Trong công tác của mình, Bảo tàng Dân tộc học rất chú trọng tới hoạt động quốc tế. Bảo tàng đã nhận được sự giúp đỡ tích cực và có hiệu quả của các chuyên gia từ bảo tàng con người Pháp, trên cơ sở hiệp định hợp tác khoa học và kỹ thuật song phương giữa hai nước. Phía Pháp đã tư vấn những quan niệm mới về bảo tàng, giúp đỡ và thiết kế nội thất, về tổ chức trưng bày, đồng thời đã cung cấp nhiều trang thiết bị hiện đại cho bảo tàng. Các chuyên gia Pháp mà tiêu biểu là bà Christine Hemmet – nhà dân tộc học và
bà Véronique Dollfus – kiến trúc sư đã làm việc không biết mệt mỏi cùng các đồng nghiệp Việt Nam hơn 10 năm nay và họ đã cống hiến cho sự ra đời của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Nhờ đó đã đẩy mạnh việc giới thiệu truyền thống văn hoá của nước ta ra nước ngoài, góp phần tăng cường hiểu biết về con người và đất nước Việt Nam trên thế giới.
Bên cạnh đó bảo tàng cũng thiết lập được mối quan hệ hợp tác hiệu quả, chặt chẽ với những nhà khoa học, các viện, bảo tàng, và trường đại học của nhiều nước. Đặc biệt là Bảo tàng Dân tộc học quốc gia OSAKA (Nhật Bản), Bảo tàng nhiệt đới (Hà Lan), Bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ, đại học Indian và viện SmitSonien (Mỹ) và các tổ chức quốc tế: ACCT, quỹ FORD, quỹ giao lưu văn hoá Nhật Bản, quỹ TOYOTA, hội đồng văn hoá Châu á (Mỹ)... Bảo tàng cũng phối hợp với các chuyên gia tham gia đào tạo về chuyên môn: bảo quản, trưng bày, giáo dục, làm phim dân tộc học, trình diễn cho các cán bộ của bảo tàng, hay cùng nghiên cứu về các dân tộc phía Bắc (Mông, Dao), âm nhạc dân tộc (Thái, KhơMú)...
Bảo tàng Dân tộc học cũng là bảo tàng đi tiên phong trong việc giới thiệu văn hoá Việt Nam ra nước ngoài. Chính sự hợp tác chặt chẽ này đã tạo cho Bảo tàng Dân tộc học một vị thế xứng đáng trong hệ thống bảo tàng và có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch, là thế mạnh ưu việt trong quá trình hội nhập của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
CHƯƠNG III: KHẢO SÁT VỀ HÌNH ẢNH CỦA BẢO TÀNG TRONG CON MẮT KHÁCH DU LỊCH.