Trong tổng thể chung của các loại làng, mỗi làng đều ẩn chứa những đặc thù riêng. Chính lý do này tạo ra những nét văn hóa làng khác nhau. Xây dựng làng văn hóa phải dựa vào văn hóa làng là vì những lý do đó. Tuy nhiên, cần thấy rằng, các làng ở Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng, qua lịch sử hình thành và phát triển không phải là những làng sống và tồn tại một cách độc lập, riêng biệt mà đều có những mối quan hệ xa gần, bổ sung cho nhau. Điều này vẫn đang được bảo tồn ngay cả khi xu thế giao lưu văn hóa đang diễn ra với mức độ ngày càng cao hiện nay. Do vậy, trong phong trào xây dựng làng văn hóa cần tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa các làng, các vùng, các khu vực; đồng thời tiến hành giao lưu, tiếp biến văn hóa để phát triển văn hóa ở mỗi làng.
Chúng ta nhận thấy, làng Quảng Nam được chia thành 4 vùng lớn: làng đồng bằng, làng trung du, làng miền núi và làng biển. Trong từng vùng lớn chúng ta có thể tiến hành tách thành hai vùng nông thôn và thành thị, thị tứ, thị trấn (trừ làng biển). Trên cơ sở này, chúng ta có thể xác định được đặc thù của các loại làng về quy trình sản xuất, đặc điểm sinh hoạt và môi trường địa lý - văn hóa trong sự tồn tại và vận động của chúng.
Trong quá trình phân loại làng, chúng ta đã tiếp cận với hai loại làng: làng thuần nông và làng chợ. Điểm ưu trội của làng chợ là khả năng giao lưu văn hóa diễn ra rất mạnh, và vì thế tốc độ phát triển của làng chợ cao hơn cả về đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần. Dưới cách tiếp cận này, có thể xem thành thị như một làng chợ để thấy rõ nét khu biệt giữa thành thị và nông thôn.
Tuy nhiên, sự phân chia ở trên chỉ mang tính chất tương đối nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện những nét đặc thù nổi bật nhất ở các loại làng để có cách tiếp cận một cách toàn diện. Bởi vì, trong tính tương đồng cao giữa các làng thì ở mỗi làng vẫn ẩn chứa những đặc trưng rất riêng và khá độc đáo. Chính những nét đặc trưng này
khẳng định được chỗ đứng của từng làng, vị thế của từng làng trong tổng số làng. Mặt khác, giữa các loại làng có mối quan hệ mật thiết để duy trì sự tồn tại và phát triển. Mối quan hệ này biểu hiện hoặc là dưới hình thức cụ thể như: trao đổi sản phẩm hàng hóa; hoặc là dưới hình thức tinh tế hơn như: giao lưu văn hóa. Cả hai hình thức này diễn ra song song và ở mọi lúc, mọi nơi để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng người của các khu vực.
Điều khá lý thú là, các địa phương trong cùng một vùng (ví dụ: vùng nông thôn) tuy có sự khác nhau về điều kiện tự nhiên, sắc thái văn hóa song vẫn có sự tương đồng về qui trình sản xuất tạo ra giá trị vật chất. Hoặc là, về phương diện nào đó; làng nghề ở nông thôn có khác so với thành thị nhưng giữa chúng vẫn có mối quan hệ trên cơ sở tìm hiểu qui mô sản xuất, chất lượng sản phẩm để điều chỉnh tốc độ phát triển của các làng nghề ở vùng của mình cho phù hợp với tình hình chung.
Tóm lại, mô hình về làng Quảng Nam trên là bước tiếp cận ban đầu nhằm tạo điều kiện cho chúng ta có được những hoạch định cụ thể và đưa ra được những chủ trương không những mang tính khái quát chung của toàn tỉnh, toàn huyện, xã mà còn có những chủ trương riêng phù hợp với đặc điểm, truyền thống của từng làng trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác, trong hoạt động thực tiễn cần phát hiện ra mối quan hệ, nét tương đồng giữa các vùng, các làng để có sự phối hợp nhịp nhàng nhằm đưa phong trào xây dựng làng văn hóa phát triển sâu rộng trong toàn tỉnh.