Như đã phân tích, hoạt động TTHS đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì ổn định xã hội, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và sinh thái an toàn, lành mạnh, mang tính nhân văn cao. Tuy nhiên, do tính phức tạp của hoạt động chứng minh, do tính tương đối của khái niệm công bằng và công lý, do các vấn đề về đạo đức và trình độ của người tiến hành tố tụng… TTHS cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện những hành vi trái pháp luật và gây ra thiệt hại cho công dân ở mức độ cao. Mặt khác, những mặt trái, những bất cập của TTHS, bản thân chúng vừa là những tiêu cực của xã hội, lại vừa góp phần tạo ra những hậu quả tiêu cực về xã hội - chính trị khác. Đó là sự xói mòn lòng tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp và bộ máy nhà nước, cuộc "khủng hoảng niềm tin" và thái độ sống "chung sống với tiêu cực" của một bộ phận không nhỏ người dân, bệnh quan liêu, xa dân, tha hóa của những người có trách nhiệm bảo vệ pháp luật và xét một cách toàn diện, là những hậu quả tiêu cực không chỉ đối với công dân mà còn đối với bộ máy nhà nước.
Trong những năm vừa qua, phần do nhận thức chủ quan về mức độ oan sai trong TTHS, phần do nhận thức sai lầm về tính chất dân chủ và nhân quyền của vấn đề dễ bị các lực lượng thù địch với Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam lợi dụng, phần do tư tưởng tránh né, ngại trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, những nội dung liên quan đến việc đảm bảo quyền của công dân được BTTH do hành vi trái pháp luật trong TTHS mới chỉ được đề cập ở mức độ tương đối trong những năm gần đây. Chỉ sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa VII về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, vấn đề này mới được đặt ra một cách chính thức và mạnh dạn hơn. Đến thời điểm Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa VII, tình trạng oan sai đã được đề cập đến tương đối nhiều, trở thành vấn đề bức xúc của dư luận, do đó, đảm bảo quyền được BTTH cho người bị oan đã đến lúc không thể trì hoãn được nữa, trở thành một yêu cầu tất yếu, cấp thiết hơn bao giờ hết.
Chính vì vậy, để thực sự ghi nhận và giải quyết những vấn đề mang hơi thở cuộc sống, các nghị quyết của Đảng phải khẳng định lại tính cấp thiết của việc đảm bảo quyền công dân được BTTH. Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới yêu cầu: "Khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật về bồi thường thiệt hại đối với những trường hợp bị oan sai trong hoạt động tố tụng" [12].
Chỉ thị số 53-CT/TW ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị xác định cùng với việc phát hiện và chú trọng giải quyết kịp thời các vụ án có dấu hiệu oan sai, cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để BTTH đối với các trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Chỉ thị cũng yêu cầu tiến hành việc nghiên cứu xây dựng quỹ BTTH về tư pháp… chuẩn bị ngay các văn bản để ban hành làm cơ sở pháp lý chặt chẽ cho việc thực hiện chủ trương này.
Như vậy, để khẩn trương đảm bảo việc BTTH, các văn bản trên đã chỉ ra các nhiệm vụ cần thực hiện khẩn trương, kịp thời, đó là: ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về BTTH đối với những trường hợp bị oan sai trong hoạt động tố tụng, xây dựng cơ chế, chính sách để BTTH, xây dựng quỹ BTTH về tư pháp…
Với việc ban hành BLTTHS 2003 và các hoạt động góp ý của nhân dân, của giới khoa học luật về những nội dung mới, sửa đổi, bổ sung của Bộ luật này, các ý kiến về việc đảm bảo quyền công dân được BTTH do hành vi trái pháp luật trong TTHS mới thực sự xuất hiện nhiều trên diễn đàn. Sản phẩm của những ý kiến mang tính cổ vũ đó là việc các nhà làm luật đã sửa đổi một nguyên tắc của BLTTHS năm 1988 và thêm vào một nguyên tắc mới liên quan đến vấn đề này. Dẫu các ý kiến chỉ đạo chỉ có thể dừng lại ở tầm vĩ mô, bao quát, các quan điểm khoa học chưa trở thành hệ thống, sự ghi nhận của BLTTHS 2003, sự ra đời của Nghị quyết số 388 đã là những sản phẩm pháp luật truyền tải khá thành công các quan điểm, ý kiến nêu trên. Đặc biệt, với sự chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về việc giao Bộ Tư pháp xây dựng Dự án Luật về bồi thường nhà nước, có thể nói, chúng ta đang tiến tới cách nhìn đồng bộ, toàn diện và chiến lược hơn về vấn đề đảm bảo quyền công dân được BTTH do hành vi trái pháp luật trong TTHS.
3.1.2. Nhà nước đóng vai trò chủ động trong việc đảm bảo quyền của công dân được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong tố