Số lượng văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành nhiều nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đầy đủ

Một phần của tài liệu Thực trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước ở trung ương (Trang 27 - 29)

ở trung ương ban hành nhiều nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Trong hoạt động lập pháp, để đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội ngày càng phát triển, Nhà nước ta đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong khi mô hình lập pháp của các nước là tam giác đều thì mô hình lập pháp của nước ta lại là hình chóp nón. Dẫn chứng tình trạng này: theo thống kê của Trung tâm thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học – Văn phòng Quốc hội hiện có khoảng 200 Luật có hiệu lực (không kể Luật sửa đổi, bổ sung) và gần 100 Pháp lệnh nhưng văn bản dưới Luật đang có hiệu lực có đến hơn 10.000, trong đó: Nghị định là 1.512, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 2.242, Quyết định của các Bộ là 2.571, Thông tư là 2.332. Văn bản dưới Luật nhiều gấp 30 lần Luật, Pháp lệnh. Thực tế đó đã gây ra những mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật; văn bản của cơ quan cấp dưới có hiệu lực pháp lý cao hơn cả văn bản của cơ quan cấp trên. Tuy

nhiên, số lượng văn bản quy phạm pháp luật nhiều như vậy không có nghĩa là đã đủ. Hiện nay, trong nhiều lĩnh vực, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã ban hành “thừa” văn bản dẫn đến việc không biết phải thực hiện theo văn bản nào, ngược lại, có nhiều lĩnh vực lại thiếu văn bản điều chỉnh làm cho không biết phải giải quyết vấn đề ra sao.

Thực tế hiện nay, Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 cần đến 40 văn bản, Luật Giao thông đường bộ cần đến trên 100 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau để hướng dẫn thi hành. Luật Đất đai muốn được thực hiện thì phải dựa trên 126 văn bản. Trong lĩnh vực môi trường thì có đến khoảng 300 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực. Nếu kể cả các văn bản do các cấp chính quyền địa phương ban hành thì phải có tới “một rừng”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, mỗi năm toàn quốc có tới 600.000 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tạo ra một số lượng văn bản khổng lồ khiến người dân không thể hình dung mạch lạc về hệ thống pháp luật. Thực sự, tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay đã cho ra đời một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà chúng ta có thể gọi bằng cái tên “mê hồn trận” văn bản quy phạm pháp luật.

Trái ngược hoàn toàn với thực tế trên, có rất nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội đòi hỏi được điều chỉnh thì pháp luật lại chưa có quy định. Ví dụ: về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong 5 năm (2004-2008) các cơ quan Trung ương mặc dù đã ban hành 337 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng thực tế lại không được áp dụng và triển khai đầy đủ, bộc lộ sự hạn chế trong quá trình ban hành, tổ chức thực hiện. Hiện nay, có hàng chục ngàn thực phẩm lưu thông trên thị trường cần được ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong khi chúng ta mới chỉ ban hành được trên 400 tiêu chuẩn. Hơn thế, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cùng chịu sự quản lý của 5 Bộ nhưng khi có vụ việc xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm, có Đại biểu Quốc hội đã “ví von”,

chỉ một con gà, một cái xúc xích cũng chịu sự quản lý của 5 Bộ, giống như “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”.

Một ví dụ khác về hoạt động đăng ký bất động sản. Hoạt động đăng ký bất động sản là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc công khai và minh bạch tình trạng pháp lý của bất động sản, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch và thúc đẩy sự lành mạnh của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cho tới nay, chúng ta vẫn chưa có một đạo luật riêng điều chỉnh nội dung đăng ký bất động sản mà các quy định về đăng ký bất động sản lại được quy định rải rác trong các đạo luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan tới đầu tư xây dựng cơ bản 2009 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật trên. Điều này đã làm cho người dân gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quyền liên quan đến bất động sản của mình.

Trên đây là một vài con số thống kê nhưng phần nào đã cho thấy tình trạng số lượng văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta được ban hành quá nhiều, gây rắc rối thậm chí sai phạm trong quá trình giải quyết nhưng lại chưa đủ để đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội. Cùng với đó, tính nhất quán trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn rất hạn chế, các văn bản luật và văn bản dưới luật khác nhau còn chưa thực sự tạo thành một chỉnh thể với những nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt mang tính chuyên ngành hoặc liên ngành.

Một phần của tài liệu Thực trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước ở trung ương (Trang 27 - 29)