- Cần sớm ban hành các chính sách về cơ cấu tổ chức, nhân sự, tài chính phục vụ cho cuộc vận động xây dựng làng văn hóa và "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Hiện nay, từ tỉnh đến xã Ban chỉ đạo xây dựng làng văn hóa đều do một đồng chí chủ tịch hoặc phó chủ tịch làm trưởng ban; trong khi đó Trung ương lại giao cho Bộ văn hóa thông tin mà trực tiếp là Cục văn hóa thông tin cơ sở chỉ đạo phong trào. Điều này chưa nói đến tính hiệu lực pháp lý, chỉ tính riêng khả năng chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể trong quá trình chỉ đạo cuộc vận động đã xuất hiện những khó khăn chưa giải quyết được. Chính vì vậy, trong thời gian tới Trung ương tiếp tục nghiên cứu quá trình phân bổ cán bộ để cơ cấu cán bộ chỉ đạo cuộc vận động xây dựng làng văn hóa thống nhất từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã; tạo ra một "guồng máy" vận hành đồng bộ và hài hòa nhằm " sản xuất" ra được nhiều những sản phẩm có chất lượng, phục vụ một cách thiết thực nhất cho cộng đồng.
Mặt khác, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của đời sống văn hóa cũng như từng bước chuyên môn hóa cán bộ làm công tác xây dựng làng văn hóa; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét giải quyết để có định biên chuyên trách cụ thể và kế hoạch đào tạo cán bộ một cách qui mô, kịp thời đáp ứng lực lượng cán bộ phục vụ phong trào trong thời gian tới.
- Cuộc vận động xây dựng làng văn hóa là một phong trào có qui mô lớn, lâu dài; có tầm quan trọng đặc biệt đối với xã hội; vì vậy đề nghị Chính phủ xem xét đưa cuộc vận động này trở thành chương trình mục tiêu quốc gia, kèm theo cơ chế vận hành, điều kiện về tài chính ngân sách phù hợp để cuộc vận động đạt nhiều kết quả tích cực hơn trong đời sống nhân dân.
Đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương nghiên cứu, xem xét để ban hành danh hiệu Làng văn hóa cấp Trung ương khi hiện nay đã có danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh - huyện - xã; nhằm khẳng đinh được tầm vóc thực sự của cuộc vận động, kịp thời động viên nhân dân ở các làng hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện nhân rộng phong trào dưới cả hai góc độ: chiều rộng và chiều sâu.