sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số từ 1989-2004.
- Về giáo dục: Nghị quyết 22-NQ/TƯ ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, phần về giáo dục đã nêu rõ: "Tổ chức lại hệ thống trường phổ thông cơ sở..., phấn đấu phổ cập giáo dục cấp I cho lứa tuổi thanh thiếu niên theo chương trình cho phù hợp... chú ý giải quyết tốt nhu cầu của một số dân tộc về học chữ dân tộc xen kẽ với học chữ phổ thông... Mở rộng và củng cố các trường phổ thông dân tộc nội trú".
Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 khóa VIII đã nêu: "Đối với miền núi, vùng sâu, vùng khó khăn, xóa "điểm trắng" về giáo dục ở ấp, bản. Mở thêm các trường dân tộc nội trú và các trường bán trú ở cụm xã, các huyện", cần "có chính sách giúp đỡ con em dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, người tàn tật không có điều kiện học tập".
Đối với giáo dục ở vùng dân tộc, các văn kiện của Đảng và Nhà nước đặc biệt nhấn mạnh việc chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và đào tạo cán bộ dân tộc với những hình thức, chương trình dạy phù hợp và cách chỉ đạo, tổ chức tập trung, cụ thể.
Toàn tỉnh hiện có trên 400 trường phổ thông, gần 6.000 lớp với hơn 17 vạn học sinh. Tiểu học có 101.484 em, có gần 50% là dân tộc thiểu số, riêng khu vực III có 43.522 em, với 80 % là học sinh các dân tộc thiểu số. Số học sinh phổ thông trung học cơ sở có 49.339 em [55, tr.3], trong đó học sinh các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 35%, riêng khu vực III có 14.270 em với phần lớn là người dân tộc, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15%.
Toàn tỉnh có 9 trường phổ thong dân tộc nội trú (1 trường trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và 8 trường trung học cơ sở dân tộc nội trú huyện) với 63 lớp, 1.801 học sinh [55, tr.4].
Hệ thống mạng lưới trường, lớp, tiếp tục được mở rộng đảm bảo thu hút và đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của con em đồng bào các dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, Sở Giáo dục tham mưu cho tỉnh mở thêm phân hiệu trường phổ thông dân tộc nội trú tại trường trung học sư phạm (Nghĩa Lộ) với 3 lớp (khối 10), 78 học sinh là con em các dân tộc thiểu số thuộc huyện Văn Trấn, Trạm Tấu, Mù Căng Chải theo học; tạo nguồn cán bộ cho vùng cao và tạo động lực cho việc thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở các huyện miền Tây của tỉnh; thực hiện quyết định số 209/QĐ-UB của ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về hỗ trợ học bổng cho học sinh trung học phổ thông là người dân tộc Mông có hộ khẩu thường trú theo học ở hai huyện Trạm Tấu và Mù Căng Chải, từ 60.000đ lên 100.000đ/ 1 tháng. Thời gian được hưởng 9 tháng/năm, có 453 em được hưởng chế độ này, lấy từ kinh phí sự nghiệp giáo dục hàng năm [71, tr.13]. Những chính sách đó đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thu hút thêm học sinh học lên bậc trung học phổ thông và từng bước nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận vùng cao.
Tuy nhiên, chất lượng dạy và học ở vùng cao vẫn chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn; nguy cơ tái mù chữ còn cao do đồng bào chưa có điều kiện tiếp cận và sử dụng chữ phổ thông trong đời sống; nhiều bản, làng chưa có điện để xem ti vi, không có
sách báo để đọc... Nguồn giáo viên bậc trung học cơ sở còn thiếu, đặc biệt ở Trạm Tấu, Mù Căng chải phải sử dụng giáo viên tiểu học dạy kê lớp đầu cấp trung học cơ sở. Một số xã dù đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở song tỷ lệ huy động trẻ lớp 6 ở một số thôn, bản còn thấp. Vì lý do trường cấp II xa bản. Có nơi tơi 12 km (xã Nậm Búng huyện Văn Chấn).
Ngoài những nguyên nhân khách quan như thiếu giáo viên, giao thông khó khăn, điều kiện phục vụ dạy và học chưa thực sự đảm bảo, khó khăn do bất đồng ngôn ngữ thầy và trò... thì cần phải nói đến nguyên nhân chủ quan chính từ đội ngũ thầy, cô giáo và gia đình học sinh. Nhiều giáo viên chưa mạnh dạn cải tiến phương pháp cho phù hợp với đối tượng vùng cao, còn áp đặt theo phương pháp chung. Bên cạnh sự quan tâm của những gia đình có con học bán trú thì phần lớn các gia đình đồng bào vùng cao còn chưa dành thời gian thích đáng cho con học tập; bản cách xa trường học, các bậc cha mẹ chưa tạo điều kiện cho con tới trường.
- Về y tế:
ở Yên Bái do các dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa nên có nhiều bất lợi trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Những phong tục tập quán lạc hậu là nguyên nhân quan trọng gây nên bệnh tật ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tuổi thọ của người dân. Chính vì vậy, hiện nay ở vùng dân tộc thiểu số vấn đề y tế, sức khỏe đang là những vấn đề bức xúc cần giải quyết.
Phải ghi nhận rằng, nhờ xây dựng được mạng lưới y tế nhân dân nhất là tuyến xã ngày càng mở rộng và phát triển, nên công tác y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có hiệu quả, không để bệnh dịch xảy ra. Việc khám, chữa bệnh có nhiều tiến bộ, tỷ lệ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế hàng năm đến tăng (huyện Mù Căng Chải tăng 95%, huyện Trạm Tấu tăng 47%).
Các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đã được thực hiện chính sách cấp phát thuốc không thu tiền với định mức 10.000-15.000đ/người/năm.
ở huyện vùng cao Mù Căng Chải có 12 cán bộ y tế trên 1 vạn dân và 1,61 bác sĩ trên 1 vạn dân. ở huyện Trạm Tấu, cứ một vạn dân có 20,8 cán bộ y tế, trong đó 2,7 là bác sĩ [71, tr.6].
Bên cạnh những mặt đạt được, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là bác sĩ, y sĩ tuyến xã rất thiếu. Nhìn chung đội ngũ y tế ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số vừa thiếu, vừa non yếu tay nghề, còn thiếu cán bộ chuyên khoa giỏi, trong cơ cấu đội ngũ cán bộ y tế vốn đã ít đã thiếu thốn, song lại càng hiếm cán bộ y tế là người dân tộc thiểu số tại địa phương.
Trong khi đó, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe lại cấp thiết và cần thuốc tốt, thầy thuốc giỏi. Đây là một nghịch lý gần như chưa giải quyết được.
- Văn hóa - thông tin:
Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về chính sách đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện nghị quyết Trung ương khóa VIII về việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đều có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa vùng cao và vùng thấp của tỉnh. Có thể kể đến chương trình hành động thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của tỉnh, các nghị quyết chuyên đề về bảo tồn di sản khảo cổ Hắc Y - Đại Cại, Nghị quyết 04/NQ-TU ngày 14/4/1997 của Ban Chấp hành Đảng bộ Yên Bái khóa XV về bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số vùng cao của tỉnh.
Nghị quyết chỉ rõ: "Khuyến khích mọi cấp, mọi ngành, tổ chức xã hội đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phấn đấu 70% số hộ đạt chuẩn văn hóa, 70% số xã có làng văn hóa, 85% các đơn vị văn hóa... khôi phục, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt quan tâm đến đồng bào vùng cao".
Tại Báo cáo số 80/BC-TD ngày 11/6/2003 về việc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 04 khóa XIV về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vùng cao và các xã đặc biệt
khó khăn, Tỉnh ủy nhận định về lĩnh vực văn hóa như sau: "đã tập trung chỉ đạo hướng mạnh về cơ sở vùng cao vùng dân tộc thiểu số. Công tác thông tin - tuyên truyền bằng tiếng nói dân tộc, các loại hình nghệ thuật phù hợp với từng vùng từng dân tộc nên nhiều chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã thực sự có hiệu quả, tiêu biểu là đã bài trừ được một số tập tục lạc hậu, hạn chế tối đa việc trồng cây thuốc phiện, giảm nạn tảo hôn, ma chay lạc hậu.
Các di tích lịch sử được chú ý bảo tồn, văn hóa phi vật thể được sưu tầm gìn giữ. Đã phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng đời sống bước đầu có hiệu quả. Đời sống văn hóa cơ sở của đồng bào có khởi sắc. Các hoạt động văn hóa truyền thống như: đẩy gậy, ném còn, đua ngựa, ném quay... đã được khôi phục trong các lễ hội".
Công tác tuyên truyền được thực hiện trên sóng phát thanh - truyền hình của tỉnh, nhằm mục đích đưa tiếng nói của Đảng đến với đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nhiều chương trình đã được thực hiện như: từ tháng 7/1999 đài phát thanh - truyền hình Yên Bái đã sản xuất chương trình lồng tiếng Mông, đây là đài đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc thực hiện loại hình thông tin này. Từ đầu năm 2002 khi đài truyền hình Việt Nam thực hiện dự án truyền hình tiếng dân tộc, đài Yên Bái đã trở thành cộng tác viên tích cực cung cấp nội dung cho chương trình VTV5 phát qua sóng vệ tinh. Mạng lưới phát thanh, truyền hình rộng khắp trong toàn tỉnh, 100% địa bàn được phủ sóng phát thanh. Tất cả các huyện đều có đài tiếp sóng truyền hình Trung ương và đã phủ sóng được trên 70% (xem phụ lục 4).
Công tác bồi dưỡng cán bộ văn hóa, đào tạo các tài năng văn nghệ đã được quan tâm đúng mức. Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật tỉnh trong 15 năm qua đã đào tạo được 444 cán bộ văn hóa, diễn viên, nhạc công, trong đó có 135 người là dân tộc thiểu số.
Những kết quả nêu trên đã góp phần to lớn phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Có thể khẳng định, đây cũng chính là những đóng góp vào sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa tỉnh Yên Bái.