Hoàn thiện các biện pháp ngăn chặn

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh pot (Trang 78 - 80)

* Về việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp:

Có trường hợp cơ quan điều tra ra lệnh bắt khẩn cấp; VKS đã phê chuẩn nhưng cơ quan điều tra chưa bắt được đối tượng. Trong trường hợp này lệnh bắt khẩn cấp sẽ có hiệu lực đến bao giờ kể từ khi lệnh bắt đã được ký và phê chuẩn. Lệnh này kéo dài được bao lâu? Có thể nên quy định lệnh bắt khẩn cấp có hiệu lực pháp luật kể từ khi bắt được đối tượng bị bắt.

Theo quy định tại Điều 81 BLTTHS năm 2003 thì trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được lệnh bắt khẩn cấp và các tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp của cơ quan điều tra; VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp của cơ quan điều tra. Nếu VKS không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp thì cơ quan điều tra phải trả tự do ngay cho người bị bắt. Trong thời gian chờ phê chuẩn của VKS thì việc quản lý và chế độ của người bị bắt sẽ như thế nào; thời gian đó có được trừ vào thời gian tạm giữ, tạm giam hay không; điều đó cũng cần phải được xem xét, quy định rõ ràng hơn trong điều luật.

* Về tạm giữ:

- Tại khoản 3 Điều 86 BLTTHS năm 2003 quy định cơ quan điều tra gửi quyết định tạm giữ cho VKS cùng cấp, không quy định việc gửi kèm theo các tài liệu liên quan

đến việc tạm giữ. Do đó, VKS kiểm sát tính có căn cứ hay không có căn cứ quyết định tạm giữ của cơ quan điều tra sẽ gặp khó khăn. Do đó cần bổ sung vào khoản 3 Điều 86 nội dung: cơ quan có thẩm quyền tạm giữ, gửi quyết định tạm giữ và những tài liệu có liên quan đến việc tạm giữ cho VKSND cùng cấp để VKS thực hiện chức năng kiểm sát việc tạm giữ.

- Khi VKS phê chuẩn quyết định ra hạn tạm giữ, nhưng chưa hết thời hạn gia hạn tạm giữ, xét thấy không cần thiết phải tạm giữ tiếp; nên cơ quan điều tra thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Trong trường hợp này, trước khi thay đổi biện pháp ngăn chặn phải có sự đồng ý của VKS; vấn đề đặt ra là: Cơ quan điều tra có phải có văn bản đề nghị VKS hay không và VKS phê chuẩn quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn hay quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giữ chuyển sang cấm đi khỏi nơi cư trú. Điều này đặt ra cần phải quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tránh cho việc áp dụng tùy tiện.

* Về tạm giam:

- Thực tế áp dụng quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 88 BLTTHS năm 2003 cho thấy có bốn trường hợp vướng mắc cần phải sửa đổi, cụ thể là:

+ Trường hợp bị can phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và BLHS quy định mức hình phạt dưới hai năm tù thì không được tạm giam. Trong khi những người này có thể bỏ trốn; người ở địa phương khác, có thể gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử.

+ Trường hợp bị can phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng; thời hạn tạm giam ngắn hơn thời hạn điều tra. Khi vụ án chưa được điều tra xong mà thời hạn tạm giam đã hết; nếu không cho bị can tại ngoại thì vi phạm, nếu cho bị can tại ngoại thì gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố và xét xử.

+ Trường hợp bị can là người chưa thành niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi phạm tội; nếu phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do vô ý thì không được tạm giam. Trong thực tế nếu không tạm giam một số các đối tượng này thì sẽ gây khó khăn cho việc điều tra. Nhiều bị can đã bỏ trốn hoặc không xác định địa chỉ, nhất là các bị can sống lang thang, không có chỗ ở ổn định.

+ Trường hợp vụ án hình sự có đồng phạm; có các bị can phạm các tội khác nhau hoặc tính chất phạm tội khác nhau. Nếu thời hạn điều tra tính trong loại tội của bị can đầu vụ nhưng thời hạn điều tra lại tính theo tội mà mỗi bị can đã bị khởi tố. Do đó, có bị can đã hết thời hạn tạm giam nhưng việc điều tra vẫn chưa xong; nếu thả tự do cho bị can đã hết thời hạn tạm giam thì cũng gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố và xét xử.

- Tại khoản 2 Điều 88 BLTTHS năm 2003 quy định, đối với trường hợp bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba sáu tháng tuổi thì không áp dụng biện pháp tạm giam. Thực tế đã có nhiều bị can thuộc dạng này trên địa bàn thành phố Bắc Ninh cơ quan chức năng đã không áp dụng biện pháp tạm giam nên các đối tượng trên vẫn tiếp tục phạm tội (mua bán trái phép chất ma túy), gây bức xúc trong dư luận; gây khó khăn cho quá trình điều tra khám phá các vụ án hình sự.

- Tại khoản 3 Điều 88 BLTTHS năm 2003 quy định, trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị phê chuẩn và các tài liệu liên quan đến việc tạm giam; VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Vấn đề đặt ra là nếu đến ngày thứ ba, VKS ra quyết định không phê chuẩn lệnh tạm giam và khởi tố bị can vì đối tượng không phạm tội; ba ngày đó đối tượng đã bị tạm giam để chờ phê chuẩn thì hậu quả pháp lý sẽ như thế nào.

- Về việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn: Trong trường hợp vụ án đang trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra chưa có văn bản đề nghị hủy bỏ hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn; VKS tự mình ra quyết định hủy bỏ hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn là thực hiện theo đúng quy định tại điều 94 BLTTHS năm 2003 (tức là đối với những biện pháp ngăn chặn do VKS phê chuẩn thì việc hủy bỏ, thay thế do VKS quyết định). Tuy nhiên, việc làm trên của VKSND có thể gây khó khăn cho cơ quan điều tra, vô tình tạo ra quan hệ không tốt giữa hai cơ quan này. Vấn đề nêu trên cần phải có sự hướng dẫn cụ thể giữa liên ngành các cơ quan: Công an - VKS.

Tất cả các vấn đề nêu trên, đã và đang gây khó khăn và lúng túng trong quá trình áp dụng pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng cần phải được hướng dẫn cụ thể trong các điều luật hoặc thông qua các thông tư liên tịch của liên ngành Công an - VKS.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh pot (Trang 78 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)