Trên phương diện lý luận, các biện pháp ngăn chặn hiện còn có nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng "Biện pháp ngăn chặn là một loại biện pháp cưỡng chế do cơ quan điều tra. VKS, Tòa án áp dụng đối với người bị tình nghi phạm tội, đối với bị can, bị cáo và cả bị án. Khi các cơ quan này có căn cứ cho rằng những người này sẽ gây khó khăn trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc sẽ tiếp tục phạm tội mới" [47, tr. 502- 503]. Tuy khái niệm nêu trên chưa thật đầy đủ nhưng đã nêu lên được bản chất của vấn đề.
Thứ nhất, những quy định của pháp luật tố tụng về bắt người.
Bắt người là biện pháp ngăn chặn trong quá trình điều tra, xử lý vụ án hình sự; là biện pháp có tính cưỡng chế, tước bỏ quyền tự do thân thể của người bị bắt và có hạn chế một số quyền lợi khác.
* Bắt bị can để tạm giam.
Đối tượng bị bắt ở đây phải là bị can của vụ án, thông qua công tác khởi tố điều tra, cơ quan điều tra đã xác định được người đã thực hiện hành vi phạm tội, có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm; trước đó cơ quan điều tra, VKS đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Theo Điều 80 BLTTHS năm 2003 quy định điều kiện bắt bị can bị cáo để tạm giam phải là những bị can phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt từ trên 2 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Về thẩm quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam, được quy định tại khoản 1 Điều 80 BLTTHS năm 2003:
- Viện trưởng, phó Viện trưởng VKSND và VKS quân sự các cấp. - Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp.
- Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng xét xử.
- Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp.
Về thủ tục bắt bị can để tạm giam:
Lệnh bắt bị can phải bằng quyết định, trong đó ghi rõ đầy đủ ngày tháng, năm sinh, họ tên, chức vụ, đơn vị của người ra lệnh bắt; họ tên, địa chỉ của người bị bắt. Khi bắt bị can phải tiến hành đọc lệnh công khai, có giải thích về quyền và nghĩa vụ của người bị bắt; khi bắt phải có sự chứng kiến của người đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người. Để đảm bảo tính nghiêm minh, khách quan, pháp luật quy định không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang, hoặc bắt người đang bị truy nã theo quy định của Điều 81 và Điều 82 của BLTTHS năm 2003.
Khi tiến hành lệnh bắt người theo điểm c khoản 1 Điều 80 của BLTTHS năm 2003 đó là thẩm phán giữ chức Chánh tòa, phó Chánh tòa Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng xét xử thì ngay sau đó phải gửi quyết định bắt người cho VKS cùng cấp. Khi tiến hành lệnh bắt người theo điểm d, khoản 1, Điều 80 của BLTTHS năm 2003 đó là thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp thì lệnh bắt phải được VKSND cùng cấp phê chuẩn trước khi lệnh bắt được thi hành.
* Bắt người trong trường hợp khẩn cấp. + Căn cứ để bắt khẩn cấp:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 81 BLTTHS năm 2003, quy định các trường hợp được bắt người trong trường hợp khẩn cấp:
Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
- Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn việc người đó trốn.
- Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị tình nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Như vậy, bắt người trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn mang tính cấp bách, qua xác minh ban đầu đã có thể khẳng định một người chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc khẳng định một người đã thực hiện tội phạm hay bị tình nghi thực hiện tội phạm, mà xét thấy cần ngăn chặn họ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Trường hợp thứ nhất, đòi hỏi cơ quan điều tra phải xác minh nắm được tài liệu, chứng cứ; các tài liệu, chứng cứ đó phải có căn cứ khẳng định người đó chuẩn bị phạm tội. Tức là có thể họ đang chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết để thực hiện hành vi phạm tội.
Trường hợp thứ hai, đây là trường hợp người bị hại, người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm đã chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đó đã thực hiện hành vi tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn người đó bỏ trốn. Việc bắt người trong trường hợp này khác hẳn với bắt người trong trường hợp thứ nhất. Trường hợp thứ nhất người bị bắt đang chuẩn bị thực hiện hành vi tội phạm, tức là tội phạm chưa hoàn thành; trong trường hợp thứ hai các tội phạm đã hoàn thành, người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm hoặc người bị hại chính mắt trông thấy thì có quyền yêu cầu bắt để ngăn chặn việc người phạm tội bỏ trốn.
Trường hợp thứ ba, đó là việc cơ quan điều tra, bằng các hoạt động nghiệp vụ như khám xét chỗ ở, khám người, kiểm tra hành chính … mà phát hiện dấu vết của tội phạm ở người hoặc chỗ ở của người bị tình nghi thực hiện tội phạm và có căn cứ cho rằng họ sẽ bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ thì cơ quan có thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp.
+ Về thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp:
Được quy định tại khoản 2 Điều 81 BLTTHS năm 2003 gồm: - Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp.
- Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập từ cấp trung đoàn và tương đương; chỉ huy đồn biên phòng ở Hải đảo và biên giới.
- Người chỉ huy tầu bay, tầu biển; khi tầu bay, tầu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Trong mọi trường hợp, bắt người trong trường hợp khẩn cấp thì cơ quan bắt người phải báo ngay bằng văn bản, kèm theo các tài liệu có liên quan cho VKS cùng cấp để VKS xem xét, phê chuẩn. VKS phải xem xét, đánh giá chặt chẽ các chứng cứ của việc bắt khẩn cấp theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, VKS phải trực tiếp gặp hỏi người bị bắt, trước khi phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp, VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. Nếu VKS không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp thì người bị bắt phải được trả tự do ngay sau đó.
* Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. + Bắt người phạm tội quả tang:
Là việc bắt người khi đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện, đuổi bắt. Phạm tội quả tang có đặc điểm là hành vi phạm tội cụ thể, rõ ràng, trông thấy thì ai cũng phải biết, không cần phải thông qua xác minh.
Pháp luật TTHS quy định các trường hợp được bắt người phạm tội quả tang: - Người đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện.
- Người phạm tội vừa thực hiện xong thì bị phát hiện.
- Người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện đuổi bắt.
+ Bắt người đang bị truy nã:
Là bắt người đã thực hiện tội phạm, đã bị khởi tố bị can, đang trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và đang bị cơ quan có thẩm quyền ra lệnh truy nã, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, được niêm yết công khai nơi công cộng để mọi người phát hiện, bắt giữ.
+ Pháp luật tố tụng quy định bất kỳ người nào cũng có thể bắt, tước vũ khí, hung khí của người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã và giải ngay người đó đến cơ quan
VKS, ủy ban nhân dân nơi gần nhất để các cơ quan này tiến hành lập biên bản và giải người bị bắt đến cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, những quy định của pháp luật TTHS về biện pháp tạm giữ
Tạm giữ là một biện pháp ngăn chặn trong TTHS, do cơ quan có thẩm quyền áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc đối với bị can bị bắt theo lệnh truy nã; người phạm tội tự thú, đầu thú. Tuy nhiên, thực tế áp dụng pháp luật của các địa phương thì không phải tất cả các đối tượng trên đều có thể bị tạm giữ mà chỉ quyết định tạm giữ khi cần đủ thời gian để cơ quan điều tra có thể thẩm tra, xác minh tính chất, mức độ tội phạm, nơi cư trú, nhân thân người bị bắt … thì mới áp dụng việc tạm giữ.
Về thẩm quyền ra quyết định tạm giữ:
Theo khoản 2 Điều 86 BLTTHS năm 2003 quy định: Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp; người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập từ cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; người chỉ huy tầu bay, tầu biển; khi tầu bay, tầu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng; chỉ huy trưởng các vùng cảnh sát biển có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.
Về thủ tục tạm giữ.
Tại khoản 3 Điều 86 BLTTHS năm 2003 quy định: trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho VKS cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì VKS ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Về thời hạn tạm giữ.
Theo quy định tại Điều 87 BLTTHS năm 2003: Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể ra hạn tạm giữ, nhưng không được quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người đã ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ
hai nhưng không được quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ phải được VKS cùng cấp phê chuẩn thì quyết định gia hạn tạm giữ mới có hiệu lực pháp luật.
Thời gian tạm giữ được trừ vào thời gian tạm giam, một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.
Khi đã hết thời hạn tạm giữ mà cơ quan điều tra xét thấy chưa đủ căn cứ để khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Trường hợp thấy có đủ căn cứ để khởi tố bị can và cần thiết phải tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, quyết định tạm giam và gửi quyết định tới VKS để xem xét phê chuẩn.
Thứ ba, những quy định của pháp luật TTHS về biện pháp tạm giam (được quy
định tại Điều 86 BLTTHS năm 2003).
Tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong TTHS do cơ quan điều tra, VKS, Tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS hiện hành quy định hình phạt tù từ trên hai năm và có căn cứ để cho rằng người đó trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội. Tạm giam là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất, đối tượng bị tạm giam bị tước bỏ một số quyền tự do thân thể và bị hạn chế một số quyền nhân thân khác.
Về thẩm quyền ra lệnh tạm giam (được quy định tại khoản 3 Điều 88 BLTTHS năm 2003) những người sau đây được ra lệnh tạm giam:
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và VKS quân sự các cấp. - Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp.
- Thẩm phán giữ chức vụ Chánh Tòa, Phó Chánh tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng xét xử.
- Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này lệnh tạm giam phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi tiến hành bắt. Trong thời hạn 3 ngày, kể từ khi nhận được lệnh tạm giam, đề nghị tạm giam và các tài liệu, chứng
cứ liên quan đến việc tạm giam, VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Về thời hạn tạm giam (được quy định tại Điều 120 BLTTHS năm 2003):
- Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn thì chậm nhất là mười ngày, kể từ khi hết hạn tạm giam, cơ quan điều tra phải có báo cáo đề nghị VKS gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam và phê chuẩn gia hạn tạm giam được quy định tại khoản a Điều 120 BLTTHS năm 2003.
Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị VKS cùng cấp áp dụng biện pháp ngăn chặn khác hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam để trả tự do cho bị can bị tạm giam.
Thứ tư, ngoài các biện pháp ngăn chặn trên, trong quá trình khởi tố điều tra các vụ án hình sự; tùy vào các vụ án cụ thể, tùy vào các bị can, bị cáo cụ thể mà các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác như: Cấm đi khỏi nơi cư trú, được quy định tại Điều 91 BLTTHS năm 2003; bảo lĩnh, được quy định tại Điều 92 BLTTHS năm 2003; đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp trên là trong trường hợp các vụ án hình sự có các bị can là những đối tượng phạm tội ít nghiêm trọng, có nhân thân, lai lịch rõ ràng. Khi áp dụng các biện pháp này là nhằm đảm bảo cho họ phải có mặt tại các cơ quan tiến hành tố tụng khi được triệu tập.
Thứ năm, các quy định của pháp luật TTHS về hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn (được quy định tại Điều 94 BLTTHS năm 2003).
Trong trường hợp vụ án bị đình chỉ theo quy định tại điều 164, 169, 180 của BLTTHS năm 2003 thì cơ quan điều tra, VKS, Tòa án phải hủy bỏ biện pháp ngăn chặn.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử khi xét thấy không cần thiết tiếp tục duy trì biện pháp ngăn chặn đang áp dụng; cơ quan điều tra,VKS, Tòa án có thể hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đang áp dụng hoặc có thể thay thế bằng một biện pháp ngăn chặn khác ít nghiêm khắc hơn hoặc nghiêm khắc hơn.