Triều đại nhà Trần:

Một phần của tài liệu Thơ thiền thời Trần trong dòng chảy văn hóa Việt Nam (Trang 31 - 34)

Là triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam kéo dài 175 năm, bắt đầu khi vua Thái Tông lên ngôi năm 1225 sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Lý. Thời gian đầu, dưới sự

lãnh đạo của vua tôi nhà Trần, Đại Việt phát triển thịnh vượng và đầy khí sắc nhưng từ giữa

đời Trần trở đi tình hình chính sự ngày càng sa sút, vua chỉ lo ăn chơi, quan lại lộng quyền; và triều đại chấm dứt khi vua Thiếu Đế, mới có 5 tuổi, bị ép thoái vị vào năm 1400 để

nhường ngôi cho ông ngoại là Hồ Quý Ly tức Lê Quý Ly – tổng cộng là 175 năm.

Đại Việt ở vào thời Trần là một quốc gia phong kiến độc lập tự chủ và thống nhất. Đấu tranh chống kẻ thù xâm lược; đấu tranh chống mọi sự chia rẽ nội bộ nhằm sớm đạt được một sự thống nhất, đoàn kết các lực lượng dân tộc để tạo nên một sức mạnh hùng hậu là yêu cầu bức xúc của thời đại. Chính vì thế mà mới có một Hội nghị Bình Than (1282), Hội nghị Diên Hồng (1285) với tiếng hô đồng thanh vang dội non sông “quyết đánh”, để làm nên những chiến công lừng lẫy với ba lần quét sạch quân xâm lược Nguyên Mông.

Đây còn là thời đại phục hưng dân tộc và phát triển đất nước. Trong vòng ba mươi năm (1258 – 1288) đất nước liên tục ba lần bị ngoại xâm. Kinh thành Thăng Long ba lần bị giặc chiếm đóng và tàn phá. Chiến tranh vừa kết thúc hòa bình vừa lập lại, triều đình đã động viên nhân dân phục hồi kinh tế, phát triển văn hóa một cách toàn diện trên cơ sở tinh thần độc lập mạnh mẽ và một ý thức tự hào dân tộc sâu sắc. Chữ Nôm thời này đã được sử dụng để sáng tác – một biểu hiện của ý thức độc lập dân tộc. Kho tàng thần thoại và truyện cổ dân gian cũng đã được sưu tầm, tập hợp thành sách. Việc học hành thi cử, so với thời Lí, giờ đây đã đi vào quy củ và được chính quy hóa. Nhà nước đã mở các khoa thi theo định kì và đặt ra các học vị chính thức trong thi cử.

Nhà Trần bắt đầu xây dựng và củng cố chính quyền. So với thời Lí thì xã hội lúc này phát triển hơn. Chính quyền vững vàng, năng động đã tạo ra sự thống nhất và ổn định cho

đất nước trong một thời gian khá dài. Chế độ thái thượng hoàng góp phần hạn chế sự độc

đoán của vua đương quyền. Bộ máy hành chính theo xu hướng tập trung quyền lực vào tay triều đình. Tình trạng cát cứ ngày càng bị thu hẹp. Đại Việt thực sự trở thành một quốc gia vững mạnh, giành được thế chủđộng trên mặt trận ngoại giao đối với các nước lân bang, đặc biệt là Trung Hoa.

Về kinh tế, Dưới thời Trần đã xuất hiện những sở hữu đất đai rất lớn, đó là những điền trang của quý tộc và quan lại. Nhà Trần khuyến khích việc khẩn hoang, đặt ra chức Đồn điền chánh sứ và phó sứđể phụ trách việc khẩn hoang. Vua Trần Thánh Tông chủ trương cho các vương hầu, công chúa, phò mã chiêu tập dân nghèo đi khai khẩn các vùng đất ven biển. Nhờ

vậy mà những điền trang hoặc thái ấp rộng lớn đã xuất hiện. Như thái ấp của Trần Hưng Đạo

ở Nam Định hoặc điền trang của nhà sư Pháp Loa, đệ nhị tổ phái thiền Trúc Lâm. Nhà sư

này có đến khoảng 15.000 đệ tử, 1000 tá điền và gần 2000 mẫu ruộng.

Công việc đê điều cũng được các vua đầu đời Trần chăm sóc, các chức Hà đê phó chánh sứđược đặt ra dưới triều vua Trần Thái Tông đã đưa công việc bảo vệđê điều vào quy củ. Năm 1244, đê Đĩnh Nhĩ (đê Quai Vạc) được đắp dọc theo hai bên bờ sông Hồng, ngăn

được nước lũ cho các đồn điền ven sông. Nhà Trần còn ra lệnh bồi thường cho nông dân nếu

đê đắp lấn vào ruộng của dân. Hàng năm, vào tháng giêng quan Hà đê phải đốc thúc việc bồi

đắp các đê đập cho đến mùa hè thì phải xong. Vào mùa mưa lở, quan phải thân hành đi kiểm tra tình hình đê điều và khi hữu sự thì bất phân giàu nghèo, già trẻ ai ai đều phải tham gia việc bảo vệđê.

Công thương nghiệp đã có những bước phát triển mới. Kinh đô Thăng Long có vùng phụ cận, có chợ, có phố xá và các phường thủ công. Buôn bán được mở rộng trao đổi với nước ngoài. Hải cảng cho tàu buôn nước ngoài đến là Vân Đồn, các tàu buôn từ Trung Quốc và các nước Đông Nam á tấp nập ra vào thương cảng này.

Trong cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông, nền kinh tế nước nhà bị chựng lại. Kinh thành Thăng Long bị quân thù chiếm đóng ba lần. Nhiều công trình kiến trúc bị thiêu hủy, nhiều làng xóm bị phá hoại. Sau chiến tranh, nền kinh tế được phục hồi nhanh chóng. Kinh thành được xây dựng lại, chùa chiền mọc lên..

Văn hóa thời Trần khởi sắc ở nhiều mặt và đã lưu lại nhiều nét riêng của thời đại. Sự ảnh hưởng của Phật giáo đến tư tưởng đời sống con người thời này rất mạnh mẽ. Đạo Phật với một hệ thống chùa chiền, sư sãi rộng lớn khắp cả nước đã góp phần không nhỏ trong việc củng cố ý thức đoàn kết dân tộc. Thế lực, vị trí của các nhà sư trong xã hội này rất lớn. Các nhà tu hành theo phái Thiền tông không những có những hiểu biết về Phật, mà các kiến thức khác cũng rất uyên bác. Đối với nhân dân, thiền sư vừa là thầy dạy học, thầy thuốc, vừa là những người coi sóc vềđời sống tinh thần.

Vua Trần Thái Tông là một nhà nghiên cứu uyên thâm về Phật học, khi làm Thái Thượng hoàng, đã chú tâm nghiên cứu lý thuyết nhà Phật và theo một số học giả ông là tác giả của tác phẩm cảo luận Thiền học "Khóa hư lục". Tác phẩm "Khóa hư lục" vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay và đã được dịch nhiều lần ra chữ Quốc ngữ. Trong tác phẩm này nêu lên thuyết tu hành là để diệt khổ chứ không phải vất bỏ cuộc đời đểđi tu.

Người sáng lập ra phái Trúc Lâm Yên Tử, phái thiền của Việt Nam, là vị vua thứ ba của nhà Trần tức là Trần Nhân Tông. Là người đã oanh liệt thống lĩnh toàn quân và dân đánh thắng hai lần xâm lược của nhà Nguyên, đã áp dụng những chính sách "nới sức dân" khi còn tại vị, đến khi nhường ngai vàng cho con trai, người đã đi chu du khắp nơi rồi lên ở tu hẳn trên núi Yên Tử, lấy pháp danh là Trúc Lâm đại đầu đà. Trần Nhân Tông viết rất nhiều tác phẩm Phật học nhưng phần nhiều đã thất truyền. Với lý thuyết đề cao thái độ hướng tâm, đi tìm sự giác ngộ bằng cái tâm tĩnh lặng của chính mình – "Phật tại tâm" – chứ không cần gò bó khư khư theo khuôn phép giáo điều nào, nhà vua đã để lại một ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển đạo Phật và thời Trần.

Tổ thứ hai của phái thiền Trúc Lâm là Thiền sư Pháp Loa. Nhân vật này có một uy quyền đặc biệt, có cả hàng ngàn đệ tử, sở hữu gần hai ngàn mẫu ruộng và đã cho đúc ba ngàn bức tượng Phật. Đó là một hiện tượng không bình thường mà chỉ có thể giải thích được bằng sự cực thịnh của Phật giáo.

Có thể nói, dưới ảnh hưởng của các vị vua phật tử và các nhà thiền sư thời ấy, Phật giáo

đã đạt đến mức phát triển huy hoàng của một tôn giáo, nếu không muốn nói rằng Phật giáo

đã trở thành như quốc giáo vậy.

Nhưng đến cuối đời Trần, Phật giáo bị lạm dụng và bị pha tạp nhiều yếu tố mê tín, dị đoan. Đồng thời, số tăng sĩ thất học tăng lên, nhiều tệ nạn xảy ra. Các vua Trần Hiển Tông

và Trần Thuận Tông phải mở các kỳ thi sát hạch kiến thức Phật học cho họ, để bắt các tăng sĩ thất học, giả danh, phải hoàn tục. Như thế, vào cuối đời Trần, Phật giáo không những tự

bản thân bị suy yếu đi mà còn bị Nho giáo tấn công để chiếm địa vị ưu thế trong xã hội.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của bộ máy Nhà nước, nhà Trần mở rộng nền giáo dục và thi cử Nho học. Tầng lớp nho sĩ xuất hiện trong xã hội ngày càng nhiều.

Bên cạnh sự phong phú của đời sống tư tưởng, văn học nghệ thuật, giáo dục thi cử, sử

học, y học, thiên văn học, quân sự, thời Trần cũng rất phát triển. Nhìn chung, văn hóa thời Trần có một bước phát triển đáng kể so với thời Lí.

Một phần của tài liệu Thơ thiền thời Trần trong dòng chảy văn hóa Việt Nam (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)