NHỮNG CHUYỂN BIẾN VỀ KĨ THUẬT THỂ LOẠI, PHƯƠNG THỨC TỰ SỰ VÀ L ỜI VĂN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MINH CHÂU (sau
3.2.2. Phương thức sử dụng biểu tượng nghệ thuật
Một nhà nghiên cứu đã hết sức tinh ý khi nhận xét về vai trò quan trọng của hình ảnh mảnh trăng trong thiên truyện Mảnh trăng cuối rừng, nếu “mất đi cái ánh trăng mơ hồ, huyền ảo kia thì
truyện ngắn này có cơ hồ mất hết cả không khí và sự gợi cảm đầy chất thơ của nó, mọi chi tiết, các
nhân vật và câu chuyện tình của họ sẽ trở nên rõ ràng một cách…nhạt nhẽo và không sao có thể
bay bổng lên được” [58,tr.149]. Quả thật như vậy, truyện ngắn nổi tiếng trên của Nguyễn Minh Châu sẽ bớt đi nhiều sức hấp dẫn nếu thiếu đi hình ảnh mảnh trăng nơi cuối rừng cùng những đoạn
suy tư giàu cảm xúc của nhân vật người kể chuyện về “cái sợi chỉ xanh nhỏ bé và óng ánh” trong tâm hồn nữ nhân vật chính.
Giống như ở Mảnh trăng cuối rừng, trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu xuất hiện rất nhiều những hình ảnh mang tính biểu tượng, ví dụ như nguồn suối (Nguồn suối), bến quê (Bến quê),
những hòn vọng phu (Cỏ lau), bò Khoang (Phiên chợ Giát). Những yếu tố này đã góp phần thể hiện thế giới nhân vật, gia tăng chất trữ tình, chất triết lí của tác phẩm đồng thời chuyển tải kín đáo những tư tưởng, quan niệm mà nhà văn muốn nói.
Biểu tượng, dưới góc độ văn học, xét theo nghĩa hẹp, là “một loại hình tượng nghệ thuật đặc
biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể
hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lí sâu xa về con người và cuộc đời” [23, tr.24]. Một hình ảnh biểu tượng bao giờ cũng mang tính đa nghĩa, có khả năng gợi ra một hình ảnh khác hoặc một số ý nghĩa nào đó bên ngoài bản thân nó. Những hình ảnh biểu tượng như vậy đã trở thành một yếu tố quan trọng trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu.
Trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu giai đoạn trước 1975, những hình ảnh biểu tượng thường được dùng như những tín hiệu thẩm mĩ giàu sức truyền cảm nhằm biểu đạt cho những tư tưởng, tình cảm lớn lao của thời đại. Đó là những hình ảnh biểu tượng cho tình yêu quê hương đất nước (Những vùng trời khác nhau), là sức sống mãnh liệt và ý chí chiến đấu kiên cường (Nhành mai), là cội nguồn gắn kết các dân tộc anh em (Nguồn suối)… Hình ảnh biểu tượng thường xuất hiện trong bối cảnh của chiến tranh. Ánh trăng bàng bạc trên những cánh rừng Trường Sơn không làm xóa lấp đi được sự hiện diện của ngọn đèn pháo sáng trong tâm trí người chiến sĩ lái xe, bầu
trời xanh lồng lộng trên đầu người chiến sĩ cao xạ trong phút chốc có thể bị bao trùm bởi mịt mù khói lửa. Tuy nhiên, chúng không phải được dùng để diễn tả sự khốc liệt của chiến tranh mà chủ yếu được dùng như những chất liệu giúp tạo nên chất trữ tình lãng mạn cho câu chuyện. Ở trên đã nói đến vai trò của ánh trăng trong việc đem lại một không khí đậm đà chất thơ cho câu chuyện tình của đôi bạn trẻ trong Mảnh trăng cuối rừng. Trong Nhành mai cũng có những giây phút mà dường như hiện thực ác liệt của chiến tranh đã bị mờ đi, nhường chỗ cho sự bay bổng của tình yêu: “Bên vại nước, gốc mai cổ thụ đứng im lặng, đan cành trên đầu hai chúng tôi, những nụ hoa mai trắng
ngần đang đơm đầy cành. Tôi kéo mái tóc Thận sát ngực, cùng đứng bên nhau trước mảnh sân hồi lâu trước khi chia tay” [13,tr.26]. Tương tự “mảnh trăng cuối rừng”, những nụ mai trắng ngần đóng vai trò là chứng nhân cho tình yêu trong sáng, đẹp đẽ của nhân vật.
Thường gắn với những giây phút mộng mơ, suy tư ngẫm ngợi của nhân vật, hình ảnh biểu tượng còn như là những phương tiện giúp khám phá vẻ đẹp khuất lấp bên trong tâm hồn con người. Những dòng suy tư của Lê về “những vùng trời khác nhau” đánh dấu một bước chuyển sâu sắc trong nhận thức của anh về tình đồng đội, về tình yêu đối với vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
“Mảnh trăng” nơi cuối rừng đã không chỉ giúp Lãm khám phá được những vẻ đẹp của Nguyệt mà đồng thời còn soi chiếu làm rõ nét hơn vẻ đẹp trong tâm hồn anh. Các hình ảnh “gốc sắn”, “đôi đũa
trúc”, “nguồn suối”, “nhành mai”… trong mỗi truyện đều được sử dụng như những biểu tượng song song với quá trình tác giả khắc họa tâm lí, tính cách nhân vật, giúp người đọc thấy rõ hơn những vẻ đẹp khác nhau của con người trong vẻ đẹp chung của cộng đồng, dân tộc.
Trong quan hệ với sự vận động của cốt truyện, sự xuất hiện lặp đi lặp lại các hình ảnh biểu tượng thường có ý nghĩa bổ sung cho hình tượng nhân vật cũng như việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Những “nhành mai” xuất hiện nhiều lần là biểu tượng cho phẩm chất của con người và đất làng Đằng, bị đốt cháy, bị chặt trụi dưới bàn tay tàn ác của giặc nhưng rồi vẫn cứ sống, đâm chồi nảy lộc. Trong “Mảnh trăng cuối rừng”, mảnh trăng non mờ ảo càng về khuya càng sáng tỏ để rồi sau đó không lặn đi mà hóa thân vào bên trong cô Nguyệt, tỏa ánh sáng dẫn đường cho người lính vượt qua bom đạn kẻ thù. Cũng trong truyện này, hình ảnh đôi chim trống mái tìm nhau khắc khoải tha thiết ở đầu câu chuyện, đến cuối đã tìm được nhau gợi lên cảm giác ấm áp của một niềm tin bất diệt về tình yêu và sự sống.
So với giai đoạn trước, những hình ảnh biểu tượng trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau 1975 có sắc thái ý nghĩa phong phú hơn, cách sử dụng cũng linh hoạt hơn trong cái nhìn đa diện của nhà văn về đời sống hiện thực.
Các hình ảnh biểu tượng trước đây là sự phản chiếu một hiện thực đã được khúc xạ qua cái nhìn sử thi hóa nên đậm chất trữ tình và màu sắc chủ quan. Ở một số truyện giai đoạn sau 75, những hình ảnh trữ tình vẫn còn xuất hiện rải rác, gắn với những phút giây lãng mạn của con người trong thời chiến. Trong Bên đường chiến tranh, ta bắt gặp một hình ảnh hết sức thi vị là cái “giếng nước” mát ngọt, trong lành lưu giữ kỉ niệm về mối tình đầu trong sáng thời quá khứ của hai nhân vật chính. Hình ảnh vầng trăng là chứng nhân của tình yêu cũng xuất hiện trong Cỏ lau, vào cái đêm Lực và Thai ở bên nhau tại vùng núi Đợi trước khi chia tay, tạo nên gam màu trong trẻo, tươi sáng hiếm hoi của thiên truyện này.
Có hình ảnh biểu tượng thay đổi qua các thời kì sáng tác. Ví dụ như hình ảnh tiếng chim “khó khăn khắc phục” xuất hiện rất nhiều, tạo nên một ám ảnh sâu sắc trong nhiều truyện của Nguyễn Minh Châu. Nếu trong Mảnh trăng cuối rừng, tiếng chim song hành với một câu chuyện tình yêu lãng mạn thì đến Cơn giông, Cỏ lau, Chú chim… tiếng chim lại mang những sắc thái mới, buồn nhiều hơn vui. Trong Cỏ lau, tại vùng núi Tử Sĩ, tiếng chim “khó khăn khắc phục” kêu thảng thốt cất lên giữa buổi hoàng hôn hiu hắt như một hòa âm buồn của một khúc bi ca về những người lính đã bỏ mình trong cuộc chiến khốc liệt. Truyện ngắn Chú chim kể về một nhà văn trốn thành phố lên một vùng đồi núi yên tĩnh để sáng tác. Tại đây ông đã bắt gặp lại tiếng chim tri kỉ từng gắn bó với mình, tiếng chim “không hề bao giờ đứt đoạn, vẫn cất lên tiếng hót lảnh lót giữa gian khổ
của chiến tranh cũng như giữa cơn giông bão”. Thật oái ăm, từ khi phát hiện ra bộ xương chim trong nhà tắm, nhà văn mới biết rằng cái giống chim có tiếng hót lay động lòng người kia lại mang trên mình hình thù của con gà gô cục mịch. Và thay vì bay nhảy ngoài rừng sâu, nó lại tìm đến cái chết thê thảm mà nguyên nhân có thể là do “ở đây có đèn sáng, có tiếng đàn tiếng hát,…bị hút vào
những hấp dẫn chết người rất tầm thường”. Hình ảnh chú chim trong truyện mang ý nghĩa như một sự tan vỡ những ngộ nhận của một thời quá khứ. Liên hệ với một nhân vật trong truyện, nó còn có một hàm nghĩa mới liên quan đến lối sống, đến việc sáng tạo nghệ thuật. Cũng như chú chim kia, “một con người uyên thâm, nhìn xa thấy rộng, có khi suốt đời lại chỉ là tù binh của cách sống công
chức và những điều hào nhoáng, giả tạo đầy trịnh trọng”.
Cùng với sự thay đổi cái nhìn về hiện thực, hệ thống hình ảnh biểu tượng trong truyện ngắn sau 1975 trở nên đa dạng hơn, đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau trong đời sống và nghệ thuật. Hình ảnh bò Khoang và tiếng xe cút kít (Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát), hình ảnh cỏ lau, đá vọng
phu (Cỏ lau)… là những biểu tượng giàu sức ám ảnh để nhà văn gửi gắm những suy tư của mình về những số phận con người. Hình ảnh cây sấu già và cột điện (Sống mãi với cây xanh) giúp chuyển tải những thông điệp về mối quan hệ và ứng xử của con người đối với thiên nhiên, với lịch sử. Các hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa, chú chim còn đề cập đến những quan niệm sâu sắc về nghệ thuật, về vai trò của người nghệ sĩ… Thông qua những biểu tượng, nhiều vấn đề nhạy cảm, có tính cấm kị trước đó nay đã được nêu ra cho mọi người cùng suy nghĩ.
Không chỉ là hình ảnh phản chiếu những vấn đề của đời sống hiện thực, các hình ảnh biểu tượng còn được dùng như những phương tiện giúp nhà văn biểu đạt thế giới nội tâm của nhân vật. Gắn với các tình huống nhận thức, những hình ảnh biểu tượng diễn tả sâu sắc những xung động bên trong con người. Trong Bức tranh, nếu bức họa thứ nhất là một biểu tượng đẹp về hình ảnh người lính trong chiến tranh thì bức họa thứ hai, khuôn mặt xấu xí lạ lùng của người họa sĩ hiện hình qua tấm gương soi, là biểu tượng cho con người thật bên trong anh ta. Tương tự, ý nghĩa triết lí sâu sắc của các biểu tượng bến quê, chiếc thuyền ngoài xa chỉ hiện lên sau những giây phút thức tỉnh trong nhận thức của con người. Hình ảnh đoàn tàu tâm tưởng và những cơn mộng du theo suốt cuộc đời Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) trong những chuyến hành trình đi tìm cái giá trị tuyệt đối của chị. Trong Phiên chợ Giát, những giấc mơ của lão Khúng xuất hiện nhiều lần trong quá trình phân thân người – bò của lão đã đem đến cho người đọc những phát hiện mới mẻ về chiều sâu bí ẩn của thế giới bên trong con người.
Ở truyện ngắn trước 1975, gắn với quá trình phát triển nhất quán trong tâm lí, tính cách nhân vật, ý nghĩa của biểu tượng thường không có sự thay đổi nhiều trong những lần xuất hiện suốt chiều dài câu chuyện. Các hình ảnh biểu tượng trong các truyện ngắn giai đoạn sau thường đa nghĩahơn, ở mỗi lần xuất hiện thường đem đến những nét nghĩa mới, gắn với sự phức tạp trong tâm lí và số
phận nhân vật. Trong Cơn giông, nếu ở lần thứ nhất, những tia chớp nhằng nhịt trên bầu trời giúp soi tỏ bộ mặt thật của tên phản bội khi ở trong lằn ranh của sự lựa chọn thì cơn giông thứ hai lại là thời điểm để con người mở rộng tấm lòng bao dung cao thượng. Trong Phiên chợ Giát, biểu tượng hóa thân người / bò là một biểu tượng hết sức đa nghĩa. Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đã chỉ rõ, nếu giấc mơ cuối cùng của lão Khúng được hiểu như một khả năng “người nông dân có thể trở
thành một nạn nhân thảm khốc” thì giấc mơ đầu tiên là một khả năng khác, khả năng “người nông
dân cũng có thể trở thành hung thần – thậm chí hung thần đồ tể” [58, tr.215]. Hình ảnh cây sấu và cây cột điện trong Sống mãi với cây xanh cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa khác nhau, là chứng nhân của lịch sử, là khát vọng giao hòa cùng thiên nhiên cây cỏ, là những giá trị văn hóa đang bị mai một dần trong thời buổi con người sống với quá nhiều suy nghĩ thực dụng. Sự xuất hiện lặp lại nhiều lần các hình ảnh biểu tượng trong văn bản cũng giúp liên kết mạch truyện, tạo nên sức ám ảnh, day dứt của những vấn đề mà nhà văn đã đặt ra.
Như vậy, trong những truyện ngắn trước 1975, hệ thống biểu tượng được dùng như những phương tiện giúp biểu đạt rõ nét hơn các phẩm chất huyền thoại của người anh hùng, đồng thời góp phần tạo nên chất trữ tình lãng mạn cho từng thiên truyện. Sau 1975, hệ thống biểu tượng trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu trở nên đa dạng hơn về ý nghĩa, gắn với cái nhìn đa chiều của nhà văn về hiện thực đời sống. Các biểu tượng giàu tính triết luận hơn, vừa giúp nhà văn gửi gắm những suy tư, chiêm nghiệm của mình trước những vấn đề gai góc của cuộc sống vừa như là những yếu tố nghệ thuật hữu hiệu giúp soi chiếu thế giới nội tâm nhân vật, làm cho nhân vật của ông có sức ám ảnh mãnh liệt hơn.