thuẫn,chồng chéo, không thống nhất.
Theo Báo cáo số 205/BC-BTP sơ kết 5 năm tình hình kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (2004-2008), qua kiểm tra các văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý, các Bộ, ngành đã kiểm tra, phát hiện 2.554 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật theo 5 nội dung quy định tại Điều 3, Nghị định 135/2003/NĐ-CP (chiếm 37% số văn bản phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật của toàn ngành). Riêng Bộ Tư pháp, trong các năm qua đã kiểm tra, phát hiện 2.174 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật (chiếm 32% số văn bản do toàn ngành phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật và chiếm 85% số văn bản cấp Bộ phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật). Trong đó, Bộ Ngoại giao đã tự kiểm tra 49 văn bản phát hiện 20 văn bản sai trái; Bộ Tài chính đã tự kiểm tra 1304 văn bản phát hiện 24 văn bản sai trái; Bộ Lao động-Thương binh và xã hội đã tự kiểm tra 356 văn bản phát hiện 53 văn bản sai trái; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tự kiểm tra 600 văn bản phát hiện 91 văn bản sai trái;… (theo Phụ lục III ban hành kèm theo Báo cáo số 205/BC-BTP).
Văn bản quy phạm pháp luật sai trái được thể hiện trên nhiều mặt như: sai trái về thẩm quyền ban hành; sai trái về nội dung của văn bản; sai trái về hình thức; hay về trình tự, thủ tục;… Đối với văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Nhà nước ở trung ương ban hành, nổi cộm hơn cả là thực trạng sai trái về nội dung của văn bản. Do phạm vi khóa luận có hạn nên người viết chỉ xin đề cập tới thực trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước ở trung ương có nội dung sai trái.
Nội dung là vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng trực tiếp và chủ yếu tới tính hợp pháp, tính thống nhất của cả hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ở các cơ quan Nhà nước Trung ương vẫn còn nhiều nội dung sai trái. Việc văn bản quy phạm pháp luật sai trái về nội dung thể hiện trên các mặt:
Thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất.
Hiện nay, việc nhiều văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Nhà nước khác nhau ban hành để điều chỉnh về cùng một vấn đề đã góp phần kéo theo một thực tế là các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau. Điều đó không những được thể hiện ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau mà còn tồn tại ngay trong một văn bản.
Theo thống kê về kết quả kiểm tra văn bản trong lĩnh vực thanh tra, khiếu tố từ ngày 01/01/1999 đến ngày 30/06/2006, có 1296 văn bản được kiểm tra đã phát hiện 71 văn bản mâu thuẫn, chồng chéo. Có thể lấy một ví dụ điển hình về những quy định mâu thuẫn nhau trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 và Luật Đất đai 2003. Luật Khiếu nại, tố cáo sửa đổi, bổ sung năm 2005 quy định: “ Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 36 của Luật Khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án”(Điều
39), “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 43 của Luật Khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án” (Điều 46). Như vậy, theo quy định này chúng ta có thể hiểu: nếu khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì họ có quyền khiếu nại lần hai hoặc lựa chọn Tòa án để giải quyết. Sau khi đã chọn khiếu nại lần hai mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại này thì họ có quyền khởi kiện ra Tòa án. Tuy nhiên, cũng về vấn đề này trong lĩnh vực đất đai, Luật Đất đai 2003 lại có quy định: “Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng và người khiếu nại không có quyền khởi kiện ra Tòa” (khoản b, Điều 2, Luật Đất đai). Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai 2003 thì người khiếu nại sẽ bị hạn chế quyền lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, họ sẽ không được quyền khởi kiện ra Tòa trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Từ quy định này, một câu hỏi đặt ra: trong thực tế vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào và quyền lợi của người đân sẽ được bảo đảm đến đâu?
Hay trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, chúng ta có thể tìm thấy những quy định về chế tài khác nhau cho những hành vi vi phạm tương tự nhau. Ví dụ: điểm c, khoản 1, Điều 9, Nghị định 150/2005/NĐ-CP quy định người nào có hành vi “ vứt rác, xác động vật, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác ra nơi công cộng, chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày người dân sử dụng trong sinh hoạt gây ô nhiễm hoặc làm mất vệ sinh” thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 tới 100.000 đồng. Trong khi đó, hành vi “để chất thải, nước thải gây ô nhiễm nguồn nước dùng trong ăn uống và sinh hoạt của nhân dân” theo quy định tại Nghị đinh 45/2005/NĐ-CP ngày 06/04/2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế lại bị phạt tiền từ 10.000.000 đến
15.000.000 đồng. Đây là hai hành vi vi phạm pháp luật tương tự nhau nhưng mức độ và tính chất xử phạt quá khác xa nhau.
Giữa luật và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết luật đó, do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành cũng có sự mâu thuẫn về nội dung. Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 quy định các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động của mình không được quyền giảm mức vốn pháp định. Tuy nhiên, theo Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 – văn bản hướng dẫn Luật này thì: “trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể cơ cấu lại vốn đầu tư, vốn pháp định”. “Cơ cấu lại” ở đây có thể được hiểu là việc tăng lên hoặc giảm đi vốn pháp định. Như vậy, quy định giữa Luật Đầu tư nước ngoài tai Việt Nam và văn bản hướng dẫn của nó đã mâu thuẫn nhau.
Tình trạng nội dung mâu thuẫn, chồng chéo còn tồn tại ngay trong cùng một văn bản quy phạm pháp luật. Một trong những minh chứng được nhắc đến nhiều nhất về tình trạng này là những quy định trong Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp ngày 03/07/1996. Theo Pháp lệnh, trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội và đời sống, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định: chủ trương, biện pháp phát triển sự nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giáo dục – đào tạo, phát thanh, truyền hình, giáo dục thanh niên, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thanh niên, nhi đồng ở địa phương (khoản 1,2 Điều 6); Hội đồng nhân dân huyện quyết định: biện pháp phát triển sự nghiệp văn hóa, văn nghệ, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, phát thanh ở địa phương (khoản 1, Điều 32); Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định: biện pháp thực hiện việc phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục ở địa phương (khoản 1, Điều 58). Việc Pháp lệnh quy định như vậy làm cho Hội đồng nhân dân các cấp lúng túng, không xác định được nhiệm vụ cụ thể của mình, từ đó dẫn đến tình trạng hoặc việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp bị chồng chéo hoặc nhiệm vụ của các cấp bị bỏ ngỏ. Quy định này của Pháp lệnh cũng rất dễ
làm nảy sinh thực tế là việc một quy định sai trái được ban hành làm hình thành nhiều văn bản sai trái khác.
Trong Bộ Luật Tố tụng hình sự cũng có những quy định mâu thuẫn nhau. Theo Điều 79, Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2003, chỉ có cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án mới có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn. Nhưng chỉ có Điều 91, 92 và 93 quy định cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn như cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Còn các điều luật khác lại có quy định mở rộng hơn về chủ thể có thẩm quyền này: Hội đồng xét xử, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án TAND và TAQS các cấp; Thẩm phán giữ chức vụ Chánh Tòa; Phó Chánh Tòa Tòa phúc thẩm TANDTC; Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên Tòa có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn (cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm). Và Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Điều tra các cấp; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng một số cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra một số vụ án như: Bộ đội biên phòng; Hải quan; Kiểm lâm; Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân; người chỉ huy quân đội độc lập cấp Trung đoàn và tương đương; người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng; mọi công dân đều có quyền bắt kẻ phạm pháp quả tang và người đang bị truy nã.
Thứ hai, văn bản quy phạm pháp luật quốc gia có nội dung chưa phù hợp với Điều ước quốc tế Việt Nam gia nhập hoặc ký kết.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng được thúc đẩy một cách sâu rộng hơn như một xu thế tất yếu. Cùng với đó là việc các quốc gia phải tiến hành nội luật hóa các điều luật quốc tế thông qua cải cách, điều chỉnh và phát triển khung pháp lý trong nước cho phù hợp.
Việt Nam đang trong thời kì đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Thích ứng với điều đó, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và cố gắng trong việc rà soát, đối chiếu và sửa đổi, xây dựng pháp luật quốc gia nhằm thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế đã cam kết. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước khác trên thế giới nhất là các nước đang phát triển, vấn đề chuyển hóa điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia ở nước ta còn nhiều hạn chế và bất cập. Nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập chưa được nội luật hóa vào pháp luật quốc gia hoặc có sự mâu thuẫn, không thống nhất giữa luật quốc gia với điều ước quốc tế.
Ví dụ: sự khác nhau giữa các thuật ngữ, khái niệm về kinh tế trong pháp luật quốc gia và Điều ước quốc tế, trong một số trường hợp còn có những biểu hiện không thống nhất. Cụ thể là: khái niệm “thương mại” trong thực tiễn thương mại quốc tế được hiểu theo nghĩa rất rộng, trong khi đó, Luật Thương mại Việt Nam 2005 có quan điểm chưa hẳn đã thích ứng. Việc quan niệm như vậy trong thực tế đã làm phát sinh không ít phức tạp khi Việt Nam thực thi Công ước Niu – Ươc 1958 về công nhận và thi hành các quyết định của Trọng tài nước ngoài cũng như áp dụng Luật Thương mại và Pháp lệnh về Trọng tài thương mại. Hay khái niệm về “hàng hóa”, một vấn đề cũng không kém phần phức tạp. Các Luật Hải quan và Luật Thương mại của Việt Nam có định nghĩa về “hàng hóa” khá khác xa nhau. Trong khi đó, các hiệp định của WTO không có định nghĩa về khái niệm này và các hiệp định đó đều dựa vào quy định của Công ước của tổ chức Hải quan thế giới về hệ thống về Hài hòa mã số và Mô tả hàng hóa (Công ước HS) để xử lý vấn đề. Theo quy định của Công ước, tất cả những sản phẩm cụ thể nào được liệt kê, được mã hóa và mô tả trong danh mục HS thì được coi là hàng hóa chứ không chung chung và trừu tượng như đã được định nghĩa trong Luật Hải quan và Luật Thương mại Việt Nam.