Trong những năm thực hiện đổi mới, Đảng bộ và các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái luôn quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Triển khai những chỉ thị, quyết định của Đảng, Chính phủ liên quan đến vấn đề dân tộc ở địa phương, Đảng bộ và các cấp chính quyền trong tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể của từng vùng, từng dân tộc, đề ra những chủ trương tìm các biện pháp thích hợp giải quyết tốt vấn đề dân tộc, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Vấn đề dân tộc miền núi được đề cập trong các nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, trong các báo cáo định kỳ (6 tháng, 1 năm), Tỉnh ủy, ủy ban Nhân dân, Ban dân tộc thường xuyên tổng kết các mặt công tác vùng dân tộc thiểu số kịp thời khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách miền núi. Tỉnh cử các đoàn công tác, điều tra đến các vùng dân tộc tìm hiểu có hệ thống và cơ sở khoa học vùng dân tộc thiểu số để có những định hướng đúng về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, dân tộc đưa đồng bào đi lên chủ nghĩa xã hội từ điều kiện và tình hình thực tế địa phương.
Trong những năm thực hiện đổi mới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái đã có thay đổi rõ rệt. Đó là minh chứng về sự đúng đắn trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở Yên Bái.
Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 14/7/1997 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX "về phát triển kinh tế - xã hội vùng cao". Nghị quyết số 04 NQ/TU là Nghị quyết chuyên đề, tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 22 -NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VI) và Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về một số chủ trương chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội miền núi.
Tỉnh Yên Bái có 70 xã vùng cao và 15 xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn (xem phụ lục 1) chiếm 44% số xã toàn tỉnh với 652 thôn bản (chiếm 40% số thôn bản toàn tỉnh). Các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn phân bố rộng trên 7 huyện, trong đó Trạm Tấu, Mù Cang Chải là 2 huyện trong 9 huyện đặc biệt khó khăn [66, tr.4]. Vùng cao Yên Bái là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, có một vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái; là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn không chỉ với Yên Bái mà còn đối với cả một
số tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Vùng cao có tổng diện tích tự nhiên 510.734 ha, dân số 271.508 người chiếm 74,2% về diện tích tự nhiên và 39,95% dân số toàn tỉnh. Mật độ dân số bình quân 53 người/km2 phân bố rộng ở 7/9 huyện, thị xã thành phố, trong đó có 2 huyện vùng cao trọng điểm của cả nước là huyện Trạm Tấu và Mù Căng Chải.
Địa hình các xã vùng cao chia cắt phức tạp chịu ảnh hưởng của những tiểu vùng khí hậu khác nhau, độ cao trung bình so với mặt biển là trên 600m, nơi cao nhất là 2.985m. Vùng cao là nơi cư trú của đa số đồng bào dân tộc thiểu số; nhìn chung trình độ dân trí của nhân dân còn thấp, khoảng 80% không thạo tiếng phổ thông (một số không biết tiếng phổ thông), dân số phát triển còn ở tỷ lệ cao có nơi trên 30%, tỷ lệ đói nghèo bình quân 26,37% (xem phụ lục 2). Các tệ nạn xã hội như nghiện hút, hủ tục lạc hậu ở một số nơi vẫn còn là vấn đề bức xúc.
Kết cấu hạ tầng cơ sở còn thiếu và yếu, hiện nay vẫn còn 9 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, 40 trụ sở xã chưa có máy điện thoại liên lạc, trên 40% dân số chưa được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.
Qua những năm đổi mới việc thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Yên Bái đã đạt được một số kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực (từ 1989 - 2004).
Về thực hiện chính sách phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số:
Mười lăm năm qua tình hình kinh tế - xã hội ở Yên Bái đã có bước tăng trưởng với nhịp độ cao hơn hẳn so với các năm trước đó, tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo, khắc phục một bước quan trọng tình trạng lạc hậu, kém phát triển ở các dân tộc thiểu số tại địa phương Yên Bái.
Sự chuyển biến trước hết biểu hiện trong lĩnh vực nông nghiệp:
Phát triển sản xuất cây lương thực, thực phẩm với quan điểm đảm bảo an ninh lương thực là yếu tố quan trọng, là cơ sở ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững. Những năm qua tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xóa bỏ 1.500 ha cây thuốc phiện, đẩy mạnh sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp và bảo vệ rừng, trồng rừng. Thực hiện chủ trương đầu tư phát triển kinh tế - xã hội bằng lồng ghép các chương trình 327, chương trình định canh định cư, chương trình 135...
cùng với sự đầu tư của nhà nước và của tỉnh, đồng bào vùng cao đã tập trung nỗ lực vào thâm canh, đưa 20-25% giống lúa có năng suất cao vào sản xuất.
Về diện tích lúa nước năm 1999 so với năm 1991 tăng 14.650 ha, 60-65% diện tích được cấp bằng giống lúa có năng suất cao, nhiều xã đồng bào các dân tộc thiểu số cấy tới 80-90% [49, tr.4]. Năng suất lúa nửa đầu những năm 1990 từ 4-5 tấn/ha, thì năm 1999 đạt 8,4 tấn/ha. Nhiều xã, hợp tác xã của đồng bào các dân tộc đạt năng suất khá cao, như hợp tác xã Phù Nham đạt 11,3 tấn/ha, Nghĩa An, An Hòa, Đại Phác, An Thịnh... đạt 10 tấn/ha. Với chủ trương tăng 2 vụ, đồng bào dân tộc mỗi năm đã tăng vụ được gần 2.000 ha. Một số đồng bào người Mông ở Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn những năm gần đây đã tập trung làm lúa Đông Xuân được trên 400 ha, tăng thêm 1.200 - 1.500 tấn lương thực mỗi năm, góp phần giải quyết đói và đói giáp hạt ở nhiều xã vùng cao, bình quân lương thực tăng từ 214 kg năm 1995, lên 261 kg năm 2003. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, xã Phù Nham huyện Văn Chấn với 80% đồng bào người Thái, Mường là xã điển hình về mọi mặt được tỉnh đề nghị Nhà nước công nhận là đơn vị anh hùng lao động.
Ngoài phát triển cây lương thực còn phát triển các loại cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày: đậu, lạc, vừa tạo nguồn thực phẩm vừa góp phần cải tạo đất. Đã hướng dẫn sử dụng lương thực một cách hợp lý, tích luỹ phòng khi giáp hạt. Nhờ đó, hiện tượng thiếu đói kéo dài không còn, đói giáp hạt cơ bản đã được giải quyết, chất lượng bữa ăn được tăng lên, sự lựa chọn lương thực, thực phẩm ngày càng rộng rãi hơn.
Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả:
Cây chè là cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, trong đó cây chè shan tuyết được coi là cây có ưu thế của vùng cao và có thị trường ưu tiên rộng rãi trong ngoài nước. Cây chè shan phù hợp với khí hậu đất đai vùng cao, vừa có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc. Từ năm 1999 - 2004, đã trồng mới được 2.625 ha chè, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt 2.500 tấn [74, tr.3].
Phát triển cây ăn quả, cây dược liệu tạo nguyên liệu cho cây công nghiệp chế biến, tăng nông sản hàng hóa, phát triển mở rộng diện tích các loại cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi), hồng ở các huyện Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên; cây vải, nhãn, mận,
sơn tra ở các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Căng Chải với diện tích từ 1.500 - 2.000 ha [74, tr.6].
Ngành chăn nuôi ở các xã vùng cao cũng có bước thay đổi đột biến và chuyển dịch dần theo hướng tăng số lượng và tỷ trọng gia súc nuôi lấy thịt, giảm gia súc cày kéo. Đặc biệt là đàn ngựa địa phương đang được cải tạo bằng giống ngựa Cabazin mới của Nga để tăng chất lượng đàn phục vụ cho di lại vận chuyển hàng hóa. Từng bước xây dựng chuồng trại để chăn thả gia súc trong chuồng, xóa bỏ dần tập quán thả rông gia súc.
Thực hiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng trình độ quản lý, kỹ thuật và nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ chủ chốt như: mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý hợp tác xã, các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế trang trại, hình thành các câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm... ngành nông nghiệp cũng đã tăng cường cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành nông lâm nghiệp lên hai huyện vùng cao để hướng dẫn bà con nông dân trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế nông nghiệp vùng cao còn chậm, chưa khai thác hết tiềm năng, phát huy thế mạnh về nguồn tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Nguyên nhân do xuất phát điểm của nền kinh tế ở vùng cao còn rất thấp, trình độ dân trí, phong tục, tập quán sản xuất nhiều nơi chưa đổi mới, nặng về sản xuất tự cung tự cấp và độc canh cây lúa. Quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm, chưa đẩy nhanh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Về phát triển lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng:
Nghị quyết về xây dựng vốn rừng và phát triển kinh tế rừng (năm 1989), Nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện (1993) để khuyến khích đồng bào các dân tộc nhận đất, nhận rừng phát triển kinh tế đồi, rừng, mở ra hướng sản xuất mới cho đồng bào miền núi trong tỉnh.
Hàng loạt trang trại ra đời, trong số 7.252 trang trại, thì số trang trại của đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm trên 40%.
Đặc biệt, các trang trại trồng quế của đồng bào người Dao trị giá mỗi trang trại từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Nhiều trang trại trồng rừng của đồng bào các dân tộc có từ 10-30 ha. Thực hiện chủ trương phát triển lâm nghiệp một cách tích cực, đến nay toàn tỉnh đã trồng mới được gần 100 ngàn ha rừng, khoanh nuôi, tái sinh được 180.000 ha (trong đó trên 60.000 ha rừng khoanh nuôi đã trở thành rừng kinh tế).
Đưa tỷ lệ tán che rừng từ 17% năm 1996 lên gần 40% vào năm 2004 [66, tr.4], góp phần cải thiện đáng kể môi trường sinh thái, đặc biệt là điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp ở tỉnh, vùng Trung du và vùng đồng bằng Bắc bộ.