Bắc Ninh, dưới các triều đại phong kiến trước đây, được gọi là Kinh Bắc. Lịch sử đã để lại cho Bắc Ninh những di sản văn hoá quý báu cả về mặt vật thể và phi vật thể với hệ thống thành quách ở thành phố Bắc Ninh, phòng tuyến sông Cầu (sông Như Nguyệt) nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của đất nước ta, hệ thống các đình, chùa, miếu ở các vùng Từ Sơn, Bắc Ninh - Thị Cầu, Dâu Keo...
Từ năm 1822, xứ Kinh Bắc được nhà Nguyễn đổi tên thành tỉnh Bắc Ninh, sau hai năm thành Bắc Ninh, thuộc thành phố Bắc Ninh ngày nay, được xây dựng bằng đá ong với cây cột cờ cao 17m.
“Dưới thời Pháp thuộc, vào năm 1831, trấn Bắc Ninh được đổi tên thành tỉnh Bắc Ninh” [49, tr.35].
Sau hoà bình lập lại năm 1954, tỉnh Bắc Ninh nói chung, thị xã Bắc Ninh nói riêng tiếp tục duy trì sự phát triển kinh tế suốt quá trình xây dựng chính quyền nhân dân và chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Năm 1963 tỉnh Bắc Ninh lại được sát nhập với tỉnh Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc. Mặc dù vậy, thị xã Bắc Ninh vẫn là một trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của Hà Bắc.
Đến năm 1996, tỉnh Hà Bắc được chia lại thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang theo Nghị quyết của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 10 (ngày 15-11-1996). Từ đó thị xã Bắc Ninh (nay là thành phố Bắc Ninh) lại trở lại thành thị xã của tỉnh Bắc Ninh.
Bắc Ninh ngày nay là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, phía Bắc giáp với tỉnh Bắc giang, phía Nam giáp Hưng Yên và một phần Hà Nội, phía Đông giáp Hải Dương và phía Tây giáp và cách thủ đô Hà Nội 30km; cách sân bay quốc tế Nội Bài 45km; cách cảng biển Hải Phòng 110km. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm - tam giác tăng trưởng: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; gần các khu, cụm công nghiệp lớn của vùng trọng điểm
Bắc bộ. Bắc Ninh có các trục đường giao thông quan trọng chạy qua như quốc lộ 1A, 1B, quốc lộ 18 (thành phố Hạ Long - sân bay quốc tế Nội Bài), quốc lộ 38, đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn sang Trung Quốc và các tuyến đường thuỷ như sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình rất thuận tiện cho vận chuyển hàng hoá và giao lưu với các trung tâm kinh tế, văn hoá và thương mại của phía bắc Việt Nam, và có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc phòng.
Bắc Ninh có diện tích tự nhiên là 80393 ha - chiếm 0,2% diện tích tự nhiên của cả nước và là tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ nhất trong 64 tỉnh, thành phố- trong đó đất nuôi trồng thuỷ sản là 2589 ha, đất lâm nghiệp 623 ha, đất ở 5240 ha và các loại đất khác. Dân số toàn tỉnh theo thống kê năm 2001 là 960.919 người, với mật độ dân số là 1191,3 người/km2, là địa phương có mật độ dân số cao thứ ba trong số 64 tỉnh, thành phố, chỉ thấp hơn mật độ dân số của Hà Nội và của thành phố Hồ Chí Minh.
Bắc Ninh có địa hình tương đối bằng phẳng. Tuy dốc từ bắc xuống nam và từ tây sang đông, nhưng độ dốc không lớn. Vùng đồng bằng chiếm gần hết diện tích tự nhiên toàn tỉnh, có độ cao phổ biến là từ 3 đến 7 m so với mặt biển. Do được bồi đắp bởi các con sông lớn như sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình nên vùng đồng bằng chủ yếu là đất phù sa màu mỡ. Vùng gò đồi trung du chỉ chiếm 0,5% diện tích tự nhiên và phần lớn là đồi núi thấp, cao nhất là núi Hàm Long cao 171 m.
Về quản lý hành chính, Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm thành phố Bắc Ninh và 7 huyện là: Yên Phong gồm 17 xã, 1 thị trấn, trụ sở ở thị trấn Chờ; Quế Võ gồm 23 xã, 1 thị trấn, trụ sở ở thị trấn Phố Mới; Tiên Du gồm 15 xã, 1 thị trấn, trụ sở ở thị trấn Lim; Từ Sơn gồm 10 xã, 1 thị trấn, trụ sở ở thị trấn Từ Sơn; Thuận thành gồm 17 xã, 1 thị trấn, trụ sở ở thị trấn Hồ; Lương Tài gồm 13 xã, 1 thị trấn, trụ sở ở thị trấn Thứa; Gia Bình gồm 13 xã, 1 thị trấn, trụ sở ở thị trấn Đông Bình.
Trong những năm qua kinh tế - xã hội của Bắc Ninh đã có những bước phát triển với tổng sản phẩm GDP tăng bình quân 12,9% (năm 2001 GDP tăng14,1%). Trong đó nông nghiệp tăng bình quân là 6,4%, công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng 24,1%, thương mại dịch vụ tăng 12,0%, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 24,5%, kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 18,6% [25].
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá từng bước nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Từ năm 1996 đến năm 2001 tỷ trọng nông nghiệp từ 46% giảm còn 34,2%, công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng từ 24,1% lên 37,1% [25].
Cùng với các địa phương khác trong cả nước giai đoạn từ nay đến năm 2010 là giai đoạn quan trọng để nền kinh tế tỉnh Bắc Ninh bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 của tỉnh được xác định:
+ Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2001-2010 đạt 13%, đưa GDP bình quân đầu người đạt mức trung bình của cả nước.
+ Chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá trên cơ sở công nghệ mới, tạo sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
+ Phấn đấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tỷ lệ: nông nghiệp chiếm khoảng 17,5%, công nghiệp và xây dựng 42%, trong đó công nghiệp chiếm 29,3%, dịch vụ 40,5% vào năm 2010 [25].
Bắc Ninh - Kinh Bắc xưa kia là vùng đất phía bắc của kinh thành Thăng Long Đông Đô - Hà Nội ngày nay, là vùng đất trung tâm của châu thổ sông Hồng. Bắc Ninh còn là nơi gặp gỡ, giao hội của các mạch giao thông thuỷ, bộ tạo cho xứ Bắc sớm trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá với một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc và văn hoá Việt Nam.
Qua các kết quả nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu khảo cổ học ở Bắc Ninh cho thấy, đây là địa bàn cư trú của người Việt cổ, đồng thời là bộ phận cốt lõi của quốc gia Văn Lang Âu Lạc. Từ mấy nghìn năm trước, người Việt cổ đã cư trú và lập làng ở ven sông Cầu, sông Dâu, sông Đuống, sông Ngũ Huyện Khê, sông Tiêu Vương... sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp kết hợp làm nghề thủ công. Hàng loạt di vật như trống đồng, dao găm, rìu, giáo, tấm khiên, mảnh giáp... bằng đồng với những hoa văn độc đáo được tìm thấy ở các di tích Lăng Ngâm, Đại Trạch, Quả Cảm, Đại Lai... mảnh khuôn đúc trống đồng trong thành cổ Luy Lâu đã chứng tỏ người xứ Bắc rất tinh xảo trong nghề đúc đồng, chế tác các đồ trang sức, làm gốm..., Bắc Ninh nổi tiếng với các làng nghề truyền thống như làng gốm Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ, làng tranh Đông Hồ ở huyện Thuận Thành, làng dệt Hồi Quan ở huyện Từ Sơn, làng đúc đồng Đại Bái ở huyện Gia Bình,
làng nghề Tre trúc Xuân Lai ở Gia Bình, làm giấy gió Đống Cao, chạm khắc gỗ Phù Khê, Đồng Kỵ, rèn sắt Đa Hội, sơn mài Đình Bảng...
Bắc Ninh là vùng đất tiêu biểu của văn hiến Việt Nam, nơi đây là địa bàn chủ yếu để thực hiện các chính sách xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển văn hoá Việt Nam của các triều đại còn âm vang lời tuyên ngôn bất hủ trên dòng sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Khắp trên mảnh đất Bắc Ninh đều có những di tích lịch sử, danh lam cổ tự và các công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo các thời Lý - Trần - Lê, đây cũng là nơi đã sinh ra hơn 600 tiến sỹ chiếm 1/3 các vị đại khoa trong cả nước dưới các thời phong kiến.
Bắc Ninh còn là vương quốc của lễ hội truyền thống, quê hương của các sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc. Hầu như làng nào cũng có lễ hội trong đó có những lễ hội tiêu biểu cho cả vùng, cả nước như hội xem hoa Mẫu đơn ở chùa Phật Tích, hội rước pháo Đồng Kỵ, hội đền Lý Bát Đế, hội đền Bà Chúa Kho, hội chùa Dâu, hội giỗ tổ Huyền Quang... Nổi tiếng và thu hút nhất đó là hội ca hát giao duyên của các làng Quan họ.