Hêghen và Bêlinxki đều đã dùng từ “cảm hứng” (tiếng Hy Lạp cổ là pathos, nghĩa là
“một tình cảm sâu sắc, nồng nàn”) để chỉ “trạng thái phấn hưng cao độ của nhà văn do việc chiếm lĩnh được bản chất của cuộc sống mà họ miêu tả”, “là sự thiết tha và nhiệt tình nồng cháy gợi lên bởi một tư tưởng nào đó.”[31, tr.208]
Theo các nhà biên soạn Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, cảm hứng là “trạng thái tâm lý đặc biệt khi sức chú ý được tập trung cao độ, kết hợp với cảm xúc mãnh liệt, tạo
điều kiện để óc tưởng tượng, sáng tạo hoạt động có hiệu quả.” [63, tr.103]
Còn các tác giả của Từ điển thuật ngữ văn học đã nâng khái niệm cảm hứng lên thành
“cảm hứng chủ đạo”. Theo họ, cảm hứng chủ đạo là “trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm.” [30, tr.39]
Bêlinxki coi cảm hứng chủ đạo là điều kiện không thể thiếu của việc tạo ra những tác phẩm đích thực. Ông nhấn mạnh : “Mỗi một tác phẩm nghệ thuật phải là kết quả của cảm hứng chủ đạo, phải thấm đượm nó.”[45, tr.39]
Nhìn chung, cảm hứng chủ đạo là tình cảm nồng nhiệt, say đắm của nhà văn khi thể hiện tư tưởng của mình trong tác phẩm nghệ thuật.Và tư tưởng đó bao giờ cũng bắt nguồn từ lý tưởng xã hội, hoàn cảnh sống nhằm tạo tiền đề để phôi thai những đề tài, nội dung của tác phẩm. Điều này cho thấy cảm hứng chủ đạo là một yếu tố của bản thân nội dung tác phẩm, nó thống nhất và gắn bó với các yếu tố khác thuộc về nội dung tác phẩm như đề tài, chủ đề, nội dung tư tưởng. Trong truyện ngắn của Đỗ Chu, dựa vào các giai đoạn sáng tác có thể thấy nổi bật lên hai cảm hứng chủ đạo : cảm hứng lãng mạn và cảm hứng thế sự.