Trong mối quan hệ gắn chặt và bền vững của cộng đồng người trong làng, sự nảy nở tình cảm, sự liên kết tinh thần là điều tất yếu và cũng chính từ đó những giá trị văn hóa dân gian đã hình thành trên hầu hết ở các làng với những dáng vẻ, sắc thái rất riêng; tạo nên một môi trường văn hóa rất sinh động và phong phú. Các hoạt động nông nghiệp, chài lưới là những hoàn cảnh trực tiếp làm phát sinh những câu hò, điệu hát và cao hơn nữa là lễ hội. Trải qua nhiều thế hệ, chính những sinh hoạt đó, tới lượt nó lại tạo nên đời sống tinh thần, tình cảm của cộng đồng cư dân, hình thành truyền thống văn hóa của từng vùng đất và của cả dân tộc.
Trong khi tìm hiểu những sinh hoạt văn hóa và những lễ hội của nông dân Quảng Nam, chúng tôi nhận thấy, những sinh hoạt ấy dù cho xã hội có thay đổi thế nào chăng nữa, dù cho các phương tiện đi lại ngày nay đã giúp con người có mối giao lưu mở rộng ra khỏi không gian của làng xưa, thì trước sau, vẫn là những sinh hoạt, những lễ hội được gìn giữ và được tổ chức trên cái nền không gian của làng; khẳng định "cái ta" của làng.
Mặt khác, những tập quán, phong tục chung của dân tộc vẫn là nền tảng nuôi dưỡng đời sống tinh thần của người dân xứ Quảng; chẳng hạn, những tục lệ về cưới hỏi, tang ma hay các tập tục vui chơi trong các ngày lễ, tết truyền thống. Nhưng, là cư dân của một vùng đất mới, người dân Quảng Nam có những sắc thái riêng trong sinh hoạt văn hóa của chính mình. Rõ ràng nhất, và hình thức sinh hoạt văn hóa đặc trưng nhất trong những tập tục mới chính là lễ Cầu Ngư.
Lễ hội Cầu Ngư xuất phát từ quan niệm cho rằng cá Ông là sinh vật linh thiêng ở biển, là vị cứu tinh cho những thuyền bè bị đắm, chuyên cứu người khỏi nạn. Đây chính là sự gửi gắm chân tình của thân phận mình trước cảnh sóng to, gió lớn đầy bất trắc trên biển cả mênh mông của những cư dân miền biển.
Tuy nhiên, điều lý thú là, với chiều dài 125 km bờ biển, lễ hội Cầu Ngư ở Quảng Nam không có sự thống nhất về ngày tháng và mỗi địa phương có phương thức và cách thức tổ chức khác nhau. Ví dụ, ở xã Cẩm Nam (Hội An), lễ hội được tổ chức hai lần
trong năm, ở Lệ Xuân vào đúng ngày 16/2 âm lịch, làm lễ Cầu An (Lệ Thu) lại được tổ chức vào ngày 16/8 âm lịch. Riêng ở vùng biển huyện Thăng Bình, ngày lễ Cầu Ngư đã thể hiện sự khác nhau giữa các vùng. ở xã Bình Hải, ngày 15/3 âm lịch là ngày lễ Cầu Ngư, dân chúng địa phương gọi là lễ trước ngày xuống mùa (bao hàm ý đưa thuyền xuống nước để ra khơi); còn ngày 20/12 âm lịch là lễ sau khi kết thúc mùa biển, còn gọi là lễ Tạ Mùa. Trong khi đó, ở xã Bình Dương ngày 19/2 âm lịch là lễ mùa xuân, còn lễ ngày 16/8 âm lịch là lễ mùa Thu. ở huyện Núi Thành, các xã phần lớn đều tiến hành lễ Cầu Ngư vào ngày 20/2 âm lịch, là ngày chuẩn bị ra khơi. Đặc biệt, tại xã Tam Quang (vạn chài Xuân Hải) ngoài các lễ hội Cầu Ngư, Tạ Mùa; ngư dân còn tiến hành đám giỗ cá Ông vào ngày 1/6 âm lịch hàng năm. Đây là nơi có nghĩa địa cá Ông duy nhất.
Lễ hội Cầu Ngư thường được tổ chức ngay cửa biển. Thành phần tham dự là tất cả những gia đình có ghe, thuyền đi biển. Lễ chỉ được tổ chức trong buổi sáng và lễ vật không qui định, tùy theo tình hình làm ăn, kinh tế của địa phương trong năm đó. Nhưng, có một số lễ vật không thể thiếu là: hương đèn, giấy tiền, hoa, rượu, bánh, chuối, xôi, chè, gạo, muối. Tuyệt nhiên trong các lễ Cầu Ngư không có loại thủy sản như cá, tôm làm lễ vật.
Trong hội Cầu Ngư lôi cuốn nhất là màn diễn dân gian, độc đáo là hát bả chạo (bả: cầm chắc, trạo: mái chèo). Đây là một hình thức diễn xướng tập thể trên cạn, khác với múa hát chèo trên sông tái hiện cảnh thủy binh chống giặc dưới nước ở Bắc bộ.
Nội dung và ý nghĩa của một cuộc diễn xướng, hát bả trạo là để ca ngợi và tiếc thương cá Ông. Bên cạnh nghi thức tôn giáo dân gian, ta cũng nhận ra sự thể hiện tâm tư, tình cảm của những cư dân vùng biển trước cảnh thiên nhiên mênh mông sông nước:
"Thuyền trôi một chiếc giữa trời
Gió trăng bãng lãng nước trời mênh mông".
Giáo sư Trần Quốc Vượng rất có lý khi nhận định hát múa bả trạo có tính chất như một đàn tràng mạn-đà-la (Mandala) của nghi thức lễ cúng Phật giáo, chất chứa tinh thần nhân đạo cao cả, sâu rộng đến cả "thập loại chúng sinh".
Gặp cơn nước loạn đến ra liều mình Những người thuyền bá linh đinh Gặp cơn sóng gió hải kình rước thây..."
Có thể xem, "háy múa bả trạo, về âm nhạc, là một tổng hợp nhiều loại hình ca
hát. Có lối táng tụng của các sư sãi, có nói lối của hát bội, có vè Quảng, hô bài chòi, hò đưa linh, hò khoan, hò đua thuyền, ngâm thơ điệu Huế..." [32, tr. 20].
ở lễ hội Cầu Ngư, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, nếu phần lễ long trọng trang nghiêm và rất mực thành kính, thì phần Hội vui vẻ, náo nhiệt và lôi cuốn mọi người trong cuộc. Nghĩ cho cùng, phải chăng đó cũng là biểu thị của tâm hồn con người miền biển xứ Quảng, luôn luôn muốn giảm đi những cực nhọc của đời thường để được hòa mình trong một rừng cười trong không khí lạc quan của hội hè.
Ngoài lễ hội Cầu Ngư, ở Quảng Nam còn có lễ hội truy niệm Đức Bà ở chợ Được, mà dân gian vùng này quen gọi là Cộ Bà.
Về mặt tâm linh, lễ hội Cộ Bà ở chợ Được (Thăng Bình) hiển thị niềm tin vào sức mạnh của điều thiện, tin tưởng và nhớ ơn những bậc tiền nhân có công đức. Dĩ nhiên, cũng không thể phủ nhận dấu vết của tín ngưỡng phồn thực ở những cư dân nông nghiệp và chài lưới ở Quảng Nam. Làng mong muốn được bình an khi đối mặt với thiên nhiên bão tố, ước mong được mùa lúa, mùa biển để cuộc sống ấm no, mọi nhà luôn an khang, thịnh vượng, vạn vật phát triển, sinh sôi là những nhu cầu tâm linh chính đáng và không thể thiếu của người nông dân ở vùng đất này.
Hội làng ngày xưa ở Quảng Nam thường gắn với lễ Kỳ Yên (tháng giêng, tháng hai, hoặc tết Thanh minh). Lễ Kỳ Yên ngoài ý nghĩa là cúng Thành Hoàng, các bậc tiền nhân có công mở đất, lập làng, còn mang ý nghĩa tâm linh cầu mùa, cúng tổ nghề. Và dĩ nhiên, sau các lễ cúng bao giờ cũng có các cuộc vui như đua ghe, hát bội, hát đối đáp...trong không khí mùa xuân đầm ấm, vui tươi.
Những hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật vui xuân của người Quảng Nam ngày trước vẫn phong phú như: hát sắc bùa, hát tứ linh, hò bài chòi và nhất là hát bội (cũng còn gọi là hát bộ).
Hát sắc bùa là loại hình văn nghệ dân gian, được tổ chức hát theo mùa như: hát vào dịp đầu xuân, hát khi cúng đình. Về lối hát, hát sắc bùa có bài mở ngõ, vào ngõ, vào nhà, hát chúc gia chủ, hát dán bùa. Cuối cùng là hát bài đi ra. Một đội hát sắc bùa thường có 8 nữ, 8 nam hát múa. Tại Quảng Nam có một vài nơi vẫn giữ được đội hát sắc bùa cho đến ngày nay. Làng Thanh Châu (Duy Châu, Duy Xuyên) là một trong những làng duy trì được vốn quý này. Đội hát làng Thanh Châu không chỉ phục vụ cộng đồng người ở làng mà còn mở rộng ảnh hưởng ra những làng lân cận. Trong tương lai, chắc chắn do ảnh hưởng này các làng khác trong khu vực sẽ tìm biện pháp để khôi phục và phát triển loại hình độc đáo này.
Ngoài hát sắc bùa, ở Quảng Nam ngày trước còn có múa Tứ Linh vào dịp tết nguyên đán.
Tứ Linh và để chỉ cho 4 loại vật linh thiêng (Long, Lân, Quy, Phượng). Các làng vào hội hoặc đại lễ tế thần, thường tổ chức tế ở ngoài sân đình gọi là tế ngoại tán. Tế ngoại tán thì thường có tế nhạc (ở miền bắc tế ngoại táng còn có đào kép múa nhạc, mỗi tuần dâng rượu là mỗi lần múa). Đến tuần dâng rượu, đội Tứ Linh xuất hiện. Những nghệ nhân múa chân quấn xà cạp, đội lốt 4 con linh vật. Tứ linh theo hát âm múa lượn chung quanh đám tế. ở Quảng Nam từ năm 1997 có một đội múa tứ linh cố gắng phục hồi những điệu múa trong dân gian ngày xưa.
Một trong những thú chơi xuân của người dân xứ Quảng ngày xưa là hội chơi bài chòi và nghe hò bài chòi vào mồng một tết và kéo dài đến ngày khai hạ (mồng 7 Tết). Hội bài chòi vừa là một trò chơi, vừa là một hình thức biểu diễn hát họ, lại còn dịp để nam nữ gặp nhau tìm hiểu, trao duyên, mà ta sẽ thấy rõ ràng nhất trong tập tục hát đối đáp giao duyên.
Là một trong những địa phương đã được thừa nhận là cái nôi của hát bội (tuồng), Quảng Nam đã từng có thời kỳ hưng thịnh của loại hình nghệ thuật lôi cuốn này. Trong tỉnh vào mùa xuân, đâu đâu cũng nghe rộn ràng tiếng trống chầu. Tiếng trống chầu hát bội quyến rũ mọi tâm hồn già trẻ, hấp dẫn và lôi cuốn đến độ khiến cho mọi người rạo rực không yên:
Không khiến cũng đi Nghe giục trống chầu Đâm đầu mà chạy".
Chính vì thế, với những người dân quê Quảng Nam, vào hội xuân không thể thiếu hát bội. Hát bội ngày thường đã hấp dẫn; ngày tết, hội xuân lại càng quyến rũ hơn, khiến họ có thể "lắng nghe hò hát xoay vần suốt đêm". Âu đó cũng là một niềm đam mê chính đáng và rất văn hóa. ẩn chứa trong đó nỗi khát vọng về một sự thư thái tâm hồn và niềm lạc quan trong hoạt động sinh tồn.
Ngoài những trò vui, thú vui, trong những ngày hội xuân của dân làng xứ Quảng phổ biến nhất là hát đối đáp nam nữ.
Giữa ngày xuân muôn hoa đua nở và khi việc đồng áng hay những vụ đánh bắt, chài lưới trên biển tạm ngưng, gái trai gặp nhau để bày tỏ tâm tình. Trong những lễ hội, những cuộc hát múa ấy, phía con gái thường đứng về hướng Bắc, phía con trai thường đứng về hướng Nam. Rồi bên trai "xướng", bên gái "họa", bên trai "cầu", bên gái "ứng", theo phương châm: " đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Bên nam, bên nữ, chính là cách thức phân công đầu tiên, tuy phân chia nam nữ hai thành phần mà cùng nhau xướng - họa, cùng nhau cầu - ứng để cho " loan sánh phụng", để cho " mình sánh ta", đúng theo mô thức Âm -Dương, chung một nguồn sống.
Chúng ta thử hòa nhập vào không khí đó trong một trích đoạn sau:
"Nữ:
Gặp anh hùng thiếp khiến hỏi anh hùng
Cầu chi đi mười hai tháng, phân cho cùng thiếp nghe?"
"Nam:
Kim Liên, Thủy Tú, Vĩnh Điện cho chí Câu Lâu Quảng Nam ta có mấy cái cầu dài thay
Ra sức đi chưa trọn nửa ngày Lẽ mô có lẽ đi ròng một năm Bạn hỏi ta, ta nghĩ lại cùng nhằm
Câu hát ẩn chứa ý nhị thâm trầm buộc người hỏi lẫn người đáp đều phải nhanh chóng chấp nhận cái ngôn ngữ ẩn dụ, hàm chứa ý nghĩa hai mặt của lời ca.
Như vậy, ngày hội mùa xuân với những người nông dân thường biểu hiện tinh thần thân ái, yêu cuộc sống, lạc quan và đoàn kết cộng đồng. Đây là cơ hội thuận lợi nhất để kết dính họ lại với nhau trong ánh mắt, nụ cười với những nghĩa cử đầy nhân bản. " Tục kiêng cữ điều xấu trong ngày xuân" là một phong tục đẹp minh chứng cho điều đó. Thông qua những trò chơi ngày tết, hội xuân góp phần củng cố tinh thần cộng đồng; qua các hình thái đọ sức, đua tài, họ phát huy trí thông minh, nâng cao năng khiếu thẩm mỹ, tài ứng đối khéo léo, thuật tư duy và rèn luyện thể chất.
Vòng sinh hoạt Âm - Dương của người đồng quê luôn căn cứ theo nhịp điệu tuần hoàn của thời tiết một năm: " Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn". Quá trình sinh hoạt của con người, cá nhân cũng như tập thể cộng đồng, cứ như thế mà tiến hóa theo nhịp điệu của thời tiết, đất trời. Con người tình cảm, con người tri thức và con người dũng cảm....cũng theo nhịp điệu thời tiết mà thích ứng, điều hòa. Đây là vòng tuần hoàn "nguyên thủy phản chung". Đó là vòng tròn xoáy ốc, chứ không phải là một thứ vòng tròn khép kín. Chính niềm tin vào vòng tuần hoàn xoáy ốc ấy đã bao trùm một ý nghĩa thấm nhuần, hài hòa với triết lý nhân sinh của văn hóa dân gian Việt Nam, của tâm thức Việt Nam, là thế giới luôn luôn vận động, luôn luôn có biến hóa về lượng tính. Chính niềm tin ấy đã mang lại cho đời sống tinh thần của dân tộc ta, của người dân chân chất mà sâu sắc xứ Quảng một niềm lạc quan yêu đời, dù phải trải qua bao gian nguy thử thách, phải đối mặt với bao thiên tai, địch họa. Tinh thần lạc quan ấy của cộng đồng người xứ Quảng biểu hiện ra trong toàn bộ đời sống văn hóa làng vừa tĩnh vừa động, vừa chân thật vừa ngọt ngào đến lay động lòng người:
"Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say Lòng ta như chén rượu đầy
Lời thề nhớ chén rượu này bạn ơi".
Hòa lẫn cùng với những giá trị văn hóa dân gian làng quê của người Việt ấy, âm hưởng của nền văn hóa Chăm vẫn còn đọng lại rất sâu trong tâm thức của mỗi người dân xứ Quảng.
Tâm thức ấy sẽ được "cộng hưởng" rất nhanh khi chúng ta dừng lại trước Thánh đô Mỹ Sơn - di sản văn hóa thế giới. ở đó, chúng ta có thể tái hiện lại toàn bộ nền văn hóa dân gian của người Chăm. Đó là nền văn hóa dân gian đặc sắc, vững chãi và trầm tích.
Người Chăm có lễ hội truyền thống, có chữ viết, tiếng nói riêng, có nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc độc đáo, có dàn nhạc, dân vũ, dân ca, có truyện cổ, trường ca, có nghề dệt, nghề gốm và có cả một đội ngũ nghệ nhân tài ba, nổi tiếng luôn gắn chặt với sinh hoạt văn hóa làng.
Có thể khẳng định rằng, Lễ hội Chăm là một nền tâm linh vững chãi, chùa tháp là đỉnh cao kiến trúc rực rớ. Còn ngôn ngữ, chữ viết, tiếng nói và nghệ thuật Chăm nói chung là cái gạch nối ngũ sắc rất bền vững, nối liền giữa đỉnh và nền. Ba yếu tố này như ba cái kho chắc chắn lưu giữ, bảo vệ rất hữu hiệu cho nền văn hóa truyền thống của người Chăm; và tất nhiên, cả phần tinh túy nhất của ba cái kho ấy đã tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm không dễ gì bị lai căng mà biến thành "dị bản" được.
Và, Mỹ Sơn sẽ mãi mãi xứng đáng là "Thánh đô" trong niềm tự hào của người dân đất Quảng.
Có thể khẳng định, văn hóa dân gian trên vùng đất Quảng Nam chứa đựng trong bản thân những yếu tố truyền thống bền vững; đồng thời cũng xác lập được những sắc thái riêng của một địa bàn dân cư giàu năng lực, có tính cách mạnh mẽ và có khát vọng vươn tới những chân trời tri thức mới. Văn hóa dân gian Quảng Nam là bức tranh sinh động phản ánh trung thực dòng chảy liên tục của văn hóa dân gian Việt Nam.
Phần đóng góp của văn hóa dân gian Quảng Nam vào quá trình phát triển của văn hóa dân gian Việt Nam chính là đã không rời xa truyền thống văn hóa giàu sức sống