- Thu lợi bất chính đặc biệt lớn
c) Tiền án, tiền sự
3.2.2.5. Tăng cường hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm về tiêu thụ tài sản của các cơ quan công an, viện kiểm sát và toà án chủ thể chủ yếu
của hoạt động này
Với tư cách là những cơ quan trực tiếp điều tra, truy tố, xét xử, cải tạo, giáo dục người phạm tội, cơ quan công an, toà án, viện kiểm sát luôn luôn đóng vai trò hàng đầu và chủ chốt trong phòng ngừa loại tội phạm này.
Với chức năng hoạt động và các điều kiện vật chất của mình, hoạt động phòng ngừa do các chủ thể trên thực hiện có hiệu quả phòng ngừa cao, toàn diện. Các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm do công an, toà án, viện kiểm sát thực hiện mang tính nghiệp vụ cao đồng thời tác động mạnh mẽ trong việc hạn chế tình hình tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng như phát hiện nguyên nhân và điều kiện phạm tội.
Đối với cơ quan công an- cơ quan đóng vai trò trực tiếp đấu tranh với tội phạm cần phải tích cực truy quét tội phạm đặc biệt là các tội phạm trộm cắp, cướp giật và tịch thu tận gốc tài sản phạm pháp có được từ hoạt động này để triệt phá “đầu ra” cho tài sản do người khác phạm tội mà có đối với những loại tài sản này.
Đồng thời, cơ quan công an phải có biện pháp loại trừ rủi ro cho người thực hiện hành vi tố giác tội phạm bằng cách quy định hình thức báo tin, tố giác. Yêu cầu này đặt ra là hoàn toàn phù hợp với tâm lý người báo tin, tố giác cũng như người làm chứng và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Các cơ sở tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm phải đảm bảo cho được các yếu tố sau:
- Thuận tiện về địa điểm
- Có đầy đủ các phương tiện cần thiết để tiếp nhận tố giác và tin báo dưới các hình thức khác nhau.
- Liên tục có cán bộ trực ban 24/24 giờ hằng ngày.
Những yếu tố này cần phải được kiện toàn và duy trì liên tục để đảm bảo hiệu quả cho công tác đấu tranh với tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Phải kết hợp với việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát hiện điều tra nhanh chóng các vụ án, lôi cuốn được quần chúng và các cơ quan tổ chức khác vào hoạt động đấu tranh với tội phạm này để bảo vệ trật tự trị an xã hội…
Đối với viện kiểm sát, cơ quan này được đánh giá cao trong việc phát hiện các vi phạm pháp luật và tội phạm cùng các cơ quan hữu quan khác làm sáng tỏ nguyên nhân và điều kiện tình hình phạm tội, phát hiện nhanh chóng, chính xác tội
phạm.Vì vậy, viện kiểm sát phải làm tốt chức năng của mình đó là thực hành quyền công tố, đảm bảo truy tố đúng người đúng tội đúng pháp luật .
Thực hiện tuyên truyền pháp luật, công khai các tin tức điều tra, xét xử tội phạm cũng như các số liệu thống kê loại tội phạm này tạo nên những tác động tích cực cho hoạt động đấu tranh với loại tội phạm tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có .
Đối với toà án – cơ quan thực hiện công tác xét xử tội phạm. Toà án là nơi nắm được khá chính xác thực trạng của tình hình tội phạm này. Vì vậy, những kết luận và kiến nghị của toà án về việc hoàn thiện điều 250 quy định về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên phương diện pháp lý.
Ngoài ra, tòa án cần tăng cường hình thức xét xử lưu động đây là một trong các hoạt động góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc nói không với đồ gian và không tiêu thụ đồ phạm pháp.
Tóm lại, để xoá bỏ hoặc vô hiệu hoá các nguyên nhân và điều kiện phạm tội, không để cho tội phạm xảy ra, từ đó, làm giảm tội phạm và cao hơn là loại trừ hoàn toàn tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội, chúng ta không chỉ có các biện pháp phòng ngừa chung xã hội, mà phải có biện pháp phòng ngừa riêng, để tạo nên một hệ thống phòng ngừa thống nhất. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải thực hiện việc tấn công tội phạm trên tất cả các lĩnh vực, thực sự giữ vị trí chủ động trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.