Chiến lược giá giúp PLC đạt được mục tiêu cuối cùng là tối đa hoá lợi nhuận. Trong khi các thương hiệu nước ngoài xây dựng múc giá cao dựa trên thương hiệu mạnh và chiến lược chuyên biệt hoá sản phẩm với các dòng sản phẩm cao cấp, thì PLC với thương hiệu còn yếu đang theo đuổi chiến lược chi phí tối ưu, để có được mức giá cạnh tranh với các dòng sản phẩm trung bình và thấp. Tuy nhiên, chiến lược giá của PLC còn một số mặt hạn chế sau:
- Phương pháp tính giá: Phương pháp tính giá của PLC dựa trên mức giá giao của Công ty mẹ cộng thêm mức chi phí và lợi nhuận tối thiểu là 8%. Do vậy, các chi nhánh của PLC không thể chủ động về giá, giá bán bị lệ thuộc vào mức giá giao của công ty mẹ, mà mức giá giao này thường không gắn và không nhạy cảm với mức giá thị trường. Do vậy trong những thời điểm thị trường có biến động giảm giá, mức giá giao không kịp điều chỉnh, dẫn đến mức giá bán của PLC không theo kịp mức giá của thị trường. Vì thế trong thời gian tới, PLC cần phải thay đổi phương pháp tính giá để thích nghi với biến động giá của thị trường, cách tính giá phải dựa trên cơ sở giá nhập khẩu nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh... và cuối cùng là lợi nhuận.
- Mức giá bán: Mức giá bán phải hết sức cạnh tranh với mức giá thị trường. Theo kết quả khảo sát, mức giá của PLC chỉ thấp hơn rất ít so với các nhãn hiệu nước ngoài. Với mức giá mua có thể chấp nhận được, người tiêu dùng sẵn sàng sử dụng các nhãn hiệu nước ngoài với sự đảm bảo hơn về phẩm cấp và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, với mức giá bán đó, PLC cũng không thể cạnh tranh được với các nhãn hiệu trong nước khác cùng loại, khi giá bán của họ thấp hơn hẳn. Do vậy, trong chiến lược giá ngắn hạn, PLC phải theo đuổi chiến lược tối ưu hoá chi phí để có mức giá cạnh tranh, tương đương với các nhãn hiệu nội địa khác và phải thấp hơn giá các nhãn hiệu nước ngoài tối thiểu từ 10 đến 15%.
Bên cạnh đó, PLC cần phải xây dựng một mức giá bán công bố thống nhất để hạn chế sự chêch lệch giá bán giữa các khu vực và các nhà phân phối trung gian với nhau. Ngược lại, mức giá bán sỉ phải linh động và riêng biệt áp dụng cho từng nhà phân phối trung gian với mức chiết khấu khác nhau tuỳ theo từng khu vực, từng địa bàn, mức sản lượng, phương thức thanh toán, mức tín dụng… mức chiết khấu phải kích thích, khuyến khích khách hàng mua với số lượng lớn hoặc có mức chiết khấu ưu đãi cho những địa bàn ưu tiên.