Để nâng cao trình độ, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ trương kết hợp các hình thức đào tạo dài hạn, ngắn hạn, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số đang công tác tại các ngành, huyện và cơ sở. Trong quy hoạch hàng năm, tỉnh đều tuyển chọn cán bộ là người dân tộc thiểu số gửi đi đào tạo ở Trung ương. Trường chính trị của tỉnh phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Phân viện Báo chí tuyên truyền đào tạo được một đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, trong đó có 64 người là cử nhân và có trình độ cao cấp chính trị, trên 700 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị.
Trong 578 cán bộ các cấp từ trưởng, phó phòng của tỉnh trở lên có 64 cán bộ là người dân tộc thiểu số (chiếm 11%). Trong 280 ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ huyện, thì cán bộ người dân tộc thiểu số chiếm 33,92%, trong đó ủy viên Ban Thường vụ chiếm 24,1%. Tổng số cán bộ là trưởng, phó phòng các huyện, thị là 657 người thì số cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm 24% [75, tr.6].
Trong 1.061 cán bộ xã, phường thì cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm 57,39% [75, tr.7].
Nhiều cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ các chức vụ chủ chốt ở cấp tỉnh, một số được bổ nhiệm giữ các chức vụ cao ở trung ương.
Thực hiện quyết định 42/1999/QĐ-TTg ngày 10/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường có thời hạn cán bộ, công chức về các xã làm công tác xóa đói giảm nghèo, hàng năm tỉnh và các huyện đã chủ động phân công các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan, phòng, ban đỡ đầu, giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn. Việc phân công các đồng chí tỉnh ủy viên, lãnh đạo các ngành cấp tỉnh phụ trách các xã vùng cao; các đồng chí huyện ủy viên và lãnh đạo các phòng ban cấp huyện phụ trách các thôn, bản đã có hiệu quả cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và nắm tình hình cơ sở.
Về tăng cường cán bộ trực tiếp giúp xã, huyện năm 1999 tại hai huyện Mù Căng Chải, Trạm Tấu đã có 23 cán bộ xuống tăng cường cho 23 xã (còn 4 xã do phòng nông nghiệp huyện trực tiếp chỉ đạo). Cán bộ tỉnh tăng cường xuống huyện 9 người. Cán bộ được tăng cường đã trực tiếp tham gia công tác chỉ đạo, quản lý các chương trình tại các xã đặc biệt khó khăn.
Số cán bộ tăng cường xuống 24/70 xã đặc biệt khó khăn trong hai năm (2000- 2001), mới chỉ làm thay cán bộ xã, huyện một số việc; nay tỉnh đã tổng kết và rút về vì năng lực cán bộ hạn chế và ngân sách tỉnh còn khó khăn.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã có nhiều cố gắng, tỉnh đã tăng cường đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số, tạo nguồn từ các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, có các chính sách thu hút cán bộ từ miền xuôi và các nơi khác đến công tác ở vùng dân tộc Mông.
Cùng với việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ tỉnh còn chú trọng tạo nguồn kế cận bổ sung cho đội ngũ cán bộ cơ sở, tỉnh đã trích ngân sách cho các xã vùng cao hợp đồng số học sinh, sinh viên người địa phương đã tốt nghiệp chuyên môn từ trung cấp trở lên, trước mắt đưa vào hợp đồng, khi có điều kiện sẽ tuyển dụng chính thức. Việc tuyển dụng đối với cán bộ người dân tộc thiểu số cũng được thực hiện theo chính sách ưu đãi (như chỉ xét tuyển mà chưa tổ chức thi tuyển; về yêu cầu tiêu chuẩn, yêu cầu trình độ cũng thấp hơn so với vùng thấp trong tỉnh).
Những việc làm trên đây đã từng bước tạo nguồn cán bộ có trình độ, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của tỉnh. Đây là những chủ trương, chính sách thiết thực, tích cực và có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, bảo đảm cho sự phát triển vững chắc của các dân tộc thiểu số.