3. Nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân,lao động trong doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn
4.4. Kiến nghị với Bộ Thương mại, Tổng cục Du lịch
- Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực ngành, Bộ Thương mại, Tổng cục Du lịch tham mưu giúp Chính phủ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quản lý Nhà nước về thị trường và hoạt động thương mại, du lịch theo hướng hạn chế các can thiệp hành chính, tăng cường các biện pháp và công cụ kinh tế là chủ yếu nhằm tạo điều kiện để thị trường phát huy khă năng tự điều tiết;
- Tăng cường công tác phối hợp với từng địa phương để tổ chức tốt thị trường và phương thức kinh doanh trên từng địa bàn nhằm khai thác tối đa lợi thế thương mại, du lịch ở từng vùng, đồng thời hạn chế sự phát triển thiếu quy hoạch, không đồng bộ; cần nghiên cứu ban hành chính sách quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn phát triển thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa;
- Tăng cường các hoạt động thông tin thị trường và xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực thu thập, xử lý và dự báo thông tin về thị trường phục vụ cho quản lý và kinh doanh và giúp cho các địa phương, doanh nghiệp phát triển đúng hướng;
- Thực hiện phát triển các chính sách và giải pháp tình thế nhằm tác động hỗ trợ xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước;
- Tập trung củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống các trường đào tạo trong Ngành, đồng thời phối hợp chặt chẽ với hệ thống giáo dục của đất nước để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Thương mại, Du lịch; trước mắt, xây dựng chiến lược đào tạo cán bộ quản lý Ngành, doanh nghiệp, mở rộng và đa dạng hình thức đào tạo lại lao động tại các doanh nghiệp.
KẾT LUẬN
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, xã hội ngày càng nhanh trong những năm gần đây, lĩnh vực thương mại, du lịch Việt Nam cũng có những bước tiến vững chắc. Nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong lĩnh vực
Thương mại, Du lịch đã ra đời và đi vào sản xuất, kinh doanh góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Việc thành lập các doanh nghiệp đã tạo nhiều việc làm cho người lao động ở các địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh các doanh nghiệp cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết về mặt xã hội, nhất là đối với người lao động.
Quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, mà chủ yếu là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động chưa được cải thiện đáng kể. Tình trạng người lao động phải kéo dài thời gian lao động, tăng cường độ lao động trong điều kiện thiếu các phương tiện bảo hộ, vệ sinh an toàn lao động đã diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng những điều khoản Quy định của Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn và các chính sách đối với người lao động.
Về mặt pháp lý, tổ chức đại diện duy nhất cho người lao động là Công đoàn. Nhưng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh lĩnh vực Thương mại, Du lịch, số doanh nghiệp đã thành lập Công đoàn còn ít. Cho nên, nhiều quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị vi phạm nhưng người lao động không biết hoặc không có khả năng đấu tranh đòi thực hiện các chế độ, chính sách đó. Vì thế quan hệ lao động trong doanh nghiệp ít được cải thiện.
Một số chủ doanh nghiệp chưa muốn thành lập Công đoàn trong doanh nghiệp mình vì nhiều lý do như chưa hiểu hết vai trò, chức năng của Công đoàn, nhất là chức năng tham gia quản lý sản xuất của Công đoàn. Một số Công đoàn cơ sở được thành lập trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh lĩnh vực Thương mại, Du lịch nhưng hoạt động kém hiệu quả nên không được sự đồng tình ủng hộ của công nhân, lao động và người sử dụng lao động, không phát huy hết vai trò tác dụng của Công đoàn.
Để phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn cơ sở, Công đoàn ngành Thương Mại và Du lịch Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, cử cán bộ thâm nhập các doanh nghiệp mới thành lập để vận động thành lập Công đoàn. Nhưng do lực lượng mỏng, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn trực tiếp làm công tác vận động, thành lập Công đoàn trong các doanh nghiệp còn thiếu, cộng với các lý do chủ quan từ phía chủ doanh nghiệp và từ phía người lao động nên kết quả của công tác vận động thành lập Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh lĩnh vực Thương mại, Du lịch còn hạn chế.
Thực tiễn công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh lĩnh vực Thương mại, Du lịch đặt ra yêu cầu đẩy nhanh tốc độ phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn cơ sở hơn nữa. Mặt khác, hoạt động Công đoàn trong các lĩnh vực Thương mại, Du lịch cần được đổi mới về nội dung và phương thức; đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp của Công đoàn ngành Thương mại, Du lịch cần được xây dựng, quy hoạch, đào tạo nâng cao trình độ để đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện mới. Đặc biệt, hoạt động Công đoàn trong doanh nghiệp cần được quan tâm xây dựng, cải thiện quan hệ lao động nhằm làm cho sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao thu nhập cho công nhân, lao động và lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Muốn đạt được các yêu cầu thực tiễn đó cần có sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các Ngành; sự lãnh đạo của Đảng bộ, Chính quyền các địa phương, sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đặc biệt là sự phấn đấu kiên trì, bền bỉ của các cấp Công đoàn ngành Thương mại, Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp, sự đồng tình ủng hộ của chủ doanh nghiệp, sự tham gia nhiệt tình của công nhân, lao động.
Nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong lĩnh vực Thương mại, Du lịch là một trong những biện pháp hữu hiệu để phát triển sản xuất, kinh doanh của ngành Thương mại, Du lịch nói chung của doanh nghiệp nói riêng, đồng thời góp phần tích cực vào sự phát triển của phong trào công nhân, lao động và Công đoàn Việt Nam. Đây chính là nội dung chính được khảo sát và nghiên cứu trong đề tài này./.