Những trang tùy bút của Đỗ Chu hầu hết là những câu chuyện kể về đất, về người, chuyện xưa, chuyện nay, chuyện nhân tình thế thái. Thông qua những câu chuyện kể ấy mà bộc lộ những cảm xúc, suy tư, trăn trở của mình. Chính sự xuất hiện của yếu tố truyện này là điểm nhấn để mạch cảm xúc của Đỗ Chu không trôi miên man. Những câu chuyện kể được đặt để đúng chỗ khiến các trang tùy bút thêm phần sinh động, lôi cuốn, làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Có được điều này là do nghệ thuật kể chuyện rất có duyên của Đỗ Chu.
Đỗ Chu rất có tài kể cho thật tự nhiên, linh hoạt, khéo léo cài cắm những chi tiết “đắt” để
làm không khí cho truyện kể của mình. Ông kể rất thật, rất chi tiết về cuộc đời, những tấm gương anh dũng trong chiến đấu và hăng say trong lao động sản xuất, những hy sinh mất mát, những hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt là các câu chuyện kể hài hước, hóm hỉnh về nghề văn, giới văn nghệ sĩ luôn mang đến những sự thú vị, bất ngờ cho độc giả. Trong tác phẩm Trời Điện Biên mây trắng, nhân tường thuật chuyến đi của các văn nghệ sĩ ra thăm lại Điện Biên, Đỗ Chu chen vào kể chuyện mình bị “nhầm lẫn với các vị nổi tiếng”. Người ta nhầm Đỗ Chu với Chu Văn – nhà văn viết Bão Biển. Còn một cô giáo ở Điện Biên nhằm Đỗ Chu với Chu Lai. Vì sự
nhầm lẫn mà ông được đón tiếp nồng hậu. Sau mẩu chuyện khôi hài là triết lý vừa hóm hỉnh nhưng cũng vừa thấm thía của Đỗ Chu : “Tôi thấy tủi thân quá, mới nghỉ, không khéo lần này về cũng phải chịu khó quay ra học lấy vài nốt nhạc thử sức xem sao. Nhưng lại nghĩ, ở đời, không phải thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào.” [21, tr.93] Hay trong tùy bút Quê ngoại, nhân chuyến đi của Đỗ Chu về phủ Thuận Thành cùng Nguyễn Khải, đang thao thao bất tuyệt về Mả Thằng Ăn Mày, một địa danh ở phủ Từ Sơn, Đỗ Chu tạt ngang kể chuyện nhà văn Nguyên Hồng. Một lần cụ Nguyên Hồng ghé qua Mả Thằng Ăn Mày, hỏi Đỗ Chu, đống mả này giống cái gì trên đời. Đỗ Chu chưa kịp trả lời thì cụ Nguyên Hồng đã tủm tỉm cười và trả lời
“nó giống đời thằng nhà văn chúng ta đấy.” [21, tr.94] Thông qua những câu chuyện về các các văn nghệ sĩ trên, bao giờ cũng thể hiện một thái độ, một cách cảm, cách nghĩ và một triết lý nào đó của Đỗ Chu về nhân sinh hay về trách nhiệm của nhà văn, sứ mệnh của văn học nghệ
thuật….
Những chuyện xưa tích cũ cũng được Đỗ Chu viện dẫn vào các tác phẩm của mình tạo ra một không khí cổ xưa và huyền thoại. Nó góp phần chuyển tải những triết lý của nhà văn với cuộc sống. Trong tùy bút Hoa bờ giậu, Đỗ Chu kể chuyện cụ Nguyễn Công Hoan đến trao
gươm báu cho nhà bảo tàng lịch sử. Nhưng chính thái độ hạch sách tra khảo, kê khai lý lịch, giấy tờ khiến cụ ngán ngẩm, ôm gươm quay trở về. Cụ tặng lại vật báu cho cụ Nguyễn Tuân vì cho rằng “vật quý phải tầm quý nhân”. Nhân câu chuyện này, Đỗ Chu nhắc lại tích “vua Sở đánh rơi cung, người Sở nhặt được cung” để đề cao giá trị của người biết trân trọng, gìn giữ
những giá trị lịch sử. [21, tr.12]
Để ca ngợi một cá tính thơ độc đáo và bản lĩnh như Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu đã ví con người ấy như “cây sáo sô lô” trong dàn hợp xướng thơ ca. Con người dám tiên phong trong việc đổi mới nghệ thuật, bước kịp bước tiến của thời đại. Vì thế trong đám đông, Phạm Tiến Duật không nhạt nhòa lẫn lộn. Nhân nói chuyện đám đông và cá tính thơ Phạm Tiến Duật, Đỗ
Chu viện dẫn chuyện xưa rất khéo và rất ý nghĩa : “Xưa có ông vua rất thích nghe cả dàn sáo cùng thổi, như thế mới thật vang lừng….”. [21, tr.67] Ngoài cổng thành người ôm sáo tìm tới vẫn ngày một nhiều để được gọi vào chơi trong dàn nhạc vĩ đại kia. Đến khi vua cha băng hà, người con lên kế vị. Anh ta lệnh từ nay chỉ nghe từng người thổi sáo, không nghe cả dàn hợp xướng nữa. Lệnh vừa ban xuống đã thấy đám nhạc công lủi đi hết chỉ còn lại mươi bóng. Đỗ
Chu chỉ bình một câu ngắn gọn nhưng hàm súc : “Lâu nay họ thường nghĩ muốn thổi sáo chỉ
việc mấp máy mồm là quá đủ.” [21, tr.68] Chính những tuồng xưa tích cũ được đặt đểđúng chỗ
tạo thêm phong vị cho những trang tùy bút Đỗ Chu.
Ngôn ngữ kể và tả cũng làm cho tùy bút Đỗ Chu giàu chất truyện. Câu chuyện tình của Trường và Châm trong tùy bút “Bên kia sông Hồng” được kể rất lôi cuốn và bất ngờ. Đoạn Châm tình cờ gặp Trường ở ga Gôi sau bao năm anh vào chiến trường, bặt tin tức. Như có một linh tính mách bảo “…không hiểu sao cô thấy lòng dạ bồn chồn quá…Nghe thấy có người gọi tên mình rồi, ngẩng lên nhìn thấy đúng là anh Trường đang đứng ngay trước mặt, vậy mà cứ
ngớ ra không tin ngay đó là thật”. [14, tr.68]
Nhân vật Thục Trinh trong tùy bút “Kìa đàn hồng hạc” hiện lên rõ nét qua ngôn ngữ miêu tả:
“Trong số đó có một cô gái chưa đầy hai chục tuổi, nom hiền khô, duyên dáng lạ lùng. Con gái từ rừng ra mà nước da đỏ hồng, dáng dấp lại đoan trang con nhà gia giáo, một cô gái nội thành tiếng Sài Gòn êm nhẹ…” [19, tr.9]
Sự tự nhiên và đời thường trong cách kể cũng khiến các trang tùy bút của ông gần gũi với cuộc sống. Đỗ Chu kể về nhà văn Mai Ngữ với một giọng điệu như trêu cợt nhưng thật sự là rất yêu thương:
“Trông bộ dạng còm rom thế mà gớm, ăn mặc thì xềnh xoàng như thằng ăn mày, lúc nào cũng bước thấp bước cao như đứa không nhà cửa, nhưng hỏi ra mới rõ nhà nó là tòa ngang dãy dọc…” [19, tr.140]
Có thể thấy sự đan xen rất rõ chất truyện trong các trang tùy bút rất giàu chất thơ của Đỗ
Chu. Thông qua nghệ thuật kể chuyện, các trang tùy bút của nhà văn như gần với bạn động hơn bởi cách kể chuyện rất có duyên mà vẫn giữ được sự tự nhiên, không trau chuốt cầu kỳ. Ngoài nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng khiến các trang tùy bút của Đỗ Chu thấm đẫm chất truyện kể.
3.2.1.2Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Nhân vật trong tùy bút Đỗ Chu được khắc họa rõ nét qua sự cá thể hóa ngôn ngữ một cách sinh động. Trong tùy bút Vòm trời quen thuộc, khi trận B52 của Mỹ trút xuống thủ đô Hà Nội, hai chị em bé Hà đã bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Đỗ Chu đã thể hiện sự hoang mang sợ
hãi của hai chị em qua đoạn đối thoại sau:
“Thằng Cường nằm sấp trên nền gạch, quờ hai tay về phía trước tìm chị nhưng em chỉ
thấy những tảng gạch và những thanh sắt lạnh lẽo. Em không khóc nữa – chả khóc, không có chị Hà ởđây khóc thì ai dỗ. Em lấy sức gọi to hơn nữa:
-Chị Hà ơi, tối mất rồi!
Một tiếng đáp lại yếu ớt từ trong bóng tối:
-Chịđau lắm, khát nước lắm, em gọi mẹ bới cầu thang đi.
Thằng Cường gọi mẹ đến khản cả cổ. Nó cũng thấy khát nước ghê gớm. Tiếng cuốc bới hầm ở trên mỗi lúc nghe một rõ hơn. Một tia sáng rọi xuống. Thế là sắp bò ra được rồi.
-Cho cháu nước, các bác ơi!
Một chai nước được đưa lách qua các tảng bê-tông lớn, thằng Cường với lấy. Nó nhấp thử ngay một ngụm, à phải rồi, chai nước ở trên cái xe bò ban nãy.
-Chị Hà ơi, có nước đây, chị uống đi, chịđừng chết nữa nhé!
Mọi bận Hà vẫn thường giả vờ ngủ quên để dọa đứa em khi thấy nó khóc dai. Nhưng lần này không phải Hà vờ nữa, một thanh dầm đã đè lên người em quá lâu.” [14, tr.80]
Trong một số tác phẩm, Đỗ Chu còn sử dụng dòng độc thoại nội tâm để khắc họa nội tâm và tính cách nhân vật. Tác phẩm Ghi chép ở Ban Mê kể câu chuyện xúc động về người chiến sĩ
xích vệ năm xưa nay tìm về với mảnh đất Tây Nguyên đầy ký ức. Nơi ấy ông đã từng chiến
đấu, và sống những năm tháng tù đày cơ cực. Hành trình tìm về vùng đất này là tìm về trả nợ
những người đã cưu mang, cứu sống ông như hai ông cháu người dân tộc Y Bí Alêô. Đỗ Chu ghi lại những xúc cảm dạt dào của ông Đắc khi tìm về chốn xưa qua dòng độc thoại nội tâm. Cảnh đổi thay, người xưa xa vắng. Người xích vệ ngẩn ngơ nhớ đến đồng đội cũ . Nghe bài Độc huyền cầm của một anh bạn nhạc sĩ, ông Đắc cảm thấy xót xa, thương cho sự cô đơn, lẻ loi của mình: “Độc huyền cầm buồn lắm mấy ai tri ân, độc huyền cầm lẻ loi bay ngang cánh chim hồng, bất phong kỳ tả tơi, Lĩnh Nam cầm lả lơi, khách anh hùng còn ai tri âm, độc huyền cầm, gió mây ngàn bể đông cũng thu về một bóng, tráng sĩ ngồi lặng câm tri âm độc huyền cầm”.[19, tr.25] Đôi khi ông Đắc tự hỏi tại sao mình lại thương nhớ mảnh đất Tây nguyên này? Phải chăng phần đời trai trẻ của ông đã nằm lại nơi đây, cả đứa con trai của ông cũng chết trên mảnh đất này mà chưa tìm thấy xác. Chính mảnh đất thiêng liêng này đã nợ ông một món nợ
lớn. Đôi lúc buồn cho thân phận, ông tự buông xuôi : “Thôi thì mặc kệ đời, nước trôi thuyền trôi, ta đâu phải người đội đá vá trời. Hãy cứ cố mà sống thêm lấy dăm mười năm thử xem đời sẽ đi về đâu.” [19, tr.25] Nhưng ông đã mang lòng thương nhớ vùng đất Tây Nguyên này:
“Con người ta rất có thể sinh một nơi, chết một nơi và suốt đời lại mang lòng thương nhớ một nơi khác.” [19, tr.25] Và ông đành phải tự tìm thấy niềm vui bằng việc nâng niu những ký ức :
“Như là số phận vậy, hạnh phúc mà ta tìm thấy ở nơi này có lẽ không gì khác hơn là ta đã biết yêu thương nó.” [19, tr. 44]
Nét thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Đỗ Chu còn thể hiện ở chỗ ông
đã vẽ lên chân dung của các văn nghệ sĩ một cách sinh động. Tập tùy bút Thăm thẳm bóng người và Tản mạn trước đèn phác họa chân dung của rất nhiều nghệ sĩ, tri thức nổi tiếng vốn
được giới cầm bút hoặc giới chuyên môn nể trọng. Tuy vẽ chân dung không phải là cái đích hướng tới của Đỗ Chu nhưng ẩn bên trong các nét vẽ thần thái đó, tác giả muốn gửi gắm những trăn trở về hoạt động sáng tạo hay nhận thức nghệ thuật. Mỗi nhân vật là một thần thái riêng, một cá tính, phong cách riêng. Thông qua các câu chuyện làng văn mà Đỗ Chu kể, chân dung của các văn nghệ sĩ hiện lên sống động. Một Nguyễn Tuân tài hoa, mà tính cách chỉ tóm gọn trong hai từ “dáng kiêu” và “cốt kiêu”; một Nguyễn Khải thông minh và tỉnh táo, dám làm dám
chịu; một Kim Lân quê mùa, mộc mạc và hồn hậu; một Chế Lan Viên uyên bác, duy lý, nhưng
đôi khi cả nghĩ và dễ tủi thân; một Hoàng Cầm lãng mạn và hồn nhiên nhưng bên trong luôn chất chứa nhiều u uẩn và nỗi niềm xa xăm….
Hãy xem tính cách của nhà văn Nguyễn Minh Châu hiện rõ qua vài dòng miêu tả :
“Anh nghển cổ lên như vừa chợt nghe thấy tiếng ai đang thì thầm, rồi anh nhìn thấy người đang ngồi xung quanh, nở một nụ cười buồn bã. Không ai có cái cười vô duyên hơn anh. Rồi bằng một giọng nằng nặng khê khê của người vùng biển Quỳnh Lưu, anh bắt đầu độc thoại.” [19, tr.145]
Mỗi tính cách, mỗi chân dung văn nghệ sĩ là mỗi cuộc đời của họ. Nó mang lại cho người
đọc những thú vị riêng khi tìm đến những trang tùy bút Đỗ Chu. Đỗ Chu đang viết chuyện về
cuộc đời của họ. Điều đó khiến các trang tùy bút của ông thấm đẫm chất truyện nhưng cũng giàu chất thơ.