nhiệm vụ xây dựng làng văn hóa
Xây dựng làng văn hóa là một cuộc vận động lâu dài và sâu sắc trên qui mô lớn nên đòi hỏi phải có sự nỗ lực và đóng góp chung của toàn xã hội; vì thế trong quá trình thực hiện phải hết sức chú trọng phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn lực trong nhân dân và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn gồm cả công sức, trí tuệ,... đồng thời phải tranh thủ sự đầu tư giúp đỡ có hiệu quả của Trung ương và của các tổ chức trong, ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ này.
Riêng phần kinh phí từ ngân sách tỉnh, thống nhất hai khoản kinh phí bố trí cho chương trình xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư" thành một, do Ban chỉ đạo "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" điều hành trực tiếp. Từ năm 2001 trở đi dành một tỷ lệ 3% tổng chi thường xuyên hàng năm của ngân sách cho chương trình xây dựng làng văn hóa; đồng thời hàng năm dành ưu tiên một phần đáng kể từ kinh phí xây dựng cơ bản để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Việc xây dựng cơ sở vật chất
cho làng văn hóa là rất cần thiết, nếu không có một cơ sở vật chất tương ứng thì không thể nói đến việc nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa nói chung và làng văn hóa nói riêng như yêu cầu đã đặt ra. Vấn đề là chúng ta đầu tư như thế nào cho đúng; đầu tư phải trên cái nền của văn hóa, đặc điểm, điều kiện cụ thể của mỗi vùng, làng; tránh bắt chước, tràn lan... Đầu tư phải đảm bảo tính qui hoạch, kế hoạch, hài hòa giữa cái tổng thể, cái toàn vẹn với cái cụ thể, cái riêng của mỗi địa phương cơ sở.
Trong những năm gần đây, trong xu thế phát triển chung của đất nước; đời sống nhân dân Quảng Nam ngày một được cải thiện. Các công trình phúc lợi công cộng ngày càng được chú ý sửa sang, tu bổ, xây dựng mới; bộ mặt nông thôn ngày một thay da đổi thịt. Tuy nhiên, đi sâu vào từng ngõ ngách của từng cộng đồng dân cư, từng thành phần xã hội, từng địa bàn sinh sống của nhân dân vẫn còn nhiều điều bất cập. Điều này thể hiện rõ nhất ở khu vực miền núi; vùng sâu, vùng xa. Theo khảo sát, trong số 401 làng, bản vùng dân tộc ít người ở miền núi Quảng Nam số đông còn nghèo khó về vật chất, tỷ lệ đói nghèo trên 60% và thiếu thốn trầm trọng về đời sống văn hóa tinh thần [87, tr. 96].
Do vậy, việc xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, đòi hỏi vừa phải có sự phấn đấu nỗ lực của từng địa phương vừa phải có sự quan tâm đầu tư đúng mức của Nhà nước, tỉnh, huyện và các ngành chức năng về cơ sở vật chất, thiết chế hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng sâu, vùng xa có cơ hội triển khai xây dựng làng, bản văn hóa. Điều đó có nghĩa là, đầu tư cho văn hóa trước hết phải đầu tư cho cơ sở; từ mỗi làng (thôn, bản) cụ thể, từ tình hình thực tiễn cũng như yêu cầu bức thiết về các mặt của mỗi vùng dân cư cần có phương pháp thích ứng để trong một thời gian không dài nữa chúng ta xác lập được sự cân bằng về các mặt giữa các vùng ở Quảng Nam.