Tín ngưỡng phồn thực

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay pot (Trang 38 - 40)

Việc thực hành các tín ngưỡng phồn thực và coi sinh thực khí như là biểu tượng của sự phồn thực rất phổ biến trong các lễ hội truyền thống trên thế giới. Tuy nhiên, ở người Việt, tín ngưỡng phồn thực được thực hiện một cách sinh động hơn. Và có lẽ, do được gắn với các lễ thức cầu nước - lễ thức phổ biến và khá đặc thù của những cư dân trồng lúa nước - mà tín ngưỡng phồn thực của họ tồn tại dai dẳng hơn và sống động hơn các tín ngưỡng phồn thực khác trên thế giới [17, tr.80].

Bắc Ninh là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ nên cũng như các vùng miền khác mang đậm nét văn hoá của nền văn minh nông nghiệp lúa nước đó là tín ngưỡng phồn thực. Tín ngưỡng thờ phồn thực ở Bắc Ninh được thể hiện rõ nét qua một số lễ hội truyền thống sau:

Tín ngưỡng đền Cùng, thuộc xã Hoà Long, huyện Yên Phong, mang tính phồn thực nên người tứ phương tin rằng: trai chưa vợ, gái chưa chồng, hoặc vợ chồng muốn sinh con, thì cứ đến đền Cùng làm lễ là sẽ được như ý, ca dao có câu:

Dù ai đi lễ bốn phương

Không bằng linh hiển thắp hương đền Cùng

Đền Cùng thờ hai bà Ngọc Dung và Thuỷ Tiên. Tương truyền hai bà là công chúa con vua Lý Thành Tông. Bấy giờ ở vùng núi Kim Liên có lũ yêu quái nổi lên quấy phá. Hai nàng Ngọc Dung, Thuỷ Tiên xin phép vua cha được đi diệt trừ lũ tinh ma này. Hai bà đã cùng dân làng diệt trừ được lũ yêu quái Mộc tinh, Ngư tinh, Hồ tinh. Sau, hai bà hoá ở đây và đều hoá rồng. Dân Viêm Trang lập đền thờ hai bà. Đền Cùng nằm ngay ở đầu làng Diềm, thấp thoáng ẩn hiện trong bóng cây đa già. Đền Cùng có giếng Ngọc, tương truyền rằng giếng này có mạch nước chảy từ núi Kim Lĩnh xuống nên không bao giờ cạn. Giếng có đôi cá chép vàng, cạnh giếng có cái cối đá to, có ban thờ riêng. Khuôn hình của khố đá cũng như hình khối của các cột đá ngôi cầu nghỉ cạnh đó là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực, điều hoà âm dương, trời đất. Tín ngưỡng phồn thực cầu mong sinh sôi; xưa, các đôi trai gái sắp cưới nhau, gia đình đưa họ ra thắp nhang, lãm lễ ở cối đá [49, tr.14-15].

Làng Nga Hoàng, huyện Võ Giàng, trấn Kinh Bắc (nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) thờ hai vị Thành hoàng một nam, một nữ là: Thành Đống Vành và Ninh Sơn Mỵ Nương. Hàng năm, vào dịp đầu xuân từ ngày mùng 6 đến 15 tháng Giêng là làng mở hội lệ với tục “chen”. Đây là một lễ hội mang tính phồn thực, chính trong những ngày hội vui này mà nhiều cặp trai gái nên duyên vợ chồng. Một lễ hội vừa dân dã, vừa văn minh, thoát khỏi các lệ tục phong kiến.

Làng Nhồi, tức làng Hoà Đình, thuộc xã Võ Cường, thị xã Bắc Ninh (nay là thành phố Bắc Ninh). Hội chùa làng Nhồi được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng giêng hàng năm. Tính phồn thực của lễ hội được thể hiện qua việc: các cô gái nết na, chưa chồng của làng Nhồi tụ tập “ngủ bọn” tại một nhà từ tối hôm trước (mùng 6), đến giời Tý nửa đêm, các cô khiêng kiệu rước “Bà Đống” về làng, trên đường về trai làng Đống Cao chạy ra cướp kiệu, các cô phải vừa giao tranh với trai làng Đống Cao, vừa bảo vệ cho những người khiêng kiệu. Hai bên giằng co dùng đòn ném nhau gọi là tục “lao đòn đám”. Đòn trúng vào ai, người đó tuy đau nhưng lại tin rằng năm đó sẽ được nhiều may mắn.

Thạch Quang Phật được thờ ở chùa Dâu, huyện Thuận Thành, vốn là một hòn đá thiêng (Thạch Linh) - biểu tượng phồn thực trong tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Khi Phật giáo từ ấn độ truyền sang, nó đã nhanh chóng hoà nhập và dung hợp với tín ngưỡng bản địa. Từ Thạch Linh trở thành Thạch Quang Phật - tức hòn đá thiêng mang tính Phật, mang dấu Phật. Phật “Thạch Quang” là khối đá hình ống, đầu trong có nấc, đường kính đáy là 24 cm, một phía cao 26 cm, phía kia cao 23 cm, đặt trong khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, hiện đặt trước tượng Pháp Vân trong thượng điện chùa Dâu [32, tr.121-122].

ở làng Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn thường diễn ra một tục rất náo nhiệt trong những dịp lễ hội của làng là tục “ôm cột Thái Bạch”. Mặc dù ngày nay, cột Thái Bạch được giải thích là chiếc ấn tiên phong của “Thiên Cương” - người anh hùng, ông tổ của làng Đồng Kỵ, song hành động ôm cột (ngày nay cột đá được thay bằng cột gỗ) lại mang ý nghĩa phồn thực: dân Đồng Kỵ quan niệm rằng, nếu ai ôm được cột đá đó thì không chỉ cá nhân người ấy, mà cả xóm nơi người ấy cư trú sẽ “người an vật thịnh”, thóc đầy bồ, ngô đầy đồng [17, tr.44].

Với ước muốn xóm làng được “phong đăng hoà cốc”, “nhân an vật thịnh” những người dân lao động trong các làng xã Bắc Ninh, chẳng biết tự bao giờ đã sáng tạo ra các trò chơi “bắt trạch trong chum”, “ôm cột”, rước sinh thực khí, “chen”, “múa bông”... Những trò chơi này mang đậm màu sắc của tín ngưỡng thờ phồn thực của cư dân nông nghiệp, bên trong cái vỏ tín ngưỡng này, có thể nói, đó chính là sự tổng kết kinh nghiệm sản xuất của năm trước và chuẩn bị tinh thần cho công việc sản xuất năm sau.

Những công việc cần thiết này khi nó đã đựơc biến thể, cách điệu và được đưa vào “hội” thì nó đã được văn hoá hoá và làm phong phú thêm về trữ lượng và chủng loại các thành tố văn hoá của văn hoá làng vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay pot (Trang 38 - 40)