Đặc điểm và vai trò của tín ngưỡng Thành hoàng Bắc Ninh 1 Đặc điểm tín ngưỡng Thành hoàng Bắc Ninh

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay pot (Trang 49 - 54)

2.3.1. Đặc điểm tín ngưỡng Thành hoàng Bắc Ninh

Là một bộ phận của tín ngưỡng thờ Thành hoàng Việt Nam, tín ngưỡng Thành hoàng Bắc Ninh cũng mang các đặc điểm cơ bản là lịch sử hoá, phàm tục hoá, dân gian hoá thần bảo hộ, thờ các hiện tượng tự nhiên như: thần cây, thần đá, mây, mưa, sấm, chớp..., thể hiện sự sùng kính của nhân dân trước cái thiêng...

Ngoài việc thờ các thần Tản viên Sơn thánh, Cao Sơn, Quý Minh cũng như bao làng quê thuộc vùng sông nước, đồi núi khác ở Việt Nam, Thành hoàng Bắc Ninh cũng mang những đặc điểm riêng điển hình đó là:

Một là, có sự đa dạng trong điện thờ Thành hoàng ở Bắc Ninh. Rất ít làng chỉ thờ một vị thần Thành hoàng, mà các làng thường thờ từ hai, ba, đến năm vị. Trong số các vị thần được thờ làm thần Thành hoàng có nhân thần, nhiên thần, các vị thần có liên quan tới các tôn giáo khác, có thần là nữ, có cả tà thần, thần có nguồn gốc Trung Quốc...

Làng Lập ái, huyện Gia Bình thờ 5 vị thần Thành hoàng, bao gồm 2 vị là thiên thần “Lão Mẫu Tuyên Bà”, “Thương Quốc Tuy Ông” và 3 vị là nhân thần “Thái Bảo”, “Hoàng Bảo” và “Hắc Đế”; thôn Kim Sơn và thôn Long Khê, làng Cựu Lự, huyện Quế

Võ thờ hai vị nhân thần là “Triệu Quang Phục” và “Triệu Đà”; làng An Trạch, huyện Quế Võ thờ hai nhân thần là “Thiên Dục”, “Đống Vinh” và thờ cả “Liễu Hạnh” làm Thành hoàng; thôn Bùng, xã Bình Dương, huyện Gia Bình thờ đức thánh “Côn Nương” là một nữ tướng có công đánh giặc Hán; làng Đông Xuyên, xã Nội Trà, huyện Yên Phong thờ “Tam Giang Đại Vương”, “Cao Phẩm Đại Vương”, và “Trần Thị Đại Vương”, theo truyền thuyết, đức “Trần Thị Đại Vương” là thuỷ tổ họ Trần, ngài đã có công dạy dân khai khẩn ruộng đất và lập thành xã hiệu Đông Xuyên, dân cảm công đức tôn ông làm “Trần Thị Đại Vương”...

Hai là, tín ngưỡng Thành hoàng Bắc Ninh phản ánh vai trò của người dân Bắc Ninh - Kinh Bắc trong quá trình dựng nước và đánh giặc giữ nước của dân tộc ta qua các thời đại, phản ánh sự đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau trong quá trình lao động sản xuất và bảo vệ xóm làng. Tín ngưỡng Thành hoàng Bắc Ninh chủ yếu là tín ngưỡng thờ phúc thần. Đó là những người có công lập ấp, khai nghề, các vị tướng lĩnh ở các thời Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý, Trần, Lê... Phần lớn phúc thần ở Bắc Ninh là những người có công đánh giặc giữ nước.

Các vị anh hùng dân tộc, tướng sĩ ở các thời có công đánh giặc giữ nước như đức Thiên Cương, được thờ ở đình Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn; Trần Hưng Đạo được thờ ở làng Đông Thái, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong; một số thôn của xã Cao Đức, huyện Gia Bình thờ đức thánh Cao Lỗ Vương thời Thục Phán An Dương Vương như làng Văn Than, làng Trại Than, làng Đình Than... Đây đều là các tướng sĩ anh dũng trong các cuộc kháng chiến của dân tộc ta, có nhiều người đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng quyết không đầu hàng giặc; Thôn Đại Vy, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du thờ ba vị thần là Trường Ngọ, Trường Mai và Bạch Đa. Các thần là ba bộ tướng của Đinh Tiên Hoàng đã anh dũng hy sinh ở đây được nhân dân thờ làm thành hoàng làng [TLĐD]; “Đình làng Đại Trung, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du thờ một vị thần là Đại sĩ Linh Thông Bảo Hiệu hiển ứng Côn Sơn đại vương, thần nguyên là một vị tướng dưới thời Trần, có công diệt giặc được vua Trùng Quang đến tế lễ và ban sắc phong ông làm phúc thần” [50, tr.507-508].

- Những người có công lập ấp, khai nghề, hành nghề y cứu đời. Bắc Ninh là một vùng quê trù phú với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời. Làng Đông Suất (Đông Thọ, Yên Phong) sản xuất cày, bừa; làng này thờ Nguyễn Hữu Nghiêm, ông tổ nghề nông. Làng Đa Hội (Châu Khê, Từ Sơn) sản xuất búa liềm, mai, thuổng, cuốc, dao, kéo; làng thờ Quận công Trần Đức Huệ, ông tổ nghề rèn sắt. Làng Đống Cao (Phong Khê) sản xuất giấy dó. Làng Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, Từ Sơn) sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ... Đặc biệt, làng Đình Bảng thờ ba vị thần là: Cao Sơn đại vương (Thần Đất), Thuỷ Bá đại vương (Thần Nước) và Bạch Lệ đại vương (Thần trồng trọt). Làng Quả Cảm, xã Hoà Long, huyện Yên Phong thờ Bà Chúa Sành - tổ nghề gốm. Làng Quảng Bố, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài thờ Nguyễn Công Nghệ - tổ nghề đúc đồng. Làng Đại Phúc, phường Đại Phúc thờ danh y Nguyễn Phúc Xuyên. Làng Đại Bái, huyện Gia Bình thờ tổ nghề đúc đồng Nguyễn Công Truyền.

Theo thần phả, Nguyễn Công Truyền là người làng Đại Bái, sinh năm 989, mất 29 tháng 9 âm lịch năm 1069, con ông bà Nguyễn Công Tiến. Lúc nhỏ, theo cha vào Thanh Hoá sinh sống; trưởng thành ra nhập quân ngũ, làm quan tới chức Đô Uý, được phong Điện tiền tướng quân. Sau khi cha mất, ông từ quan đưa mẹ về quê cũ làm ăn. Từ đó, ông sáng tạo ra nghề gò đồng, dạy cho dân, trở thành nghề chính của làng Đại Bái. Sau khi ông mất, được nhà vua phong "Dực Bảo trung hưng linh phù chi thần"“. Dân làng Đại Bái lập đền thờ ông làm Tiên sư [32, tr.95-96].

Ba là, tín ngưỡng Thành hoàng Bắc Ninh đặc biệt phản ánh cuộc kháng chiến chống quân Tống của quân dân ta nói chung, quân dân Bắc Ninh nói riêng, với chiến thắng Như Nguyệt vào năm 1077, từ đây xuất hiện tục thờ đức Thánh Tam Giang - Trương Hống, Trương Hát, vị thuỷ thần ở hơn 300 làng dọc theo bờ con sông Cầu với trung tâm là Đền Xà, thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong tới các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Quế Võ...

Về nguyên thuỷ, Thánh Tam Giang có gốc là thần tự nhiên (Thần Rắn) với truyền thuyết kể lại rằng: “ở làng Vân Mẫu có người đàn bà cao tuổi mà không chồng, không con, một hôm đi tắm sông, có con rắn cuốn vào người. Về nhà, tự dưng bà có thai, đẻ ra một cái bọc có 5 trứng, sau nở thành 5 người con là Trương

Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và một cô con gái. Sau khi Trương Hống, Trương Hát hoá ở Ngã ba Xà nên gọi là Thánh Tam Giang”.

Tuy nhiên, sau khi được lịch sử hoá, các tình tiết lịch sử trong truyện đều gắn với các địa phương. Thần thoại Thánh Tam Giang ở làng Viêm Xá, Yên Phong kể lại rằng:

Khi Trương Hống, Trương Hát làm tướng của Triệu Quang Phục có đóng quân và nghỉ ở chùa làng Viêm Xá. Vị nữ thần trông coi chùa báo mộng cho hai ngài kéo quân về đầm Dạ Trạch để phục binh diệt giặc. Về sau, hai ngài lại về Viêm Xá làm ruộng, nay ở Viêm Xá vẫn còn một cánh đồng do hai ông khai phá, gọi là "Đồng Mặt gương". Người làng Đống Cao thì kể: Trên đường từ quan về Viêm Xá, hai ngài vứt đao, vứt yên ngựa trên các cánh đồng ở Đống Cao, những nơi ấy sau gọi là đồng Mũi Đao, đồng Yên Ngựa [27, tr.323].

Theo thần phả, sắc phong của triều đình phong kiến tại đền Thị Cầu, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh, thì Trương Hống, Trương Hát quê ỏ xã Vân Mẫu, huyện Quế Võ. “Các ngài là những tướng giỏi của Triệu Quang Phục đánh giặc Lương vào thế kỷ thứ VI. Khi Lý Phật Tử phản trắc cướp ngôi của Triệu Quang Phục, hai ông đã tuẫn tiết tại ngã ba Xà trên dòng sông Cầu, giữ tấm lòng trung với vua” [32, tr.65-66].

Bốn là, việc thực hành thờ cúng Thành hoàng có những bước thực hiện chặt chẽ với các lễ tục, nghi thức mang đậm nét văn hoá dân gian như:

- Lễ rước nước

Là nghi lễ thường được cử hành trước khi mở hội một ngày. Làng cử một số người ra sông hoặc giếng múc nước vào chiếc choé hoặc bình sứ rồi đặt lên kiệu rước về đình để lễ thần. Tục rước nước chính là lớp văn hoá tín ngưỡng cổ xa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Làng Thị Cầu có tục rước nước từ sông Cầu về Nghè Sim thờ Thánh Tam Giang, Cao Sơn và Quý Minh; “vào sáng mùng 7, sau lễ cáo yết, đoàn rước của làng tiến về phía sông Cầu để rước nước về nghè Sim ở lưng chừng núi Thiềm Sơn” [32, tr.66]. Làng Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành thờ thần Trị Sơn và thần Trị Thuỷ có tục rước nước và rước hậu thần vào ngày 5 tháng giêng; tham gia rước là những thanh niên được làng chọn cử, lập thành đoàn rước tiến ra giếng làng; từ ngày mùng một tết,

không một ai trong làng được ra giếng gánh nước, cho đến hêt ngày mùng 7 tết; nước đ- ược lấy vào chum rồi rước về đình làng.

- Lễ mộc dục

Là lễ tắm rửa tượng thần hoặc thần vị trước khi làng vào đám. Việc này thường được làng giao cho những người có trách nhiệm, cẩn thận. Tượng được tắm bằng nước sạch vừa rước về, sau đó lại được tắm lại bằng nước thơm.

- Lễ tế gia quan

Là lễ khoác áo, mũ cho tượng thần, thần vị. Có thể là mũ áo được triều đình phong theo chức tước, phẩm hàm đương thời hoặc mũ áo được đặt làm ở các hàng mã. Sau khi mọi việc đã hoàn tất, làng vào tế một tuần trước long kiệu gọi là tế gia quan.

- Lễ rước kiệu

Là lễ di chuyển tượng thần hoặc bài vị thần một cách long trọng từ địa điểm này qua địa điểm khác trên một chiếc kiệu làm bằng gỗ do nhiều người khiêng. Thông thường kiệu được rước từ đền, miếu hay chùa ra đình (nhập tịch) cho đến hôm rã đám thì lại rước về chỗ cũ (rước hoàn cung). Trật tự đám rước thường theo thứ tự: đi đầu đám rước là ng- ời cầm cờ (gồm cờ tiết, cờ mao, cờ ngũ hành, cờ tứ linh, cờ bát quái), tiếp theo là chiêng trống, bát bửu, long đình, kiệu, đồ tế khí như gươm, đao, giáo, mác, bô lão, hương chức, dân đinh.

- Đại tế

Đây là nghi lễ trang trọng nhất trong hệ thống lễ. Dân làng thường chuẩn bị lễ vật để tế thần gồm: xôi, lơn hoặc gà, thậm chí có nơi còn mổ trâu, bò, hoa quả và hương. Những ông Cai đám có trách nhiệm cùng với ông Quan viên đứng ra lo toan, tổ chức, điều hành toàn bộ hoạt động của buổi lễ ngày hội. Những người trong ban tế lễ, vào hôm tế lễ, phải mặc lễ phục thống nhất. Đại tế có mục đích thỉnh mời và đón rước thần linh về dự hội để dân làng chúc tụng, tỏ lòng biết ơn đấng thần linh đã từng che chở cho làng mình [17, tr.130-131].

- Lễ túc trực

Là việc trong nom canh giữ tượng thần hoặc thần vị khi rước ngài ra giữa đình chung vui với dân làng. Tuỳ theo thời gian mở hội dài hay ngắn mà tượng thần sẽ ngự tại

đình lâu hay không. Trong suốt thời gian đó, các vị chức sắc, bô lão, quan viên ở làng phải phân công nhau để luôn có mặt ở đình mà phụng sự thần cho chu đáo.

- Lễ hèm

Là nghi lễ nhằm ôn lại một quãng đời của thần lúc sinh thời. Hèm là “việc kín” ở nội cung do nội bộ dân làng mình biết chứ không để lộ ra ngoài sợ người ta chê cười nên khách thập phương chẳng mấy ai được chứng kiến lễ hèm. Ngoài ra, có những lễ hèm nhắc đến việc không hẳn là xấu, là tầm thường nhưng vẫn được giữ kín nhằm đảm bảo tính chất Thiêng.

“Lễ hèm không phổ biến ở tất cả các hội, nhưng hội nào đã có hèm, thì không thể bỏ hèm vì lễ này ôn lại thủa hàn vi của thần, là mộ biểu hiện của lòng tôn kính đối với thần linh” [17, tr.131-132].

Lễ hội làng Đại Bái xưa kéo dài từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 4; với nhiều nghi thức như tế, lễ, rước sách và mở nhiều trò vui.

Độc đáo nhất là tế gà trắng (thần Bạch Kê). Khi hành lễ và rã đám, người ta mua hai chiếc thuyền giấy và thả xuống sông Bái Giang - một chi lưu của sông Dâu xưa, chảy qua làng Đại Bái, rồi đổ ra sông Lục Đầu. Ngày 17 tháng 4, dân làng làm lễ tế trời, thần Bạch Kê, sau đó giết thịt. Thân gà đem chia cho mọi người, còn riêng đầu gà phải đem chôn. Người Đại Bái quan niệm và tin tưởng rằng tế thần Bạch Kê thì dân làng sẽ được yên ổn, làm ăn phát đạt [32, tr.94-95].

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay pot (Trang 49 - 54)