Vị trí của chính quyền, cán bộ,công chức ở cấp cơ sở

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về làm việc ở chính quyền cơ sở pdf (Trang 28 - 33)

duy tri tiến độ

1.2.2.1.Vị trí của chính quyền, cán bộ,công chức ở cấp cơ sở

Chính quyền cơ sở bao gồm Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, được bầu theo Hiến pháp và pháp luật. Theo quy định của pháp luật, "Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên". Theo Điều 2, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003 thì:"Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu là cơ quan chấp hành của hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở".

ở nước ta, chính quyền cấp xã gồm xã, phường, thị trấn là chính quyền cơ sở, cấp thấp nhất trong hệ thống chính quyền địa phương. Ba loại hình này có nhiều nét chung nhưng cũng có những điểm khác biệt. Sự khác biệt đó thể hiện ở các mối quan hệ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, truyền thống, tính cộng đồng, địa lý, dân cư…Chính quyền cấp xã có vai trò vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ trong cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước mà còn là yếu tố chi phối mạnh mẽ tới đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của các cộng đồng dân cư và toàn thể người dân trong địa bàn; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là mắt xích quan trọng trong cơ chế thực hiện quyền lực nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước đều phải được thực hiện ở cấp xã.

Chính quyền cơ sở theo quan niệm chung còn được xác định là "trụ cột", "trung tâm" của hệ thống chính trị cơ sở trong tổ chức, triển khai mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đảm bảo cho nó đi vào cuộc sống. Chính quyền cơ sở với chức năng, thẩm quyền được thể chế hoá theo phân cấp cùng với cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, công chức có thể thực hiện điều đó, mà khó có tổ chức nào ở cơ sở thay thế được.

Đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cơ sở đã đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền cơ sở, trong hoạt động thi hành nhiệm vụ, công vụ. Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền cấp xã nói riêng và hệ thống chính trị cơ sở nói chung, xét đến cùng được quyết định bởi phẩm chất, năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cơ sở. Có thể nói, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm trong suốt quá trình từ khi xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân cho đến nay.

Xuất phát từ quan điểm cán bộ là nhân tố quyết định thành công hay thất bại của sự nghiệp cách mạng, "cán bộ là cái gốc của mọi công việc"[54, tr.269], "công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém"[54, tr.273]. Trong nhiều văn kiện của Đảng đều khẳng định vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng. Hội nghị Trung ương 3 khoá VIII của Đảng đã khẳng định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành công của cách mạng…Cán bộ có vai trò cực kỳ quan trọng hoặc thúc đẩy hoặc kìm hãm tiến trình đổi

mới. Cán bộ nói chung có vai trò rất quan trọng, cán bộ cơ sở nói riêng có vị trí nền tảng cơ sở…Cơ sở xã, phường, thị trấn mạnh hay yếu một phần quan trọng phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn. Với vị trí là "nền tảng cơ sở", vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp xã được thể hiện qua bốn mối quan hệ: với đường lối, chính sách và pháp luật; với bộ máy chính quyền; với công việc; với quần chúng nhân dân:

Quan hệ giữa đường lối, nhiệm vụ chính trị với cán bộ, công chức chính quyền cơ sở là mối quan hệ nhân quả. Đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cơ sở có phẩm chất và năng lực tốt mới có thể cụ thể hoá, bổ sung hoàn chỉnh đường lối. Không có đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp xã vững mạnh thì dù đường lối, nhiệm vụ chính trị có đúng đắn cũng khó biến thành hiện thực. Như vậy, cán bộ, công chức chính quyền cấp xã góp phần quyết định sự thành bại của đường lối và nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.

Cán bộ, công chức chính quyền cấp xã là những người trực tiếp đem chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành; đồng thời nắm bắt tình hình triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước phản ánh cho Đảng và Nhà nước để có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. ở đây, vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp xã là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ với quần chúng nhân dân. Trên ý nghĩa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: "Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng"[55, tr.269].

Cán bộ, công chức chính quyền cấp xã là nhân tố chủ yếu, hàng đầu và là nhân tố "động" nhất của bộ máy chính quyền cấp xã; là người tổ chức và điều hành hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã. Song đến lượt mình, cán bộ, công chức chính quyền cấp xã lại chịu sự chi phối, ràng buộc bởi quy định của tổ chức. Tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã buộc người cán bộ, công chức chính quyền cơ sở phải hành động theo những nguyên tắc và khuôn khổ nhất định. Tổ chức bộ máy chính quyền khoa học và

hợp lý sẽ nhân sức mạnh của cán bộ, công chức chính quyền cấp xã lên gấp bội. Cán bộ, công chức chính quyền cấp xã có sức mạnh khi gắn với tổ chức chính quyền và nhân dân. Nếu tách rời khỏi tổ chức chính quyền thì cán bộ, công chức chính quyền cấp xã mất sức mạnh quyền lực và hiệu lực do nhân dân tạo nên.

Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp xã với tư cách là người thực thi pháp luật càng có vai trò, vị trí quan trọng trong việc góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt trong triển khai, tổ chức thực hiện pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

Cán bộ, công chức chính quyền cấp xã và đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp xã là lực lượng "nòng cốt" trong quản lý và tổ chức công việc của chính quyền cấp xã. Nói cách khác, mỗi cán bộ, công chức chính quyền cấp xã và đội ngũ ấy đang được giao thực hiện khối lượng công việc rộng, nhiều và có tác động ảnh hưởng lớn trong việc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Nhiệm vụ của họ là thực thi công vụ mang tính tự quản theo pháp luật và bảo toàn tính thống nhất của thực thi quyền lực nhà nước ở cơ sở. Đồng thời, chính họ cũng có khả năng đóng góp một khối lượng lớn ý kiến đề xuất với các cơ quan nhà nước cấp trên để xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, phù hợp hướng tới nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cơ sở gần dân có vai trò trực tiếp bảo đảm kỷ cương phép nước tại cơ sở, bảo vệ các quyền tự do dân chủ, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm trật tự xã hội, ngăn chặn các hình thức vi phạm pháp luật. Họ cũng là những người đóng vai trò tiên phong, đi đầu trong đấu tranh chống các hiện tượng quan liêu, tham nhũng, cửa quyền và các tiêu cực khác làm cho bộ máy chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Thông qua hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp xã, nhân dân thể hiện được quyền làm chủ và trực tiếp thực hiện quyền tự quản của mình.

Trong hệ thống chính trị nước ta, cán bộ cơ ở (xã, phường, thị trấn) là những người ngoài việc trực tiếp lãnh đạo và tổ chức thực hiện mọi chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn phải trực tiếp giải quyết hằng ngày, hằng giờ những vấn đề dân quyền, dân sinh, dân trí ở cơ sở. Do vậy, xây dựng đội ngũ

cán bộ, công chức cấp cơ sở vững mạnh là yêu cầu cơ bản và cấp bách nhằm đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, tạo ra động lực mới phát huy nội lực từ cơ sở. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nền tảng của mọi công tác là cấp xã"[53, tr.458] và "cấp xã là gần dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi"[53, tr.371].

Nhận thức được vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp xã trong quá trình xây dựng đất nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX đã xác định: xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở là một trong ba vấn đề cơ bản, bức xúc nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên, trong nhận thức và việc làm vẫn có những ý niệm đơn giản về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp xã, chưa thấy hết được tính quyết định của họ đối với hoạt động quản lý hành chính ở cơ sở. Việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với họ cũng chưa tương xứng.

Đội ngũ cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã là một lực lượng nòng cốt ở cấp chính quyền cơ sở, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Việc chuẩn hoá và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là đòi hỏi tất yếu, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp cơ sở.

Theo thống kê, đội ngũ cán bộ chuyên trách và cán bộ công chức cấp xã trong toàn tỉnh hiện nay có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bậc đại học chiếm tỉ lệ rất thấp. Đây là khó khăn không nhỏ đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của Nghệ An.

Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do chế độ tiền lương đối với cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã còn thấp, không tạo được động lực để khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã học tập, nâng cao trình độ để thực hiện nhiệm vụ, cũng như chưa tạo ra lực hút đủ mạnh đối với các đối tượng có trình độ chuyên môn về công tác tại cơ sở. Vì vậy, xây dựng một chế độ ưu đãi hợp lý dành cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là góp phần tạo lực hút đối với nguồn nhân lực có trình độ như sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học về phục vụ chính quyền cơ sở; đồng thời giảm thiểu chi phí

dành cho việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã không đủ trình độ và năng lực.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về làm việc ở chính quyền cơ sở pdf (Trang 28 - 33)