Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay pot (Trang 35 - 38)

Trong quá trình đan xen và tiếp biến của nhiều luồng văn hoá, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn được duy trì và trở thành sợi chỉ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc nói chung, Bắc Ninh nói riêng, Đó là nét đẹp văn hoá đã ăn sâu, bám dễ, liền gốc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam nói chung, của người dân Bắc Ninh nói riêng từ ngàn đời nay. Tín ngưỡng thờ tổ tiên nói chung tồn tại ở ba cấp độ: gia đình - họ tộc, làng xã và quốc gia. Tuy có cấp độ, hình thức khác nhau nhưng cả ba trở thành một chỉnh thể, có quan hệ chặt chẽ, nương tựa, hỗ trợ lẫn nhau. Nó phản ánh mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, gia đình với tổ quốc.

+ Thờ cúng tổ tiên trong gia đình - họ tộc

Cũng như ở khắp nơi trên đất nước ta, trong mỗi gia đình của người dân Bắc Ninh đều có một bàn thờ tổ tiên, thờ cúng tổ tiên không chỉ biểu hiện ở tình cảm nhớ ơn ông bà, tổ tiên là những người có công sinh thành, nuôi dưỡng mà ông bà, tổ tiên còn được quan niệm là những vị thần phù hộ cho con cháu được khoẻ mạnh, gặp nhiều điều may mắn và tránh được những tai hoạ, rủi ro trong cuộc sống. Chính vì vậy mà ban thờ tổ tiên luôn được đặt ở gian giữa của ngôi nhà, là khoảng không gian thiêng liêng, và trang trọng nhất. Việc bài trí các ban thờ tổ tiên ở các gia đình không hoàn toàn giống nhau, điều này phụ thuộc và quan niệm tâm linh và điều kiện kinh tế của các gia đình.

Ngoài việc thờ cúng tổ tiên ở mỗi gia đình, còn có việc thờ cúng thuỷ tổ của dòng họ. Việc cúng giỗ được thực hiện ở nhà thờ họ hay còn gọi là từ đường. Với những dòng họ không có từ đường riêng, thì việc cúng giỗ được tiến hành ngay tại nhà trưởng họ. Tất cả con cháu thường có mặt vào ngày giỗ tổ. Trong buổi lễ, trưởng họ thay mặt cho con cháu báo cáo công việc cũng như thành tích đạt được của cả họ, vừa ôn lại sự nghiệp, công trạng của của các vị thuỷ tổ để giáo dục con cháu tìm hiểu về tổ tiên mình để noi theo và biết ơn cội nguồn. Con người Bắc Ninh vốn nổi tiếng thông minh và hiếu học. Nơi đây là đất học với số lượng lớn các danh nhân khoa bảng, đứng đầu các địa phương trong nước thời phong kiến về số người đỗ tiến sĩ và trạng nguyên. Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà sử học Phan Huy Chú (1782-1840) đã ghi chép tỉ mỉ về các kỳ thi dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, từ khoa thi đầu tiên (1075) đời Lý Nhân Tông, đến khoa thi Đinh Mùi (1787) đời Chiêu Thống, thì trong 47 người đỗ trạng nguyên trong cả nước, Bắc Ninh (theo phạm vi hành chính hiện nay) có 12 người đã đỗ trạng nguyên. Do đó trên mảnh đất Bắc Ninh có rất nhiều nhà thờ họ, đặc biệt là thờ các bậc tiến sĩ, trạng nguyên đã đỗ đạt ở các thời phong kiến, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá như: đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, ở huyện Gia Bình, hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật, đặc biệt là rang đá cỡ lớn có kiểu dáng độc đáo nhất nước [23]; nhà thờ họ Ngô ở thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, dòng họ có 5 chi, 5 đời đỗ tiến sĩ; nhà thờ họ Nguyễn ở thôn Đông, xã Tam Giang, huyện Yên Phong; nhà thờ họ Đặng, ở xã Phú Hoà, huyện Lương

Tài; đền thờ lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo ở xã Hoài Bão, huyện Tiên Du; nhà thờ dòng họ Nguyễn Thạc - có 12 phong chức tước và ghi công 7 đời làm quan của dòng họ Nguyễn Thạc dưới thời Lê - Trịnh - có độ tuổi khoảng 304 năm ở Đình Bảng, huyện Tiên Du là một trong 6 ngôi nhà cổ ở Việt Nam được UNESCO trao giải thưởng công trạng bảo tồn di tích.

Trong cuốn gia phả họ Nguyễn Thạc (do ông Nguyễn Thạc Sủng cháu 10 đời cụ Nguyễn Thạc Lượng lưu giữ) có 12 phong chức tước và ghi công bảy đời làm quan của dòng họ Nguyễn Thạc thời Lê - Trịnh. Nhắc đến dòng họ Nguyễn Thạc ở làng Đình Bảng xứ Kinh Bắc là nhắc đến một dòng họ nổi tiếng với công lao xây dựng nhà thờ họ Nguyễn Thạc trên 300 tuổi và Đình Bảng - ngôi đình nổi tiếng từ rất xưa [24].

Đền thờ 18 vị tiến sỹ họ Nguyễn làng Kim Đôi, xã Kim Chân, huyện Quế Võ.

+ Thờ cúng tổ tiên của cả nước

Là mảnh đất của kinh đô cổ xưa kia với thành Luy Lâu trong thời kỳ dài từ cuối thể kỷ thứ II đến thế kỷ IX - X, Bắc Ninh - Kinh Bắc còn là nơi khởi nguồn của dân tộc ta với đền thờ Kinh Dương Vương; theo truyền thuyết thì thuỷ tổ của dân tộc ta là Kinh Dương Vương, mộ Kinh Dương Vương hiện nay ở làng An Lữ, huyện Thuận Thành. Nguyên Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần núi phương Nam đến núi Ngũ Linh (Hồ Nam, Trung Quốc) đóng lại đó rồi lấy con gái bà Vũ Tiên, sau bà sinh hạ một người con trai tư chất thông minh đặt tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi, làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương làm vua vào khoảng năm 2879 trước Công Nguyên và lấy con gái Thần Long là vua hồ Động Đình sinh được một con trai đặt tên là Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân, sau lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng. Trăm trứng nở thành trăm người con. Một ngày Long Quân nói với Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thuỷ hoả khác nhau, không ở cùng nhau được”. Sau đó năm mươi người con theo mẹ về núi, năm mươi người con theo cha xuống biển, chia nhau thống trị các xứ đó, đó là thuỷ tổ

của các nhóm Bách Việt. Người con trưởng trong số các con theo mẹ lên Phong Sơn được tôn là vua gọi là Hùng Vương.

Không chỉ là cái nôi của dân tộc Việt, là trung tâm của cuộc đấu tranh lâu dài và khốc liệt của dân tộc ta chống xâm lược và đồng hoá trong suốt thiên niên kỷ đầu công nguyên. Kinh Bắc - Bắc Ninh còn là quê hương của nhà Lý - triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt, miền đất phên dậu phía Bắc của kinh thành Thăng Long. Đền Đô có tên là Cổ Pháp điện, là nơi thờ tám vị vua nhà Lý, nên cũng được gọi là đền Lý Bát Đế. Đền được xây dựng trên khu đất phát tích - nơi Lý Công Uẩn sau khi đăng quang, đã trở lại quê nhà gặp gỡ dân làng, ông phát tiền, lụa cho các cụ già và những người nghèo khó. Đền liên tục được tu bổ và mở rộng vào nhiều thời, song lần xây dựng lớn nhất vào triều Lê Trung Hưng thế kỷ XVII, với kiểu “nội Công, ngoại Quốc”, xung quanh có tường thành bao bọc. Lễ hội đền Đô thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhằm kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn đăng quang. Lễ hội thu hút hàng nghìn du khách khắp nơi về dự thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với các vua Lý.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay pot (Trang 35 - 38)