Trước 1975, trong bối cảnh đất nước đang diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại, c ảm hứng sử thi anh hùng là cảm hứng chủ đạo chi phối cách nắm bắt và thể hiện vấn đề của

Một phần của tài liệu Những chuyển biến về tư tưởng và bút pháp trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu 1975 (Trang 29 - 33)

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MINH CHÂU (sau 1975)

2.1.2. Trước 1975, trong bối cảnh đất nước đang diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại, c ảm hứng sử thi anh hùng là cảm hứng chủ đạo chi phối cách nắm bắt và thể hiện vấn đề của

Nguyễn Minh Châu. Con người trong truyện ngắn giai đoạn này được soi chiếu và nhận diện chủ yếu trên những bình diện xã hội, trong mối quan hệ với giai cấp, với cộng đồng, với dân tộc, được đặt vào trong những hoàn cảnh điển hình, là những hoàn cảnh của các biến cố lịch sử, những xung đột xã hội mà trung tâm là cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc chống đế quốc Mĩ xâm lược. Nhân vật mang trong mình những phẩm chất cao đẹp, ý chí và sức mạnh phi thường, kết tinh những vẻ đẹp tinh thần và lí tưởng cao cả của một dân tộc anh hùng.

Quan niệm về con người sử thi chi phối cách cảm nhận về con người trong mối quan hệ với hiện thực đời sống. Cũng giống như trong nhiều tác phẩm của các nhà văn khác, con người trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu trước 1975 được cảm nhận không bao giờ tách rời với các sự kiện chính trị, các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước. Ta bắt gặp hình ảnh những sĩ quan, những người lính ngày đêm ra sức tập luyện để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu sắp tới trong Sau một buổi

tập, Con đường đến trường học, Trên vùng đất sỏi, hình ảnh những người lính dũng cảm đang đối mặt với kẻ thù trong cuộc chiến bảo vệ mảnh đất quê hương trong Những vùng trời khác nhau, Câu

chuyện trên trận địa, hình ảnh đôi trai gái gan dạ bình tĩnh trên cung đường Trường Sơn bị đánh phá ác liệt trong Mảnh trăng cuối rừng, hình ảnh bà mẹ nén đau thương động viên giúp đỡ bộ đội chiến đấu trong Người mẹ xóm nhà thờ… Ở những truyện không trực tiếp đề cập đến cuộc chiến tranh chống Mĩ thì câu chuyện trong tác phẩm cũng không nằm ngoài những vấn đề chung của đất nước trước đó. Trong Những hạt thóc lép, câu chuyện về gia đình bác Chắm cũng là câu chuyện chung của nhiều người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu, không chịu nằm chờ chết đói, họ đã nổi dậy đấu tranh để tìm đường sống. Truyện đã tái hiện được không khí quyết liệt của cuộc đấu tranh chống địa chủ tay sai cho giặc, sự tất yếu của con đường cách mạng mà người dân làng Truồi

lựa chọn vào thời điểm năm 1945 lịch sử. Các truyện Nguồn suối, Đôi đũa trúc thì đề cập đến vần đề xây dựng chính quyền mới tại những bản làng miền núi. Bên cạnh nhiệm vụ chống giặc cứu nước, công tác xây dựng chính quyền, hiện thực hóa các chính sách của Đảng và nhà nước, thu phục lòng dân cũng là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng.

Chất sử thi bao trùm lên cả các quan hệ đời tư, thế sự. Những tình cảm riêng tư của nhân vật trong Nguồn suối, Nhành mai, Mảnh trăng cuối rừng…không hề tách rời bối cảnh của nhiệm vụ chính trị mà nhân vật phải thực hiện. Những câu chuyện về nỗi mất mát chia li trong Người mẹ xóm

nhà thờ, Kí sự hai bờ đất… cũng không hề xa lạ với hoàn cảnh của biết bao gia đình “nửa trong

Nam, nửa ngoài Bắc”.

Trong các truyện vừa nêu, cuộc đời của nhân vật gắn liền với các nhiệm vụ cách mạng mà cộng đồng, dân tộc đang gánh vác, đồng thời vận động theo chiều hướng của khát vọng, ý chí mà cộng đồng mong đợi. Con người chỉ tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình trong sự nghiệp chung. Những người thanh niên như Nguyệt, Lãm (Mảnh trăng cuối rừng), Sơn, Lê (Những vùng trời khác nhau) hăm hở lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lấy việc phục vụ cho đất nước làm lẽ sống của đời mình. Vẻ đẹp tâm hồn của họ được khám phá qua quá trình trưởng thành cùng với chiều dài cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Sự đổi đời của các nhân vật như Ngàn trong Đất rừng

chỉ có thể xảy ra trong bối cảnh của cuộc sống mới, trong môi trường đầy tình thương yêu của anh em đồng đội ở một đội khai hoang nơi công trường Tây Bắc. Những người dân của bản Pa-khen (Nguồn suối) hay của một bản Mèo vùng cao (Đôi đũa trúc) có được tự do, được làm chủ cuộc đời mình nhờ giác ngộ đi theo Bác, theo cách mạng. Truyện cho thấy người dân ở đây có thể đến với cách mạng một cách dễ dàng và tự giác hoặc hết sức khó khăn nhưng kết quả cuối cùng vẫn là khẳng định thắng lợi tất yếu của con đường cách mạng.

Gắn với cộng đồng, dân tộc, con người trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu giai đoạn trước 1975 là những con người đại diện, những con người nhiệm vụ. Họ phát ngôn hoặc hành động trước hết không phải cho bản thân mình mà là cho một quan điểm, một lối sống, lối suy nghĩ hoặc ý chí khát vọng của nhiều người. Họ hoặc là đại diện phát ngôn cho lí tưởng cộng đồng hoặc là hòa tan mình vào đám đông để tạo nên một sức mạnh tập thể, nói lên tiếng nói của tập thể. Ở một số truyện viết về người lính, ta hay thấy xuất hiện nhân vật người cán bộ chính trị, thường là lãnh đạo và lớn tuổi như chỉ huy Trần Việt (Trên vùng đất sỏi), chính ủy Quang (Vừng sáng ở chân trời) đóng vai trò là người điều chỉnh, uốn nắn những thiếu sót, kh uyết điểm của người khác đồng thời cũng người phát ngôn cho những quan điểm của cấp trên. Nhìn chung, nhân vật bao giờ cũng được thể hiện thông qua các nhiệm vụ, bộc lộ tính cách của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ hoặc ý thức về nhiệm vụ mà mình nhận lãnh.

Đọc truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu giai đoạn này, không thể nào không nhắc đến hình ảnh của một cô Nguyệt trẻ trung xinh đẹp trong Mảnh trăng cuối rừng. Cô gái được giới thiệu là “một cô học sinh miền xuôi mới rời ghế nhà trường đi kiến thiết miền Tây”, “đang làm ở ngầm, một nơi rất ác liệt”. Sẵn sàng lấy thân mình che đạn cho Lãm vì theo suy nghĩ của cô, đơn giản chỉ là: “Anh bị thương thì xe cũng mất, anh cứ nấp đó!”. Nhân vật Bính trong Đôi đũa trúc là một cán bộ miền xuôi lên công tác tại một bản Mèo vùng cao, có nhiều lúc anh nhớ gia đình da diết nhưng đã cố dằn lòng để làm tốt công việc của mình. Ở một loạt truyện ngắn đầu tay như Sau một buổi tập, Con đường đến trường học, Buổi tập cuối năm…, nhân vật trong truyện hoặc là một sĩ quan đang làm công tác huấn luyện hoặc là một tân binh. Họ được miêu tả như là những con người tận tụy với công việc, luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, nhất là những khó khăn nảy sinh trong quan hệ, trong tư tưởng tình cảm để hoàn thành nhiệm vụ. Trong truyện Nhành mai, tình yêu giữa Thận và Lương nảy nở trong quá trình công tác cách mạng, được bồi đắp cho dày dặn thêm qua những gian khổ mất mát. Lúc chia tay nhau sau một trận chống càn, cô gái hẹn người yêu: “Anh chóng lành để

trở về giết thật nhiều giặc nhé – Anh đừng quên em!”. Tình yêu của họ thật trong sáng nhưng không thể vượt quá giới hạn của công việc, những cảm xúc riêng tư phải được nén lại để nhường chỗ cho những nghĩa vụ cao cả và quan trọng hơn.

Mang trong mình những phẩm chất ưu tú, con người sử thi trong truyện ngắn giai đoạn này được xây dựng như những người anh hùng của cộng đồng, dân tộc. Nhưng khác với những anh hùng trong sử thi truyền thống, con người ở đây còn có thêm những nét đời thường, là những phiên bản khác nhau về hình tượng con người bình thường mà anh hùng trong kháng chiến chống Mĩ. Xuất hiện ở những môi trường và hoàn cảnh đa dạng, người anh hùng không chỉ được miêu tả trong những giây phút có ý nghĩa trọng đại mang tầm vóc lịch sử mà cả trong những khung cảnh bình dị của đời thường. Chuyện đại đội kể về những người lính luôn chấp hành kỉ luật, hết sức có trách nhiệm trong công tác nhưng cũng thật bình dị trong sinh hoạt hàng ngày. Xung quanh chuyện một chú nghé con ra đời, ta phát hiện ở họ những nét đẹp của người nông dân chân chất, yê u thương đồng đội, yêu quý loài vật như con người. Đáng yêu nhất là hình ảnh anh chàng lính trẻ tên Chi, vì sợ trả phép muộn nên vừa đi vừa chạy đến nỗi làm cho nải chuối biếu thủ trưởng rơi rụng hết ở dọc đường. Trong một số truyện khác, nhân vật cũng có những lo toan cho bản thân, cho gia đình, cũng có những giây phút chạnh lòng hay xao xuyến trong sâu thẳm tâm hồn. Ông lão Kết (Ký sự hai bờ đất) sống ở bờ bắc sông Hiền Lương với hai con trai, nửa gia đình còn lại gồm vợ và con gái bị kẹt ở bờ nam. “Mười lăm năm lão tưởng đã quên được cái cuộc sống gia đình hàng ngày có người đàn

bà, hóa ra chẳng thể nào quên! Chao, một người đàn bà. Đôi khi ông lão đã nghĩ một mình, có thể

rồi đến khi lão chết mà vẫn không được gặp người vợ già nua và thân yêu của lão” [56, tr.472]. Tuy nhiên, những cảm xúc cá nhân như vậy, nếu có thì chỉ là những phần rất nhỏ được nhìn nhận thoáng

qua như những chi tiết có tác dụng điểm xuyết làm nổi bật hơn nữa những phẩm chất đẹp đẽ của con người anh hùng. Chịu sự chi phối bởi cảm hứng sử thi và bút pháp trữ tình lãng mạn, những suy tư ngẫm ngợi của nhân vật chủ yếu hướng về những vấn đề lớn lao của cộng đồng, dân tộc và thường mang màu sắc mơ mộng nhiều hơn. Nhân vật suy tư ngẫm ngợi chủ yếu là về người khác chứ không phải về mình. Vẻ đẹp tâm hồn của con người vì vậy được phát hiện chủ yếu qua cái nhìn từ bên ngoài, chưa có sự tự khám phá, tự bộc lộ.

Xuất phát từ cảm quan nghệ thuật thiên về khám phá và ca ngợi những nét đẹp trong tâm hồn con người, Nguyễn Minh Châu ít đi sâu miêu tả những nét tâm lí có tính tiêu cực. Những hạn chế trong mỗi người được đánh giá theo tiêu chuẩn của nhiệm vụ, trách nhiệm đối với cái chung. Những biểu hiện chưa tốt, thực ra chỉ là sự quá đà trong lối nghĩ, lối làm việc nhiệt tình trong công tác. Nhân vật tôi trong Sau một buổi tập luôn khắt khe, cứng nhắc khi hướng dẫn tân binh tập luyện cũng chỉ vì lòng nhiệt tình muốn hoàn thành tốt công tác huấn luyện. Những suy nghĩ hẹp hòi với cái nhìn lạnh lùng thiếu thiện cảm của Lê đối với Sơn khi mới gặp lần đầu (Những vùng trời khác

nhau) cũng xuất phát từ băn khoăn về động cơ nhập ngũ của người mới đến. Thái độ ấy thay đổi ngay sau đó khi Lê nhận ra: “Thằng này đánh nhau được!”. Dạng nhân vật phản diện có những tính cách đối lập với nhân vật chính hầu như không có, chỉ một vài nhân vật như Quốc Hùng trong “Trên

vùng đất sỏi” là bắt đầu có manh nha trong mình những nét tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân. Điều này hoàn toàn khác với giai đoạn sau, khi bóng dáng của Quốc Hùng hiển hiện rõ nét và hết sức sinh động trong các nhân vật Hạng (Hạng), Quang (Cơn giông), Toàn (Mùa trái cóc ở miền Nam).

Bị quy định bởi cái khung sử thi của các sự kiện lịch sử xã hội, những cảnh đời tư, thế sự chỉ là nền cảnh, là sự cụ thể hóa để bộc lộ trọn vẹn con người mang vẻ đẹp lí tưởng của thời đại. Cách thể hiện con người nhìn chung là một chiều, tất cả mọi phương diện trong đời sống con người đều được đưa về một hệ quy chiếu đơn nhất. Hoàn cảnh chiến tranh tạo cho con người nếp nghĩ đơn giản, sống với những ảo tưởng, có phần dễ dãi trong nhận định phán xét. Trong trận tuyến đối đầu giữa “ta” và “địch” có tính chất một mất một còn, trước một vấn đề mới nảy sinh, con người không thể có nhiều lựa chọn, cũng không thể do dự băn khoăn mà buộc phải có sự phân định rạch ròi, thái độ yêu ghét cũng phải hết sức dứt khoát. Chính vì vậy, con người trong văn học giai đoạn 1945 – 1975 phần nào có tính công thức và sơ lược. Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu cũng không là trường hợp ngoại lệ. Trong truyện của ông cũng có nhiều chi tiết còn gượng gạo. Ví như chi tiết một anh tân binh tự ra kỉ luật cho bản thân mình là đúng nửa năm mới về thăm nhà, hoặc chi tiết vợ Kiên cảm thấy không bằng lòng khi người khác tỏ ra thông cảm, chia sẻ với việc chồng chị phải nhận nhiệm vụ xa nhà trong “Vừng sáng ở chân trời”.

Một phần do sự chi phối bởi đường lối văn nghệ của Đảng và yêu cầu của hoàn cảnh chung, một phần có thể cũng do những hạn chế ở chính ngòi bút tác giả, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu ở

giai đoạn này chưa có được nhiều những hình tượng con người đa diện mạo, được khám phá trọn vẹn ở chiều sâu của mọi mối quan hệ đời sống như truyện ngắn giai đoạn sau 1975. Tuy nhiên cần phải ghi nhận những nỗ lực không nhỏ của tác giả trong việc tìm tòi, phát hiện và xây dựng bước đầu hình tượng con người đời thường, tạo nền móng để tư tưởng nhân đạo trong cách nhìn con người của nhà văn đạt đến một tầm mức sâu sắc hơn trong những năm sau này.

Một phần của tài liệu Những chuyển biến về tư tưởng và bút pháp trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu 1975 (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)