Thực hiện tốt việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Một phần của tài liệu Thực trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước ở trung ương (Trang 52 - 53)

Lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một hoạt động quan trọng, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, là nguyên tắc lập pháp và là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đã được quy định trong Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế.

Để nâng cao chất lượng hoạt động lấy ý kiến đóng góp trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trước hết, cần phải nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của việc lấy ý kiến đóng góp cũng như trách nhiệm của chủ thể tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến và chủ thể tham gia ý kiến. Chỉ khi nào các chủ thể nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc lấy ý kiến thì khi đó việc thực hiện hoạt động này mới được thi hành một cách nghiêm minh.

Bên cạnh đó, chúng ta cần hoàn thiện những quy định của pháp luật theo hướng quy định chi tiết và chặt chẽ quy trình lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Trong đó, quy định cụ thể quy trình lấy ý kiến đối với từng nhóm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo hướng mở. Tức là “nên căn cứ vào nội dung, tính

chất của từng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; điều kiện thực tiễn mà chủ thể có thẩm quyền lựa chọn trong phạm vi quy trình đã quy định về phạm vi, nội dung xin ý kiến, hình thức, phương thức, thời điểm và địa điểm xin ý kiến. Trong từng quy trình lấy ý kiến cần phải xây dựng thật chi tiết và đầy đủ về các công việc cần tiến hành, trật tự, thời gian cho từng công việc, trách nhiệm của từng chủ thể trong từng công việc”[9].

Hoạt động lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua đạt hiệu quả không cao còn do pháp luật chưa có quy định cụ thể về chế tài đối với việc không thực hiện đúng các quy định về vấn đề này. Thực tế đòi hỏi những quy định pháp luật đó cần sớm được ban hành và chắc chắn khi ra đời nó sẽ là điều kiện đảm bảo cho hoạt động lấy ý kiến của nhân dân được thực hiện nghiêm chỉnh và hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, “cơ quan tổ chức lấy ý kiến còn cần làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, cung cấp đầy đủ ,chi tiết và đa chiều thông tin về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức các điểm cung cấp thông tin, sử dụng các phương tiện truyền thông phù hợp; tổ chức các điểm và các kênh thu thập ý kiến phản hồi của người dân. Ý kiến đóng góp phải được tập hợp và xử lý, phân loại một cách đầy đủ”[9].

Một phần của tài liệu Thực trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước ở trung ương (Trang 52 - 53)