Vai trò của tín ngưỡng Thành hoàng trong đời sống tinh thần của nhân dân Bắc Ninh

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay pot (Trang 54 - 61)

dân Bắc Ninh

Tín ngưỡng thờ Thành hoàng, trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữa nước của dân tộc ta nói chung cũng như lịch sử hình thành của Bắc Ninh - Kinh Bắc nói riêng, đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh, tinh thần của nhân. Thành hoàng là sợi dây liên kết, là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết giữa gia đình, làng xóm: “Trong họ ngoài làng, tắt lửa tối đèn có nhau”, “Sống ở làng, sang ở nước”, “Thương người như thể thương thân”, “Tứ hải giao tình, bốn biển một nhà” (dân ca Quan

họ)... trong lao động sản xuất và đánh giặc giữ nước, giữ đất của cha ông ta. Đâu đâu trên đất Bắc Ninh cũng có các làng thờ các vị tướng lĩnh đã có công trong việc dẹp giặc, hay có công âm phù đánh giặc giữ nước, có công bảo vệ nhân dân tránh mọi tai ương trong lao động sản xuất, trong đời sống đảm bảo cho mọi người dân có một cuộc sống an vui, thanh bình. Tục thờ Thành hoàng đã góp phần bảo tồn truyền thống uống nước nhờ nguồn của dân tộc ta nói chung cũng như của người dân Bắc Ninh nói riêng. Tín ngưỡng Thành hoàng Bắc Ninh cũng góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống thông qua các lễ hội của các làng. Với những nét đặc sắc của phần lễ trong việc tế lễ Thành hoàng làng và các hoạt động văn hoá thể thao trong phần hội, Bắc Ninh đã và đang là một trong những trung tâm văn hoá đặc sắc thu hút hàng vạn khách thập phương tới tham quan và tham dự các lễ hội hàng năm. Sau lễ hội, nhân dân toàn tỉnh lại phấn khởi và thêm phần tin tưởng hay say lao động sản xuất vì trong sâu thẳm tâm linh của mình người dân tin rằng họ đã có Thành hoàng bảo vệ tránh mọi tai ương, rủi ro trong cuộc sống, họ tin rằng mọi may mắn sẽ tới và mọi hoạt động của mình đều có sự phù trợ của thần.

Ngoài ra, với các lễ hội truyền thống trong thờ Thành hoàng làng, tín ngưỡng Thành hoàng Bắc Ninh góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể, có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng con người mới, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo môi trường tốt cho cái chân, thiện, mỹ phát triển, đề cao kỷ cương gia đình và xã hội trong mỗi tâm hồn con người Việt Nam, làm cho họ biết nhớ về cội nguồn, gắn bó và yêu thương quê hương, cộng đồng, dân tộc, muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn, vì sự tồn tại và phát triển của quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, trước xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá, khi mà những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường đã và đang từng ngày làm mai một những giá trị truyền thống tốt đẹp, phần nào làm xói mòn đạo đức xã hội, gây ra những bất ổn, xáo trộn trong tinh thần của người dân. Do đó, Tín ngưỡng Thành hoàng góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của văn hoá bản địa trong giai đoạn hiện nay.

Tín ngưỡng Thành hoàng, với các thành tố cấu thành trong nó là thần Thành hoàng, thần tích, thần điện, tục lệ, trò diễn, cùng với các yếu tố của phạm vi lễ hội như thời gian, không gian, nội dung, ý nghĩa và văn hoá làng, văn hoá vùng miền, đã và đang thoả mãn nhu cầu hội hè, đình đám của người dân, đặc biệt là những người nông dân, thoả mãn tâm thức nông nghiệp, lễ nghi nông nghiệp với những lễ thức như rước nước, mộc dục... Về thực chất, đây là những lễ cầu nước để đảm bảo một vụ mùa bội thu; các trò như “ôm cột Thái Bạch”, “lao đòn đám”, “múa bông”... thể hiện sự sinh sôi của người nông dân trồng lúa nước cư trú ở vùng Kinh Bắc.

Sau phần lễ là đến phần hội - một hoạt động ăn sâu vào tiềm thức của hàng vạn con người và trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần không thể thiếu được. Ngoài nhu sinh hoạt văn hoá, tâm linh qua các lễ hội trong tín ngưỡng Thành hoàng, tín ngưỡng Thành hoàng còn thể hiện nhu cầu nâng cao khả năng tư duy, sức khoẻ của người dân Bắc Ninh - Kinh Bắc qua các hội thi như: thi đọc mục lục ở làng Phù Khê, Từ Sơn; thi đấu cờ người ở Đình Bảng, Từ Sơn và nhiều làng khác, thi hát Quan họ, thi nấu cơm, thi bơi thuyền, đấu vật...

Lễ hội, một hình thức thể hiện văn hoá cộng đồng, qua quá trình lịch sử, phát triển và biến đổi không ngừng vừa thể hiện tính liên tục và kế thừa vừa mang tính thời đại. Nên trong một giai đoạn lịch sử nhất định, lễ hội mang trong mình nó nhiều lớp văn hoá, lớp mới phủ lên lớp cũ, lớp ngoại sinh phủ lên lớp nội sinh, đan xen lẫn nhau, thẩm thấu vào nhau. Lễ hội vừa mang tính cộng đồng dân dã, ở đấy người tham dự được tận hưởng những thú vui đồng nội, những trò chơi nông thôn, những hương vị đồng quê mộc mạc, chân thực... vừa mang tính tôn giáo; ở đấy có sự tranh chấp, hoà hợp giữa tôn giáo địa phương dân dã và các tôn giáo ngoại sinh như Đạo giáo, Phật giáo và Khổng giáo... Bước vào lễ hội, người tham dự như đi vào một không gian và thời gian nửa thực, nửa hư, nửa tục, nửa thiêng. Họ cảm nhận thú vui của những trò chơi như thả chim, chọi gà, cướp cầu..., tham dự các cuộc thi như đấu vật, kéo co, nấu cơm, bắt chạch trong chum... không chỉ với ý nghĩa giải trí thông tục, mà còn thấy mình tham dự vào một tiến trình tôn giáo của lễ hội. Nhiều trò chơi, giải trí, nhiều cuộc thi chỉ có ý nghĩa tượng trưng nhằm mục

đích tôn giáo. Cũng có những trò chơi mà ý nghĩa tôn giáo của nó bị phai mờ theo thời gian.. Nhưng ta có thể thấy rằng, toàn bộ các hoạt động của lễ hội là một thể thống nhất.

Bắc Ninh - Kinh Bắc là miền quê của chùa chiền, lăng miếu, đền đài, là mảnh đất của lễ hội, của truyền thống văn hoá dân gian với các lễ hội chính như (xem phụ lục 1):

- Hội làng Đồng Kỵ

Làng Đồng Kỵ thuộc xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn là một làng nghề buôn trù phú và nổi tiếng ở Bắc Ninh. Từ xưa làng Đồng Kỵ đã nổi tiếng bởi hội pháo thật đặc sắc và độc đáo, thu hút hàng nghìn du khác từ khắp nơi đổ về, đặc biệt là du khách nước ngoài tới xem và nghiên cứu. Hội được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch.

Truyền thuyết và thần tích của người Đồng Kỵ kể rằng: vào thời Hùng Vương, có một ông Cương Công, con trai ông Kinh Bắc quận vương, có công dẹp giặc xích quỷ, được phong là Thiên Cương. Trên đường dẹp giặc, Thiên Cương đã về Đồng Kỵ tuyển quân, chọn tướng. Vào ngày mùng 4 tháng giêng, ông ra lệnh xuất quân đánh giặc. Thiên Cương chia quân làm 4 đạo và giao cho 4 tướng chỉ huy. Trong buổi ra quân, mọi người tổ chức đốt pháo, hò reo, tạo nên một không khí náo nhiệt, hào hùng. Khi dẹp xong giặc “Xích quỷ”, Thiên Cương trở về Đồng Kỵ cùng nhân dân mở hội ăn mừng. Để tưởng nhớ công lao của Thiên Cương, dân làng Đồng Kỵ tôn thờ ông làm Thành hoàng, và hàng năm mở hội thi đốt pháo, tái hiện ngày Thiên Cương ra lệnh xuất quân đánh giặc.

ở hội pháo Đồng Kỵ, thi pháo là hình thức độc đáo nhất, quan trọng nhất của ngày hội. Ngoài ra còn có một số hoạt động khác như đấu vật, cờ tướng, chọi gà, leo dây, thi dệt vải, hát tuồng...

Năm 1995, khi Nhà nước có Chỉ thị 406/TTg về việc cấm đốt pháo trong toàn quốc, nhân dân Đồng Kỵ đã chấp hành nghiêm chỉnh, vì vậy, ngày 12/09 năm 1995 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 555/TTg tặng bằng khen cho nhân dân và cán bộ thôn Đồng Kỵ về thành tích thực hiện tôt chỉ thị 406/TTg.

Vào ngày mùng 4 tháng giêng hàng năm, hội làng Đồng Kỵ vẫn được mở và ngày càng đông vui nhộn nhịp. Khách tới du hội tuy không được xem rước và đốt pháo, nhưng khi vào đình vẫn được xem những quả pháo thờ tưởng như nghe vang đâu đây tiếng pháo

lệnh của Thánh Thiên Cương thủa nào ra trận. Nhiều hoạt động truyền thống vẫn được duy trì cùng với các hoạt động văn hoá, thể thao tiên tiến như bóng chuyền, cầu lông...

- Hội đền Vua Bà

Hội đền Vua Bà hay còn gọi là hội làng Diềm (Viêm Xá), xã Hoà Long, huyện Yên Phong, được mở vào ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống ở một làng quan họ gốc, nơi có đền thờ Vua Bà - thuỷ tổ quan họ. Làng Diềm nằm dưới chân núi Kim Sơn, nơi hợp lưu của Sông Cầu và sông Ngũ huyện Khê.

Diềm là một làng cổ, có lịch sử lâu đời, đồng thời la làng quan họ gốc, nơi duy nhất có đền thờ đức Vua Bà - Thuỷ tổ quan họ, trong số 49 làng quan họ của quê hương Bắc Ninh.

Tương truyền rằng Vua Bà là con gái Hùng Vương. Khi bà xấp xỉ tới tuổi cập kê, có rất nhiều người đến cầu hôn. Vua bèn tổ chức hội cướp cầu để chọn phò mã. Trong ngày hội cướp cầu do nhà vua tổ chức để chọn phò mã, bà không ưng ý vua cha nên đã xin vua cha ra khỏi kinh thành đi du xuân. Trong khi du ngoạn, bỗng đâu cơn mưa to, gió lớn ập đến, cuốn cả đoàn người lên trời. Rồi lại giáng Bà cùng các thị nữ xuống ấp Viêm Trang. Bấy giờ Viêm Trang là một vùng đất hoang dã, cây nước, lau sậy um tùm, rậm rạp. Bà ở lại đây, giúp dân dựng lập làng xóm, tổ chức cuộc sống có tập tục, thuần phong, dạy dân cấy lúa trồng hoa mầu, trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, tạo nên cuộc sống ấm no, xóm làng trù phú. Rồi bà lại sáng tác ra những bài ca, dạy dân cách hát, tổ chức các cuộc vui chơi, ca hát theo lề lối riêng [32, tr.347-348].

Đó là sinh hoạt hát quan họ. Sau khi Bà mất, dân làng lập đền thờ là thần Thành hoàng, tôn vinh Bà là Đức Vương Mẫu, Vua Bà - Thuỷ tổ Quan họ, Nội dung bài vị đền Vua Bà ghi:

“Đương cảnh Thành hoàng, Quốc Vương thiên tử, Nhữ Nương nam nữ, Nam Hải Đại Vương”.

Chính vì Bà được tôn là “Nam Hải Đại Vương”, nên lễ hội đền Vua Bà thường được gọi là “Lễ hội cầu mưa”.

Hội đền Vua Bà được tổ chức vào các ngày mùng 6, 7 tháng hai âm lịch. Truyền rằng, ngày khai hội 6 tháng hai là ngày Đức Vua Bà được trời giáng xuống ấp Viêm Trang, tức làng Diềm (Viêm Xá) ngày nay.

Trước kia, vào ngày 8 tháng Tư âm lịch - truyền rằng đó là ngày Đức Bà hoá thần, người làng Diềm tổ chức buổi giỗ bà ở nghè sau chuyển vào đền. Nhưng đây không được xem là lễ hội, vì chỉ có lễ vật, hương hoa, không có các trò vui, cũng không có ca Quan họ. Cho nên, chỉ có lễ hội đền Vua Bà vào tháng Hai.

Ngày chính hội là mùng 6 tháng 2, nhưng ngay từ chiều hôm mùng 5, người ta đã tổ chức lễ mở cửa đền và lễ dâng hương, lễ cầu mưa rửa đền. Người làng Diềm tin rằng lễ cầu mưa rửa đền này rất hiệu nghiệm. Sáng mùng 6, dân làng làm lễ tế thần. Trong lễ có hát Quan họ thờ (hát thờ), ca ngợi công đức Vua Bà, cầu mong đức Vua Bà cho mưa thuận, gió hoà để mùa màng bội thu. Cũng có khi, các liền anh, liền chị ca cầu mong cho tình bạn đôi nơi thuỷ chung mãi mãi:

Hôm nay tứ hải giao tình Đương Quan họ ơi!

Tuy rằng bốn bể nhưng chung một nhà. Hôm nay họp mặt giao hoà

Nguyện xin Nguyệt lão giăng già se duyên. Đương Quan họ ơi!

Trai hùng sánh gái thuyền quyên

Phỉ nguyên sánh phượng đẹp duyên Châu Trần. (La rằng - Hôm nay tứ hải giao tình) (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Sau lễ tế thần là tới rước ngai thờ, bài vị Vua Bà cùng đồ thờ quanh làng. Đặc biệt, những người khiêng ngai nhất thiết phải là các cô gái chưa chồng. Ngồi trên ngai là một cô gái xinh đẹp đóng vai Vua Bà. Tới đền Cùng, đám rước dừng lại. Một số cụ thượng thọ, xuống giếng Ngọc lấy nước, rồi rước nước về đền làm lễ tắm Vua Bà, cũng là để cầu mong Vua Bà làm mưa.

Sau lễ rước thần là các trò vui như đấu vật, cướp cầu, đánh đu..., song chủ yếu là các hình thức hát Quan họ. Quan họ hát ngoài trời ở cửa đền Vua Bà, cửa đền Cùng (ngôi

đền đầu làng Diềm thờ nhị vị công chúa vua Lý Thánh Tông là Ngọc Dung và Thuỷ Tiên) và cả dưới thuyền ở ao trước cửa đình làng. Những hình thức này gọi là hát hội, tức hát cầu vui, cầu may, không cầu qua đủ các chặng lề lối như ở hát canh (hát ở các nhà trong xóm).

- Hội làng Đông Xá

Làng Đông Xá nay thuộc xã Đông Phong, huyện Yên Phong. Xã này có làng Đông Yên (Đông Khang) và ngôi đình Đông Khang - một trong ba ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc. Hội Đông Xá được tổ chức vào ngày 4 tháng 8 hàng năm.

Sinh hoạt tín ngưỡng và lễ hội ở Đông Xá xưa là một hoạt động tập trung và tiêu biểu truyền thống văn hoá của làng quê nông nghiệp vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc. Theo thần tích, thần sắc từ triểu Lê của làng cho biết làng Đông Xá thờ một vị đại vương và một vị công chúa thời Lý. Nội dung bản thần tích kể rằng:

Triều Lý Thái Tổ, ở trang Đường Lâm, có hai vợ chồng ông bà Ngô Đức và Tạ Thị Lan, nhân từ phúc hậu, nhưng tuổi đã cao mà vẫn chưa có con trai, bèn xuất gia một đạo. Ông bà đi tới trang Đông Xá và tu ở chùa Linh Quang. Bỗng một hôm bà Tạ Thị Lan nằm mộng thấy thần linh báo điềm lành, rồi sau đó thụ thai, đến ngày 4 tháng 8 năm Giáp Ngọ, sinh hạ được một quý tử, bèn đặt tên là Thống.

Thống lớn lên, khôi ngô tuấn tú, sức khoẻ hơn người, đến năm hai mươi tuổi, cha mẹ đều qua đời.

Bỗng một hôm, ông Thống ra sông tắm, gặp thuyền rồng của vua Lý Thái Tổ đi qua, không hiểu vì sao bị mắc cạn, không thể nào đi được. Vua ban lệnh khắp nơi, chiêu người tài giỏi đẩy thuyền vua, nhưng không ai đẩy được. Vua bèn ra sắc chỉ, ai đẩy được, sẽ gả công chúa Phương Dung cho. Ông Thống bèn ra đẩy, thuyền rồng của vua nhẹ trôi khỏi bãi cát, vua Lý thuận gả công chúa Phương Dung cho ông Thống. Khi Lý Thái Tổ băng hà, Thống Công và Phương Dung đã có công lớn giúp triều đình dẹp bọ phản loạn định cướp ngôi vua, giúp Phật Mã lên ngôi. Đến ngày 3 tháng 3, Thống Công và Phương Dug cùng hoá. Triều Lý Thánh Tông, nghe thấy danh tích

của vợ chồng Thống Công, vua bèn sai biên soạn sự tích và sắc phong tặng: “Đô Thống tế thế Đại Vương và Phương Dung gia hạnh chinh phụ Công chúa” [32, tr.355-356].

Các triều đại sau đều có sắc phong cho dân làng Đông Xá phụng thờ.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay pot (Trang 54 - 61)