TRUNG TÂM DU LỊCH HÀ NỘI
3.3. ĐÁNH GIÁ ĐIỂM MẠNH, ĐIỂM YẾU, CƠ HỘI VÀ ĐE DOẠ
Sau khi xem xét thực trạng hoạt động kinh doanh và môi trường kinh doanh của Trung tâm Du lịch Hà Nội. Ta sẽ tiến hành đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và đe doạ để xây dựng và hoàn thiện chiến lược kinh doanh cho Trung tâm cũng như đưa ra những kiến nghị với Trung tâm. Để xây dựng một
chiến lược kinh doanh có tính khả thi thì việc đánh giá này là rất quan trọng. Nó là điều kiện để Trung tâm xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp.
3.3.1. Điểm mạnh:
Điểm mạnh được xem xét như những thế mạnh bên trong của Trung tâm ảnh hưởng đến đối thủ cạnh tranh và nhu cầu của thị trường. Qua hoạt động kinh doanh của Trung tâm ta thấy có một số điểm mạnh sau:
+ Sau 10 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã xây dựng được hình ảnh tốt đối với khách du lịch, tạo ra được uy tín và danh tiếng của mình trên thị trường.
+ Là một Trung tâm lữ hành mạnh, được xếp vào 1 trong 10 công ty lữ hành có chất lượng tốt nhất ở Việt Nam.
+ Là một doanh nghiệp Nhà nước, chịu sự quản lý Nhà nước về du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam và Sở Du lịch Hà Nội nên trong quá trình hoạt động Trung tâm sẽ được ưu đãi hơn về các chính sách, nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Nhà nước về chương trình hành động một cách nhanh chóng và chính xác.
+ Giá cả của các chương trình du lịch rẻ hơn so với một số công ty khác nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng.
+ Đội ngũ nhân viên trong Trung tâm làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, và luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao phó.
3.3.2. Điểm yếu:
Được xem như là những khuyết điểm, yếu kém đang tồn tại ở Trung tâm.
Có thể rút ra một số điểm yếu của Trung tâm Du lịch Hà Nội:
+ Chưa xây dựng được cho mình những chương trình du lịch mang tính dị biệt hoá so với các đối thủ cạnh tranh.
+ Hoạt động kinh doanh của Trung tâm ngày càng được mở rộng nhưng hiệu quả đạt được lại chưa cao.
+ Vào những thời điểm chính vụ thường hay xảy ra tình trạng thiếu hướng dẫn viên. Vì vậy, đôi khi Trung tâm phải sử dụng thêm đội ngũ cộng tác viên.
3.3.3. Cơ hội:
Là những điều kiện tốt diễn ra trong môi trường kinh doanh có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của Trung tâm. Có thể đưa ra một số cơ hội sau:
+ Nhu cầu đi du lịch ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu và quan trọng đối với mọi người dân trong nước và trên thế giới. Đối với người dân Việt Nam, cùng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ( 7,04% năm 2002), thu nhập trong mọi tầng lớp dân cư cũng tăng. Và khi đó khả năng thanh toán của họ tăng, nhu cầu đi du lịch sẽ được đáp ứng.
+ Ngành du lịch được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong những năm tiếp theo. Trong năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2001-2010 và Chương trình hành động quốc gia về du lịch 2002-2005.
+ Với vai trò và vị trí là Thủ đô của cả nước, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá lớn trong chiến lược phát triển quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội, các nhà lãnh đạo có chủ trương đầu tư xây dựng để Hà Nội sẽ là một trung tâm du lịch lớn của cả nước và đẩy mạnh việc phát triển du lịch ở Hà Nội.
+ Các làng nghề truyền thống, những nét đẹp trong đời sống văn hoá, tinh thần, những lễ hội, món ăn dân tộc cũng đang được khôi phục và khai thác phục vụ khách du lịch.
+ Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Du lịch-Hàng không-Ngoại giao-Văn hóa, hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam xuất hiện liên tục các tháng trong năm trên hầu hết các thị trường du lịch trọng điểm như: Đức, Bỉ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Mỹ…thông qua việc tham gia hội chợ, hội thảo, diễn đàn và tổ chức các sự kiện xúc tiến.
+ Mối quan hệ hợp tác quốc tế về du lịch ngày càng được mở rộng vả trong và ngoài khu vực, cả song phương và đa phương, ở cấp quốc gia, địa phương và doanh nghiệp. Du lịch Việt Nam đã tham gia tích cực và đầy đủ hơn các nội dung hợp tác, chủ động thực hiện nghĩa vụ và khai thác tốt quyền lợi
thành viên trong các tổ chức quốc tế và khu vực. Du lịch Việt Nam đã tham gia tích cực diễn đàn du lịch ASEAN, trong Tổ chức Du lịch thế giới (WTO), Hiệp hội Du lịch Châu á-Thái Bình Dương (PATA), hợp tác APEC và ASEM, hợp tác du lịch tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng… Mới đây, Chính phủ 6 nước nằm trong tiểu vùng sông Mê Kông đã ký định về việc nới lỏng các thủ tục hành chính cho du khách. Khách du lịch chỉ cần được cấp một giấy phép thông hành là có thể đi du lịch ở cả 6 nước. Điều này sẽ tiết kiệm được thời gian và tránh được các thủ tục rườm rà cho du khách khi đi du lịch. Vì vậy, trong thời gian tới việc đi du lịch ở 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông sẽ rất dễ dàng và thuận tiện.
+ Việt Nam có môi trường chính trị ổn định.
3.3.4. Đe doạ:
Là những cản trở của môi trường kinh doanh bên ngoài có tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của Trung tâm. Có thể đưa ra một số đe doạ:
+ Trên thị trường hiện nay, ngày càng có nhiều công ty tham gia hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các công ty. Vì vậy, hoạt động kinh doanh của Trung tâm ngày càng gặp khó khăn hơn.
+ Môi trường kinh doanh chưa ổn định dẫn đến hoạt động kinh doanh du lịch còn nhiều bấp bênh.
+ Trong thời gian này, hoạt động kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự biến động của tình hình thế giới và đặc biệt là ảnh hưởng bởi căn bệnh viêm đường hô hấp cấp gọi tắt là SARS. Hiện nay trên thế giới đã có nhiều nước mắc phải căn bệnh này: Hồng Kông, Trung Quốc, Canada… và số người tử vong cũng tăng lên hàng ngày. Đây chính là nỗi lo cho những nước có ngành du lịch phát triển, bởi vì nó hạn chế số lượng khách đi du lịch.
Từ những phân tích trên, ta có thể thấy được thuận lợi mà Trung tâm cần tranh thủ nắm bắt để phát triển của động kinh doanh du lịch của mình. Bên cạnh những thuận lợi là những khó khăn mà Trung tâm cần có giải pháp khắc phục kịp thời.
Ta có thể đề xuất một số phương án kinh doanh định hướng cho Trung tâm dựa vào việc kết hợp từ ma trận SWOT.
*Kết hợp điểm mạnh (S) của Trung tâm và cơ hội (O) của môi trường kinh doanh: Với sự lớn mạnh của Công ty Du lịch Dịch vụ Hà Nội cộng với uy tín, danh tiếng của Trung tâm trên thị trường. Sự nắm bắt nhanh chóng, chính xác các chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước kết hợp với những cơ hội thuận lợi trong môi trường kinh doanh. Tất cả sẽ cho phép Trung tâm Du lịch Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh lữ hành, mở rộng thị trường khách trong và ngoài nước. Tranh thủ những cơ hội để kinh doanh có hiệu quả, tăng số lượng khách đến với Trung tâm, tăng doanh thu và lợi nhuận.
*Kết hợp điểm mạnh (S) của Trung tâm và đe doạ (T) của môi trường kinh doanh: Trung tâm có thể lợi dụng tối đa những điểm mạnh của mình để hạn chế những đe doạ từ phía môi trường kinh doanh. Bằng việc sử dụng uy tín của Trung tâm, đội ngũ nhân viên làm việc có trách nhiệm, mức giá cả hợp lý. Trung tâm sẽ tiến hành các hoạt động kinh doanh nhằm làm hạn chế sự cạnh tranh gay gắt và làm ổn định môi trường kinh doanh.
*Kết hợp điểm yếu (W) và cơ hội (O): Trung tâm nên tận dụng tối đa các cơ hội trên thị trường để khắc phục những điểm yếu trong nội bộ. Với những cơ hội hiếm có trên thị trường, Trung tâm sẽ tiến hành các hoạt động kinh doanh.
Từ đó Trung tâm có thể xây dựng cho mình một số chương trình du lịch mang tính dị biệt hoá, nâng cao hiệu quả kinh doanh: tăng doanh thu và lợi nhuận.
*Kết hợp điểm yếu (W) và đe doạ (T): Trong trường hợp này Trung tâm sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi vậy Trung tâm phải xây dựng cho mình những phương án nhằm duy trì hoạt động kinh doanh và tránh những đe doạ của môi trường.