NHỮNG CHUYỂN BIẾN VỀ KĨ THUẬT THỂ LOẠI, PHƯƠNG THỨC TỰ SỰ VÀ L ỜI VĂN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MINH CHÂU (sau
3.2.1.1. Tăng cường độc thoại nội tâm như là một phương thức chủ yếu để miêu tả
nhân vật
Trong những truyện ngắn trước 1975, nhân vật của Nguyễn Minh Châu chủ yếu được quan sát từ cái nhìn bên ngoài, thế giới nội tâm đã được chú ý miêu tả nhưng chưa nhiều, phần lớn là được phát hiện bởi người kể chuyện hoặc các nhân vật khác. Vẻ đẹp nội tâm của Nguyệt trong
Mảnh trăng cuối rừng được cảm nhận chủ yếu qua sự nhận xét, đánh giá của Lãm, của chị Tính…Người đọc nhận ra “cái sợi chỉ xanh nhỏ bé và óng ánh” trong tâm hồn Nguyệt trước hết là nhờ bởi sự “chỉ điểm” của Lãm, không phải một mà đến hai lần. Trong Những vùng trời khác nhau
cũng vậy, những cảm xúc nội tâm của Sơn, của Lê chủ yếu được miêu tả qua lời người kể chuyện. Một nét khác biệt rõ nữa là những suy nghĩ nội tâm của nhân vật chủ yếu dùng để khám phá, phát hiện về những đối tượng, vấn đề bên ngoài. Những tình huống nhân vật tự ý thức về những vấn đề của bản thân mình hầu như rất hiếm xuất hiện. Một số truyện thời kì đầu, nhân vật cũng có dằn vặt, suy tư nhưng không có mâu thuẫn gay gắt. Sự vận động bên trong của nhân vật là nhất quán, luôn chuyển hóa theo hướng tích cực, được đánh giá theo những quy chuẩn chung của cộng đồng cho nên con người hiện lên chưa có có được sự phức tạp, đa dạng của chiều sâu tâm lí.
Đến giai đoạn sau 1975, việc miêu tả thế giới nội tâm nhân vật trong truyện Nguyễn Minh Châu đã có những đổi mới căn bản về chất mà điều đầu tiên là nhà văn đã trao quyền để cho nhân vật “tự nói về mình”.
Như đã đề cập ở phần trước, xuhướng muốn nắm bắt cái “hiện thực bề sâu trong tâm hồn con người” và phong cách giàu tính triết luận đã đem lại cho tác phẩm giai đoạn sau 1975 của Nguyễn Minh Châu kiểu con người suy tư triết lí. Và chính quan niệm nghệ thuật này đã chi phối cách tạo
dựng nhiều kiểu nhân vật trong truyện ngắn của ông. Nhân vật mang trong mình tính tư tưởng nên hay suy tư, ngẫm ngợi. Biểu hiện rõ nét qua những trạng thái tồn tại như suy tư, sám hối, phản tỉnh,
chiêm nghiệm… xuất hiện ngày càng đậm đặc trong mạch trần thuật. Độc thoại nội tâm trở thành
thủ pháp nghệ thuật hữu hiệu để diễn tả quá trình tự ý thức của nhân vật và cho phép đi sâu khám phá thế giới bên trong đầy bí ẩn của nhân vật.
Trừ một số nhân vật thế sự được miêu tả như những con người hồn nhiên vô tâm trong các truyện Mẹ con chị Hằng, Đứa ăn cắp…, ở những kiểu nhân vật còn lại, độc thoại nội tâm luôn được tác giả đưa vào như là một phần quan trọng của nghệ thuật thể hiện. Đặc biệt, đối với một số nhân vật tư tưởng trong các truyện Bức tranh, Một lần đối chứng, Bến quê…, nó còn được xem như là một biện pháp thể hiện chủ yếu.
Trong những truyện vừa nêu, nhân vật gây ấn tượng với người đọc chủ yếu bằng những suy ngẫm sâu sắc hoặc quá trình trăn trở, vật vã của cuộc đấu tranh diễn ra bên trong nội tâm. Câu chuyện tưởng chừng như chẳng có gì để kể hóa ra vẫn có sức hấp dẫn nhất định. Đọc Bến quê, ta thấy trong truyện cũng có nhiều đoạn đối thoại giữa các nhân vật với nhau nhưng để làm nên sắc điệu của tác phẩm, quan trọng hơn cả là những đoạn đối thoại “bên trong” nội tâm nhân vật. Trong
Một lần đối chứng, với người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, độc thoại nội tâm trở thành thủ pháp chủ yếu để giúp nhân vật nói lên tiếng nói của mình. Giống như những nhân vật suy tư khác, nhân vật tôi trong truyện hầu như không để lại dấu ấn nào rõ rệt về ngoại hình. Ngôn ngữ đối thoại cũng được cắt giảm tối đa, còn lại là lời kể của nhân vật mà xen lẫn vào là rất nhiều những phỏng đoán kiểu dạng “chắc chắn nó cũng là…”, “có lẽ nó đã bỏ loài người”, “không biết…con mèo của tôi đang nghĩ gì?”…Chính điều này đã tạo nên ấn tượng về một con người luôn tự ý thức về mình, về mọi người, về cuộc đời.
Độc thoại nội tâm cũng tỏ ra đặc biệt hữu hiệu trong việc miêu tả những xung đột bên trong nhân vật. Quá trình tha hóa nhân cách và cuộc khủng hoảng tinh thần của Hạng trong truyện ngắn cùng tên đã được lột tả sinh động qua những dòng độc thoại của anh với bản thân. Trong phiên tòa lương tâm, “Anh vừa là quan tòa, vừa là thầy cãi lại vừa là nạn nhâncủa chính mình”. Một bên vang lên tiếng nói biện hộ: “Tôi vẫn là cán bộ, một người cộng sản, đang chiến đấu cho lí tưởng
cộng sản!’, một bên là lời kết tội đầy nghiêm khắc : “Thực chất bây giờ anh là một con lươn! Anh tự
tin vào cách sống mới của anh chừng nào thì dãi dớt bọc lấy người anh nhiều chừng nấy… ” [9,
tr.76]. Không phủ nhận một điều là ở đây, giọng điệu của nhà văn còn in dấu quá rõ lên lời của nhân vật nhưng những thử nghiệm như vậy ít nhiều đã làm cho tâm lí nhân vật trở nên sắc nét hơn.
Cũng với môtip phiên tòa lương tâm như trên, trong Bức tranh, những trạng thái tinh thần của cuộc tự thú ở người họa sĩ đã được lột tả một cách tài tình qua những dòng tâm tư của nhân vật kết hợp với những đối thoại nội tâm vô cùng sinh động. Hàng loạt tự vấn liên tiếp được đặt ra, xoáy đi
xoáy lại trong tâm trí người họa sĩ như những đối thoại ngầm: Tại sao ngày ấy tôi đã không đưa
“tấm ảnh” đến cho gia đình anh? Tại sao tôi không giữ lời hứa?...Không, đừng đổ lỗi cho hoàn
cảnh!...Trời ơi, có lẽ tôi ngồi trên ghế cắt tóc ở cái quán này đã một nửa thế kỉ? Chốc nữa, sắp tới,
anh sẽ làm gì tôi đây?...Chính tôi đã làm cho bà mẹ anh trở thành mù lòa?... Cuộc tra tấn tinh thần không dừng lại mà được đẩy lên một cấp độ mới với hình thức của những đối thoại tưởng tượng, một dạng “đối thoại trong độc thoại”, thực chất là tự đối thoại với bản thân mình. Nhân vật phân thân làm đôi, một bên là mình, một bên là là người thợ cắt tóc giả định. Những lời biện hộ yếu ớt về “mục đích phục vụ số đông của người nghệ sĩ” hay quan niệm về “luật công bằng ở đời” của người họa sĩ trở nên thật thảm hại khi đặt cạnh thái độ cao thượng của người lính vô danh. Sự thất bại trong cuộc tranh luận tưởng tượng ấy chính là cơ sở để người họa sĩ có điều kiện quan sát kĩ lưỡng bức chân dung, “khuôn mặt bên trong” của chính mình.
Trong những truyện ngắn ra đời vào giai đoạn cuối, độc thoại nội tâm gắn với quá trình vận động tâm lí bên trong, chìm sâu vào dòng tâm tư của nhân vật.
Có thể thấy rõ điều này trong những đoạn miêu tả tâm tư của nhân vật Lực (Cỏ lau), ví dụ sau khi anh gặp lại người cha trong hiệu ảnh: “ Tình cảm cùng bổn phận sẽ bắt tôi phải trở lại đâyvới ông già tôi…Rồi thì cũng như mọi người khác, tôi vẫn không thể đi trốn khỏi được số phận,
tôi không thể đi trốn khỏi được cuộc đời mình một khi mà tôi đang còn sống, mặc dầu trong ý nghĩ
của hai người thân nhất đời tôi thì tôi đã chết” [13, tr.469]. Nỗi cô đơn ghê gớm trong tâm hồn nhân vật càng lúc càng dày thêm qua những đoạn tâm tư như vậy.
Đến Phiên chợ Giát, thế giới nội tâm của nhân vật hiện lên qua dòng ý thức hỗn độn, xô đẩy, đan xen nhiều mạch ngầm, những ngả rẽ bất ngờ, đứt đoạn rồi tiếp nối, chen lấn giữa hiện thực và quá khứ, những ý nghĩ trên bề mặt đồng hiện với những ảo giác của thế giới tâm linh… Trên con đường “tối thui tối mò”, gập ghềnh khó nhọc, cái con đường có thực dẫn về chợ Giát, lão Khúng để mặc cho “cái bầy ý tưởng rối rắm, tối tăm” của mình, đang chịu theo một sức mạnh bí ẩn nào đó lôi ngược về với những miền sâu thẳm, mịt mờ âm u trong kí ức, một kí ức có cả cái phần nhân loại đã kết đọng lại tự ngàn đời nay. Thực ra lão đã đi trước khi lão thức giấc ở đầu truyện, lão đi trong giấc mơ thấy mình “giang cả hai cánh tay nâng một chiếc búa to nặng” giáng vào đầu bò Khoang, trong giấc mơ thấy chiếc xe của ông Bời “bay là là trên mặt đám ruộng trồng khoai lang”. Tiếp đó, lão đi trong những hồi ức về 14 năm trời gắn bó với bò Khoang, về chuyến đến “cái xứ đất rất xa lạ” có tên là Đắc Lắc, xa hơn nữa, lão đến tận “một khu rừng Tây Bắc Campuchia giáp nước Thái Lan”, nơi đứa con trai giỏi giang nhất của lão đã ngã xuống…Không chỉ sự thật mà còn có cả giấc mơ, không chỉ ý tưởng mà còn có cả linh tính, cảm giác, nỗi sợ hãi mơ hồ…, lão đối thoại với mình, với con bò, với lão Bời, với mọi người, với cả những vì sao xa xôi. Dòng độc thoại, đối thoại miên man, lộn xộn, ngổn ngang trong tâm tư lão không chỉ xới lên những tầng sâu bí ẩn trong thế giới nội tâm
mà còn giúp nhà văn dựng lại lịch sử một kiếp người, đặt ra những giả thuyết về số phận của người nông dân.
Qua những thủ pháp miêu tả nêu trên, nhà văn giúp ta thấy được những mâu thuẫn, giằng xé trong nội tâm nhân vật, những biểu hiện phức tạp của tính cách, những khó khăn mà mỗi cá nhân gặp phải trong con đường tự hoàn thiện mình… Cũng nhờ đó mà giúp khám phá, làm lộ ra những vẻ đẹp lấp lánh của cái hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người.