Những giá trị văn hóa giáo dục ở Quảng Nam

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam hiện nay pptx (Trang 57 - 59)

Đất Quảng là mảnh đất sản sinh nhiều giá trị văn hóa giáo dục có vị trí hàng đầu ở miền Trung Trung Bộ Việt Nam.

Những con người xứ Quảng cần cù, thông minh đã tạo ra một vùng văn hóa nhân văn độc đáo. Ai đến Quảng Nam một lần khi về đều vẫn nhớ đến những ruộng dâu xanh ngắt bạt ngàn dọc hai bờ sông Thu Bồn, nhớ bát nước chè Tiên Phước, tô bún chợ Chùa, trái "lon bon" Đại Lộc và cả khoai bùi Tiên Đõa. Chúng ta cũng không thể quên nhận xét của tác giả "Đại Nam nhất thống chí" về con người Quảng Nam: "... đàn ông lo việc cày ruộng, đàn bà lo việc nuôi tằm, dệt lụa, núi sông hùng vĩ nên con người có tư chất thông minh. Kẻ sĩ có lòng trung thực, lời nói ngang nhiên, thẳng thắn, tính người nóng nảy, ít trầm tĩnh, nhưng thật thà, chất phác, phong tục tiết kiệm" [19, tr. 9].

Nhắc đến Quảng Nam người ta hay nhắc tới học hành. Người Quảng Nam rất hiếu học và đã có những thành quả đáng kể về học hành; và chúng ta sẽ nhận thấy những nét riêng rất Quảng về truyền thống ấy. Những cụm từ Ngũ Phụng Tề Phi, Tứ Hổ, Tứ Kiệt, Ngũ tử đăng khoa, Phụ tử đăng khoa..., đã khắc họa được một phần nào đó về truyền thống hiếu học của xứ Quảng.

Trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Quảng Nam đã có hàng ngàn người học giỏi, đỗ đạt cao - tiêu biểu nhất là hàng trăm người chỉ tốt nghiệp tú tài bán (hoặc dưới) thì nghỉ học do nhà nghèo, nhưng bằng tự học, họ đã vươn lên đến học vị Tiến sĩ, hàm giáo sư như Lê Đình Kỵ, Lê Trí Viễn, Hoàng Phê, Huỳnh Lý...

Bầy chim phụng đất Quảng của thời đại Hồ Chí Minh còn cất cánh bay xa và mang về cho quê hương đất nước những kết quả rực rỡ qua nhiều lần so tài với các cường quốc học giỏi trên thế giới: 10 em liên tục đạt được các giải đặc biệt, nhất, nhì, ba... ở các lần thi quốc tế của ba môn: Toán, Vật lý, Ngoại ngữ (Olimpich tiếng Nga) lần thứ ba tại Liên Xô (cũ), lần thứ 2 tại Bungari, lần thứ 13 tại Cộng hòa Liên bang Đức, lần thứ 14 tại Rumani, lần thứ 18 tại Cộng hòa dân chủ Đức (cũ), lần thứ 24 tại Pháp, lần thứ 25 tại Tiệp Khắc (cũ), lần thứ 26 tại Phần Lan...

Sự thành đạt trên đường học vấn xưa nay của bao thế hệ học trò đất Quảng là do nỗ lực bản thân của mỗi người. Nhưng để có truyền thống hiếu học không thể không nói

đến "ngoại viên" của bao đời cha ông trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Từ khuyến học hiểu theo nghĩa rộng: ông cha khuyên cháu học, cha mẹ khuyên con học, xóm làng khuyên nhau học cho đến các tổ chức khuyến học sơ khai như Văn Miếu ở Duy Xuyên, Văn Thánh ở Điện Bàn ra đời từ năm 1838. Ngôi Văn Miếu ở Duy Xuyên trên 8 sào đất đủ cho hàng trăm nhà khoa bản, sĩ tử đến bình văn chương, luận thời thế và sau đó từng nhóm giúp nhau trau chuốt kiến văn, khuyên nhau học hành, bảo nhau tu thân tích đức thành người. Văn Miếu ở Duy Xuyên do tiến sĩ Lê Thiên Trị sáng lập.

Hội khuyến học Quảng Nam ra đời từ cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng vào đầu thế kỷ XX đã lan rộng xuống phủ, huyện, tổng và nhiều xã làm giàu thêm ý nghĩa khuyến học. Tờ báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh chủ bút đăng nhiều bài khuyên mở mang dân trí, khuyên học chữ quốc ngữ và khuyên học để làm người. Tiếp theo các tổ chức khuyến học ẩn danh nhưng rất hiệu quả đối với phong trào truyền bá quốc ngữ lan rộng khắp đất Quảng.

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, tổ chức bình dân học vụ, hội khuyến học, tổ chức khuyến học do phần đông nhà giáo cả đến người biết chữ vừa cổ động vừa sung vào đội quân diệt giặc dốt. Xã Tam Anh (Tam Kỳ) và huyện Quỳnh Côi - Thái Bình là hai địa phương xóa nạn mù chữ sớm nhất nước. Một cụ già 60 tuổi mù chữ ở huyện Tam Kỳ học suốt 90 buổi trưa đã biết đọc, biết viết. Cụ viết thư cho Cụ Hồ. Bác Hồ viết thư khen và tặng cụ tấm lụa để may áo. Tấm lụa Cụ Hồ trở thành lá cờ bay cao trước các buổi mít tinh, treo cao trước các lớp học bình dân ở nhiều nơi trong huyện Tam Kỳ. Hàng ngàn trai gái, già trẻ noi gương học tập và xây trường, mở lớp học phổ thông.

Thừa kế chữ hiếu - hiếu học và tiền thân tổ chức khuyến học xa xưa, Hội khuyến học Quảng Nam ra đời sớm nhất so với nhiều tỉnh bạn trong cả nước. Hội khuyến học gồm các nhà giáo lão thành, nhà giáo ưu tú, cựu sĩ quan cấp tướng tá và nhiều nhà trí thức, doanh nhân ... tiêu biểu ở các cơ quan, đoàn thể có tâm huyết, có khả năng khuyến học tốt, dạy tốt. Hội khuyến học được thành lập hầu hết ở các huyện, thị, thành phố, các trường phổ thông và các xã.

Văn hóa giáo dục của đất Quảng xưa và nay thực sự đã tạo nên động lực mạnh mẽ cho mỗi con người có khả năng vượt lên chính mình để học tập, rèn luyện và sáng

tạo. Phát huy vốn tài sản quý giá đó sẽ đủ sức nâng cánh chim phụng thời đại Hồ Chí Minh bay cao, bay xa ngang tầm xu thế phát triển của thời đại ngày nay.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam hiện nay pptx (Trang 57 - 59)