Tín ngưỡng thờ Mẫu

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay pot (Trang 40 - 42)

Xuất phát từ nét truyền thống văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước là thờ nữ thần - tôn thờ người mẹ, thờ Mẫu bao gồm việc thờ các vị thần được tôn phong như:

Quốc Mẫu, Thánh Mẫu, Vương Mẫu. Các Mẫu thường được thờ ở các đền, phủ riêng biệt hoặc được phối thờ cùng các vị thần khác trong đình, chùa... Trong những năm gần đây việc thờ Mẫu có những biểu hiện mới với những hình thức diễn xướng văn hoá dân gian đã và đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Trong “Tứ bất tử”, tác giả Vũ Ngọc Khánh đã phân tích rằng theo sự phát triển muôn màu, muôn vẻ cảu tín ngưỡng dân gian, không có sự điều chỉnh, không có văn bản quy phạm rõ ràng, tín ngưỡng về đức mẫu ngày càng thêm chồng chất nhiều lớp bổ sung. Người ta tin rằng đã có Thánh Mẫu đứng đầu thì phải có nhiều thuộc hạ tuỳ tòng làm quân gia cho Mẫu. Cung thất đền đài của Mẫu cũng là một mái ấm gia đình. Thủ hạ của Mẫu đều cùng huyết thống. Và do đó dưới quyền Mẫu là những cô, những cậu, những ông quan, ông hoàng. Như vậy là cả hệ thống thần linh được hình thành để trở nên đội ngũ thủ túc của Thánh Mẫu. Những cái tên họ đặt ra thật là dân giã. Cô đệ Nhất, cô đệ Nhị, ông hoàng Cả, ông hoàng Mười... Sau nữa, người ta đưa vào đây cả những anh hùng dân tộc các thời đại vào châu tuần chung quanh đức Mẫu. Có cả vua, cả quan, thậm chí có cả một triều đại như hệ thống các vị thần thuộc triều đại nhà Trần cũng có trong điện thờ Tứ phủ.

Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, người Kinh Bắc - Bắc Ninh thường tôn thờ các Mẫu - những người mẹ đã sinh thành ra những vị thánh nhân có công cứu dân, cứu nước như chùa Điều Sơn, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh là nơi thờ mẹ đức Thánh Gióng; chùa Cổ pháp, xã Đình Bảng và đình, chùa làng Dương Lôi, huyện Từ Sơn là nơi thờ bà Phạm Thị - đức Lý Thánh Mẫu; đình làng Thanh Tương, xã Thanh Tương, huyện Thuận Thành là nơi phối thờ Nam giao học tổ Sĩ Nhiếp và Liễu Hạnh... Ngoài ra, hầu như chùa nào ở Bắc Ninh đều có một gian thờ Mẫu, đặc biệt là chùa Phúc Nghiêm, huyện Thuận Thành, nơi thờ Phật Mẫu Man Nương.

Đền Cổ Mễ thuộc làng Cổ Mễ phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh là nơi thờ nữ thần được gọi là bà Chúa Kho. Tuy không tìm thấy thần tích, thần phả, hay thơ ca lưu truyền như ở đền Giảng Võ nhưng ở địa phương Cổ Mễ, cũng như bà con gần xa, đều gọi bà Chúa Kho là Linh Từ Quốc Mẫu. Có đôi câu đối ở trong đền ghi:

“Chủ khố linh từ lưu đà tính Anh linh thần miếu liệt sơn cao”. Câu đối ở trong đền ghi:

“Lê triều chưởng khố chương hồng liệt Nữ giới di danh trọng phúc thần”.

Theo truyền thuyết, bà có tên thật là Trần Thị Dung, vốn là vợ của Lý Huệ Tông. Khi nhà vua mất bà lấy Trần Thủ Độ, vẫn được vua Trần phong làm Quốc Mẫu. Bà là người đã có công vun đắp cho cuộc nhân duyên của con gái bà là Lý Chiêu Hoàng với Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông). Bà là người cũng đã hoà giải được hiềm khích giữa hai anh em Trần Cảnh và Trần Liễu để vương triều nhà Trần được ổn định.

Năm 1258, giặc Nguyên sang xâm lược nước ta, chiếm cả kinh thành Thăng Long, vua quan phải đi lánh nạn, bà ở Hoàng Giang đã bảo vệ được hoàng thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng thoát khỏi tay giặc. Bà cũng bảo vệ được kho tàng lương thực cho quan quân [10, tr.20,21-23]... Có thể nói, bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch nước ta lãnh đạo thành công việc sơ tán và bảo vệ được kho tàng, lương thực cùng sinh mệnh của nhiều người khác.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay pot (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)