phạm pháp luật để khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Rà soát, hệ thống hóa có tác dụng tạo cơ sở về mặt pháp lý cho sự đổi mới về chất một số văn bản pháp luật, làm cho các văn bản đó được cải tiến so với quy định trước đó, đồng thời tạo ra sự thống nhât, hài hòa giữa các văn bản sẽ được ban hành với hệ thống pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, công tác này còn giúp cho cơ quan thi hành pháp luật có điều kiện nắm bắt dễ dàng, nhanh chóng những
quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy, thực hiện tốt công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật sẽ góp phần to lớn trong việc hạn chế tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay.
Rà soát văn bản quy phạm pháp luật là các thao tác kỹ thuật nghiệp vụ nhằm soát, xét lại các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong một thời gian nhất định, được tiến hành theo chuyên đề, lĩnh vực hay ngành luật nhằm phát hiện những quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo để xử lý bằng những hình thức nhất định. Rà soát có thể được tiến hành theo những cách thức, quy mô và mức độ rộng hẹp khác nhau. Trước khi tiến hành rà soát cần thu thập đầy đủ toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, không bỏ sót một văn bản nào. Muốn vậy, phải xem xét tất cả các loại văn bản và sau đó chỉ giữ lại những văn bản quy phạm pháp luật để rà soát. Để công tác rà soát có hiệu quả cần thực hiện tốt các vấn đề, đó là: xác định chủ đề của từng đợt rà soát, thành lập tổ công tác, tập hợp các văn bản có liên quan và nghiên cứu những văn bản còn khiếm khuyết và đề ra hướng giải quyết.
Bước tiếp theo tất yếu của rà soát là hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống hóa có nhiệm vụ tập hợp, sắp xếp những văn bản quy phạm pháp luật riêng lẻ thành một hệ thống thống nhất, hài hòa về nội dung và hình thức. Thông qua hệ thống hóa, những văn bản hoặc phần văn bản hết hiệu lực sẽ được lọai bỏ, tạo điều kiện cho việc tra, tìm và áp dụng pháp luật được chính xác, thuận tiện. Khoản 2, Điều 93, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định: “Quy phạm pháp luật phải được rà soát, tập hợp, sắp xếp thành bộ pháp điển theo từng chủ đề”. Mặc dù là quy định bắt buộc nhưng để có thể pháp điển hóa thành công thì cần phải có kế hoạch từng bước cụ thể và phải cân nhắc
“các yếu tố có tác động tới sự thành công của hệ thống pháp điển như: các quy định nên được tổ chức sắp xếp lại bởi cơ quan ban hành văn bản; bộ pháp điển sẽ chỉ chứa các quy định có giá trị pháp lý lâu dài và được Quốc hội thông qua và công bố như một ấn phẩm công báo đặc biệt, được công bố rộng rãi trên
mạng; cần có một cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì bộ pháp điển;…” [31].
Bên cạnh việc đề cao hơn nữa thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, cần phải xác định rằng rà soát, hệ thống hóa là nhiệm vụ thường xuyên của tất cả các cơ quan trong bộ máy Nhà nước. Để thực hiện tốt điều đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan khác. Việc phối hợp này để thông tin, phát hiện, thu thập và xử lý các văn bản quy phạm pháp luật, giúp giảm thiểu việc bỏ lọt văn bản trong quá trình rà soát, hệ thống hóa.