Một văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng là một văn bản không chỉ tuân thủ đúng các quy định của pháp luật mà hơn hết nó phải đáp ứng được những đòi hỏi của thực tế xã hội. Tuy nhiên, tình hình hiện nay cho thấy, có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật ra đời và không ít trong số đó không đáp ứng được các yêu cấu, đòi hỏi của xã hội. Trong khi các vấn đề phát sinh trong hoạt động quản lý Nhà nước ngày càng phong phú, đa dạng và không ngừng biến đổi thì nhiều quy định của pháp luật hiện hành hoặc quá lạc hậu so với thực tế, hoặc “quá cao” làm cho pháp luật không phát huy được tác dụng hay thực hiện kém hiệu quả.
Luật Thuế Giá trị gia tăng năm 1997 quy định về các mức thuế suất, ngoài thuế suất 0% còn có ba mức thuế suất khác là 5%, 10% và 20%. Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi, bổ sung 2004 được áp dụng đã bỏ loại thuế suất 20% và chỉ còn áp dụng hai loại 5% và 10%. Trong đó, 5% là mức thuế suất ưu đãi, được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân . Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, trước những khó khăn của nền kinh tế, diện chịu thuế suất 5% đã được mở rộng và không tuân theo nguyên tắc trên: các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ở mức thuế suất này không những không phải nộp thuế mà còn được hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước. Điều đó là hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi phải có sự rà soát lại diện áp dụng mức thuế suất 5% cho phù hợp. Bên cạnh đó, Luật Thuế Giá trị gia tăng còn quy định tiêu chí để phân định ranh giới giữa diện chịu thuế suất 5% và 10% vừa theo tên hàng hóa, dịch vụ, vừa theo công dụng của hàng hoá, dịch vụ làm cho việc áp dụng thuế suất không thống nhất. Ví dụ: sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất áp dụng thuế suất 5%, sản phẩm là cơ khí tiêu dùng áp dụng mức thuế suất 10%, trong khi đó, trên thực tế nhiều trường hợp không thể phân định được rõ tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng.
Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 có quy định mức xử phạt vi phạm hành chính thấp nhất là 5000 đồng<khoản 1, Điều 14>. Mức xử phạt như vậy là quá thấp so với mức thu nhập cũng như tiêu dùng của người dân. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 04/2008/UBTVQH12 tuy đã có những sửa đổi, bổ sung tích cực hơn, tăng mức xử phạt xử phạt vi phạm hành chính lên mức thấp nhất 10.000 đồng nhưng thực tế như vậy vẫn còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe, tạo ra tâm lý coi thường pháp luật trong ý thức người thi hành làm cho mục đích xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đạt được.
Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta hiện nay, việc tồn tại những quy định không phù hợp với thực tế cuộc sống còn rất phổ biến.
Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua ngày 3/12/2004 và chính thức có hiệu lực ngày 1/7/2005, với 6 chương, 123 điều, Luật Cạnh tranh là một trong những văn bản đồ sộ và có tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hướng cho nền kinh tế thị trường đang hình thành và ngày càng phức tạp ở nước ta. Đạo luật này nếu thực hiện tốt sẽ góp phần làm cho thị trường ngày càng mạnh hơn, hạn chế những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh gây ảnh hưởng tới Nhà nước và người dân. Tuy nhiên, từ khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực cho đến nay, ở nước ta mới có một số ít vụ điều tra và xử lý liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh. Điều này chứng tỏ mặc dù Luật Cạnh tranh đã có hiệu lực sáu năm nhưng nó vẫn còn khá mới mẻ, chỉ giới hạn trong một số ít người mà chưa lan toả tới các doanh nghiệp – đối tượng chính của Luật Cạnh tranh. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?
Sự tồn tại của những quy định không phù hợp với thực tế cuộc sống trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nước ta hiện nay rất phổ biến và được thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Việc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và thực thi những quy định không phù hợp với thực tế làm cho mục đích của quản lý Nhà nước không đạt được, gây bất bình cho nhân dân, thể hiện sự
yếu kém của các cơ quan chức năng, sâu xa hơn nó sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Thực trạng đó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những biện pháp thích hợp, kịp thời để hạn chế tối đa tình trạng “có luật nhưng chưa đi vào cuộc sống”.