1.4.1 Nguyễn Dữ và thời đại ông.
Những tài liệu mà chúng ta có về Nguyễn Dữ không nhiều. Tuy nhiên những tài liệu ấy cũng không cung cấp cho chúng ta một cách chính xác về thân thế và sự nghiệp của ông. Những tài liệu lâu nay được các nhà nghiên cứu giới thiệu về Nguyễn Dữ cho thấy: Nguyễn Dữ là người xã Đoàn Lâm, huyện Gia Phúc (nay là Thanh Miện – Hải Dương). Năm sinh và năm mất chưa rõ, chỉ biết ông là con trai của Thượng thư Nguyễn Tường Phiêu- đậu Tiến sĩ thời Hồng Đức, năm 1496 – tức là năm cận cuối cùng của nhà Lê niên hiệu này. Nguyễn Dữ học rộng, tài cao, có thể là một trong những học trò giỏi của Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng có thể là bạn đồng học của Phùng
Khắc Khoan [23, tr.239], [33,tr.247]. Nguyễn Dữ đã đậu hương tiến, thi hội trúng tam trường, có làm tri huyện Thanh Tuyền một năm rồi cáo quan về, lấy lí do phải phụng dưỡng mẹ già cho tròn đạo hiếu.
Chính vì còn có điều không rõ nên đã từng có hai giả thuyết về thân thế tác giả Truyền kỳ mạn lục.
- Giả thuyết thứ nhất dựa theo lời của Nguyễn Phương Đề trong “ Công dư tiệp kí”, Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, Bùi Huy Bích trong “ Hoàng Việt thi tuyển” cho rằng Nguyễn Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Giả thuyết này hiện đang tồn tại trong Giáo trình của Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
- Giả thuyết thứ hai mà Lại Văn Hùng dẫn theo Trần ích Nguyên trong “ Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục” lại cho rằng Nguyễn Dữ là người đồng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Lại Văn Hùng dự đoán “ Nguyễn Dữ sinh vào khoảng thập niên cuối thế kỉ XV và mất khoảng thập niên thứ tư thế kỉ XVI, thọ 50 tuổi” và không thể là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Dù còn có những điều không rõ như trên nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng: Nguyễn Dữ sinh ra vào khoảng cuối thế kỉ XV và lớn lên vào nửa đầu thế kỉ thứ XVI. Đấy là thời kì nhà nước phong kiến Việt Nam bắt đầu đi vào con đường suy yếu, và sự suy yếu đã nhanh chóng trở nên trầm trọng. Chỉ trong vòng ba mươi năm từ khi Lê Thánh Tông mất đến khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua đã có tới 6 ông vua lên ngôi rồi bị giết hoặc bị phế truất. Có vị bị coi là “vua quỷ”, có vị bị coi là “vua lợn”. Những gì mà Lê Thánh Tông – vị vua được coi là anh minh số một của nền phong kiến Việt Nam – dầy công xây dựng đã nhanh chóng sụp đổ. Lê Hiển Tông đã từng than thở về tình trạng quan trường hư nát và dù đã có chấn chỉnh nhưng vẫn không cứu vãn được tình trạng suy vi đó. Đại Việt sử kí toàn thư đã viết: “ Sao mà những kẻ tại chức đều bị vị, không nghĩ đến phép tắc của
triều đình. Người vì nước quên nhà thì ít, người bỏ phận thiếu chức thì nhiều, tha giàu bắt nghèo, không chừa thói cũ tham tiền khoét của vẫn theo lối xưa”. Thế rồi “chính sự phiền hà, lòng dân oán hận”, “thổ mộc bừa bãi” lại thêm đại hạn, đói khổ, nhân dân thất nghiệp, trộm cắp nổi dậy. Vua hoang dâm xa xỉ, bất lực hoặc chết yểu, “ các quyền thần đánh lẫn nhau, giết nhau dưới cửa khuyết, dây máu chốn kinh sư”. Chiến tranh loạn lạc xảy ra khắp nơi: năm 1511, Thân Duy Nhạc dấy quân ở Kinh Bắc, Trần Tuân làm loạn ở Sơn Tây, năm 1512, Nguyễn Nghiêm loạn ở Sơn Tây, Hưng Hoá, năm 1515, loạn Phùng Chương ở Tam Đảo, loạn Đặng Hân, Đặng Ngật ở Thanh Hoá, loạn Trần Công Ninh ở Yên Lãng, Trần Cảo khởi binh đánh nhà Lê. Những cuộc chiến tranh ấy đã khiến cho suốt cho cả vùng Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây đến Thanh Hoá và cả kinh đô Thăng Long chìm đắm trong khói lửa chiến tranh. Thêm vào nữa là cuộc chiến tranh Lê – Mạc, một cuộc chiến tranh dai dẳng, quyết liệt, một cuộc chiến mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng viết:
Cá đầm, sẻ bụi vì ai đuổi
Núi xương, sông máu thảm đầy vơi.
Tình trạng ấy gây nên một sự xuống cấp, suy thoái trong hàng ngũ Nho sĩ. Lê Quý Đôn đã từng than thở: “ Từ năm Đoan Khánh trở về sau, lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày một thịnh, người có chức ít giữ được phong độ thanh liêm, nhún nhường, trong triều đình không nghe có lời can gián, gặp có việc thì rụt rè, cẩu thả, thấy lúc nguy thì bán nước để toàn thân, dẫu người gọi là bậc danh nho, cũng đều yên tâm nhận sủng vinh phi nghĩa, rồi nào thơ, nào ca, trao đổi, khoe khoang, tán tụng lẫn nhau, tập tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng…”
Đứng trước một hiện thực như vậy, những nhà nho có khí tiết không thể tránh khỏi sự ngơ ngác, sự chán chường bởi sự đổ vỡ của niềm tin, lí tưởng. Không ít người đã từ quan mà về, trong số ấy có Nguyễn Dữ. Là con
của Nguyễn Tường Phiêu - một bậc đại khoa, tước vị vào hàng nhất phẩm - Nguyễn Dữ đã cáo quan mà về, phản ứng ấy của ông là biểu hiện của một sự “phát phẫn” của một trí thức, một danh sĩ trước thời cuộc. Nguyễn Dữ cảm thấy xã hội ấy không có chỗ cho mình. Cáo quan về, viết Truyền kỳ mạn lục, đấy là một hiện tượng “phát phẫn trứ thư” (phát phẫn viết sách)
của ông. Nguyễn Dữ đã dồn vào tác phẩm của mình tất cả những điều mắt thấy tai nghe với một mong muốn khuyến khích điều thiện, răn phạt cái ác, thương xót kẻ cùng quẫn, oan khuất.
Chiến tranh, loạn lạc gây đói khổ, tang tóc cho nhiều tầng lớp trong xã hội nhưng đau thương nhất vẫn là tầng lớp dân đen, nhất là người phụ nữ. Viết sách để răn đời, để lo đời, Nguyễn Dữ không thể không chú ý tới số phận người phụ nữ.
Tất cả những điều trên đây giải thích với chúng ta vì sao Truyền kỳ
mạn lục tuy là những câu truyện truyền kỳ nhưng lại có một nội dung hiện
thực sâu sắc và vì sao tác giả lại viết về số phận người phụ nữ với một trái tim cảm thông, sẻ chia, trân trọng và yêu thương.
1.4.2. Vài nét về Truyền kỳ mạn lục:
Từ các công trình nghiên cứu về Truyền kỳ mạn lục cho thấy hiện đang có nhiều văn bản. Ngoài bản được khắc in năm 1712( có bài tựa của Hà Thiện Hán viết năm Vĩnh Định sơ niên 1547) còn có một số bản chép tay. Các bản này ngoài phần nguyên văn chữ Hán của Nguyễn Dữ còn có phần tăng bổ giải âm tập chú có chú thích điển cố và chữ khó.
Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm duy nhất của Nguyễn Dữ. Sách gồm
20 truyện, chia làm 4 quyển, được viết theo thể truyền kỳ. Cốt truyện chủ yếu lấy từ những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, nhiều trường hợp xuất phát từ các vị thần mà đền thờ hiện vẫn còn (đền thờ Vũ Thị Thiết ở Hà Nam, đền thờ Nhị Khanh ở Hưng Yên và đền thờ Văn Dĩ Thành ở làng Gối, Hà Nội). Truyện được viết bằng văn xuôi chữ Hán có xen những bài
thơ, ca, từ, biền văn, cuối mỗi truyện (trừ truyện 19 Cuộc nói chuyện thơ ở
Kim Hoa) đều có lời bình của tác giả.
Truyền kỳ mạn lục ra đời vào nửa đầu thế kỷ XVI (khoảng những năm
20 – 30). Sở dĩ có kết luận như vậy là vì các nhà nghiên cứu dựa vào thời điểm mà Hà Thiện Hán viết lời tựa cho Truyền kỳ mạn lục năm 1547 và kết hợp với tư liệu cuộc đời Nguyễn Dữ. Như vậy, Truyền kỳ mạn lục ra đời vào lúc triều đại nhà Lê trên đà suy vi với các ông vua nổi tiếng hoang dâm tàn bạo (như đã trình bày ở phần trên). Những đau thương của một thời đại ấy cũng đã in đậm dấu ấn trong một số truyện của Truyền kỳ mạn lục.
Nội dung cơ bản của Truyền kỳ mạn lục:
Chúng ta dễ dàng thấy rằng, nếu gạt bỏ những yếu tố hoang đường kỳ ảo ta sẽ thấy một bức tranh xã hội rất rõ ràng. Đấy là một xã hội mà giai cấp thống trị thì tranh giành quyền lực, chém giết lẫn nhau. Tất cả đều giả dối, vô đạo, tham lam, độc ác và đều có kết cục hoặc bị trừng phạt, hoặc bị phủ nhận, hoặc bị lên án chê cười. Đấy là một xã hội mà các tầng lớp khác đặc biệt là người phụ nữ là nạn nhân đau khổ nhất của thiết chế xã hội, của quan niệm nho giáo, của hiện thực cuộc sống. Trong số ấy, có người được lên xem tiên cảnh, được thành tiên, được giải oan vì đức độ, vì trung thực, vì những phẩm chất tốt đẹp. Cũng có người phải ngậm ngùi đau khổ vì chính những hành động của mình.
Hệ thống nhân vật của Truyền kỳ mạn lục đa dạng phong phú bao gồm đủ mọi loại từ vua, quan như Hạng Vương, Hồ Tông Thốc, Nguyễn Trung Ngạn, Trụ quốc họ Thân… Đến cả những con người bình thường như Vũ Thị Thiết, Thị Nghi… Phần lớn các nhân vật trong Truyền kỳ mạn
lục là những con người thuộc tầng lớp bình dân, trí thức bình dân hoặc phụ
nữ … “ Nếu Lê Thánh Tông hướng văn học vào việc phản ánh con người, lấy con người làm đối tượng trung tâm phản ánh thì, Nguyễn Dữ đi xa hơn một bước: phản ánh số phận con người, chủ yếu là số phận bi kịch của
người phụ nữ. Nhờ đó mà Nguyễn Dữ đã mở đầu cho chủ nghĩa nhân văn trong văn học Việt Nam thời trung đại. Thông qua số phận các nhân vật, Nguyễn Dữ đi tìm giải đáp xã hội: Con người phải sống ra sao để có hạnh phúc ? Làm thế nào để nắm bắt hạnh phúc ? Hạnh phúc tồn tại ở thế giới nào ? ( Thiên tào, cõi tiên, cõi trần, thế giới bên kia?). Nguyễn Dữ đưa ra rất nhiều giả thiết, nhưng tất cả đều bế tắc [25, tr.213].
Về hình thức nghệ thuật, khi viết Truyền kỳ mạn lục nhà văn Nguyễn Dữ đã “tuân thủ những nguyên tắc loại hình được chấp nhận bằng văn ngôn, song chỉ tuân thủ bề ngoài. Ông đã phá vỡ những quy tắc lâu đời về hình thức thể loại và tạo ra những tác phẩm theo kiểu tự do hơn. Tập hợp từ “mạn lục” trong nhan đề đã chỉ ra sự độc đáo về loại hình tác phẩm [34, tr.74]. ý kiến đánh giá này dù có hơi quá, song cũng đã có lý khi khẳng định sự sáng tạo của Nguyễn Dữ về phương diện nghệ thuật truyền kỳ. Nguyễn Dữ là tác giả đầu tiên khẳng định vị trí của thể truyền kỳ trong văn xuôi Việt Nam, đưa vào thể loại này những yếu tố của văn học dân gian tạo ra màu sắc riêng của thể loại truyền kỳ Việt Nam. Nói như giáo sư Bùi Văn Nguyên thì “tất cả hai mươi truyện trong Truyền kỳ mạn lục, nếu được phân tích tỉ mỉ, bộc lộ ít nhiều yếu tố văn học dân gian đúng với bút pháp của thể truyền” [27, tr.54]. Rõ ràng có một sự kết hợp hài hoà giữa thể loại truyền kỳ – một thể loại ngoại lai với các yếu tố của văn học dân tộc trong ngòi bút của Nguyễn Dữ.
Với nội dung phong phú, mang tính hiện thực cao, với thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, Truyền kỳ mạn lục thực sự trở thành một “thiên cổ kỳ bút” và trở thành cái đích không dễ dàng vượt qua đối với các tác phẩm sau này. Chắc rằng, càng nghiên cứu Truyền kỳ mạn lục chúng ta sẽ càng phát hiện ra giá trị muôn mặt của nó và cũng từ đó càng hiểu hơn những điều mà Nguyễn Dữ gửi gắm với bao thế hệ hậu sinh.