũng không nát” để rồi sau hai con nàng khôn lớn, theo giúp vua Lê, “ trải làm đến chức Nhập thị nội. Đến nay ở Khoái Châu hiện còn con cháu” thì tình mẫu tử của nàng thật sâu nặng biết bao. Đúng như trước đây khi vĩnh biệt hai con nàng đã nói: “Cha con bạc tình, mẹ đau buồn lắm. Biệt li là việc thường của thiên hạ, một cái chết với mẹ có khó khăn gì. Nhưng mẹ chỉ nghĩ thương các con mà thôi”.
Nàng chết mà vẫn thương chồng, nàng chết mà vẫn thương, vẫn lo cho con. Chuyện đó đành rằng không có thật, nhưng nếu Nhị Khanh không phải là người vợ lý tưởng, người mẹ thương con thì chắc tác giả không thể viết phần kết có hậu như vậy. Nàng Nhị Khanh, một người con dâu, một người vợ, một người mẹ đã tụ hội tất cả những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ nhưng lại là nạn nhân của những bi kịch xã hội và gia đình. Cũng giống như Dương thị, như Vũ Nương, Nhị Khanh cũng được gặp lại chồng.
Sự gặp gỡ ấy vẫn chỉ trong tưởng tượng của người viết truyện. Nhưng ngay trong sự tưởng tượng ấy thì Nhị Khanh cũng chẳng khác gì Vũ Nương và so với Dương thị thì nàng thật là thiệt thòi. Nàng chỉ được gặp lại chồng một lần, thời gian cho cuộc gặp gỡ ấy cũng chỉ là từ “ khoảng cuối canh ba” cho tới khi “ trời gần sáng”.
Dân gian đã từng có những câu ca khái quát nên số phận đầy éo le, bấp bênh và cay đắng của người phụ nữ:
Thân em như giếng giữa đàng,
Người khôn rửa mặt người phàm rửa chân… Thân em như hạt mưa sa,
Hạt vào đài các hạt ra ruộng lầy.
Thân phận nàng Nhị Khanh chẳng khác gì “giếng giữa đàng” cho “kẻ phàm rửa chân”, chẳng khác gì “giọt mưa sa” vào chốn “ruộng lầy”. Nàng Nhị Khanh khăng khăng giữa một niềm thuỷ chung với chồng nhưng người chồng lại là một kẻ bê tha lêu lổng và những hành động của người ấy lại là nguyên nhân căn bản dẫn tới thảm kịch của đời nàng. Nhị Khanh là nạn nhân, là con người phải hứng chịu cả hai bi kịch: một từ phía xã hội, một từ phía gia đình. Nếu như không có giặc giã, nếu như Phùng Lập Ngôn không bị đẩy vào cai trị đất Nghệ An mà nguyên nhân thật là quái gở chỉ vì “đình thần ghét Lập Ngôn tính hay nói thẳng, ý muốn làm hại bèn hùa nhau tiến cử” thì Nhị Khanh đâu đến nỗi phải dằng dặc chờ chồng đến sáu năm với tâm trạng chẳng khác gì người chinh phụ và một phen “sợ hãi đến mất ngủ quên ăn hàng tháng”. Nếu không có phường lái buôn giảo quyệt như Đỗ Tam và chồng nàng, nếu không phải là gã Trọng Quỳ hám tiền thì chắc nàng không phải thắt cổ mà chết. Lời bình của tác giả: “ Có người vợ như thế mà để cho phải hàm oan, Trọng Quỳ thực là tuồng chó lợn” là một lời nhận xét thật đích đáng về Trọng Quỳ mà cũng là lời xác nhận cái bi kịch thật đau đớn của nàng Nhị Khanh tội nghiệp.